Chán đời, tôi đón xe buýt xuống Thủ Đức thăm một người bà con. Xe dừng trạm, một người phụ nữ chống cặp nạng từ từ bước lên. Ngay từ ánh nhìn đầu tiên, tôi đã bị chị cuốn hút. Chị sở hữu đôi mắt đẹp mê hồn, mái tóc dài óng mượt, lúm đồng tiền xinh xinh và… một đôi chân co quắp. Tôi và chị ngồi chung ghế, và thế là câu chuyện của cả hai bắt đầu. Tôi lân la hỏi thăm, chị cũng hào hứng không kém. Nhìn bề ngoài xinh xắn và đầy tự tin ấy, không ai biết được chị đã từng có ý nghĩ tự vẫn để chấm dứt chuỗi ngày đen tối trong cuộc đời mình. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất tận cùng tổ quốc, rừng U Minh đã nuôi sống và hình thành một ý chí mãnh liệt trong chị. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chị phải tự mình bươn chải với cuộc mưu sinh. Tưởng chừng bất hạnh như vậy là quá đủ, thế nhưng… Chị vừa kể vừa ngước mắt lên trần xe. Tôi biết tại sao chị làm vậy, chị không muốn khóc hay nói đúng hơn chị sợ khóc, chị sợ chạm vào nỗi đau của mình. Năm lên 8, căn bệnh sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân lành lặn của chị. Kể từ đây, chị không thể vô tư chơi đùa cùng lũ bạn. Chị đã khóc rất nhiều cho tuổi thơ bất hạnh của mình. Nhưng rồi chị phải gượng dậy để sống bởi chị tin rằng, ở thế giới bên kia, cha mẹ luôn cầu mong con gái mình bình an. Chị quyết định bỏ quê lên Sài Gòn kiếm sống…
Chị xin tá túc tại nhà một bà cụ neo đơn. Hàng ngày, chị dùng xe lăn (chiếc xe được một người tốt bụng mua cho) đi bán vé số. Tối về, hai bà cháu cô đơn ôm nhau ngủ trong căn nhà lụp xụp tại quận Thủ Đức. Cuộc sống cứ thế trôi đi, rồi chị xin học nghề may và trở thành thợ phụ của một tiệm may đắt khách. Chiều về, tuy đã thấm mệt nhưng chị vẫn ôm sách tập đến lớp bổ túc để bổ sung kiến thức. Và giờ đây, chị đã làm chủ một tiệm may có tiếng, là mẹ của hai cô công chúa đáng yêu. Chị nói: “Cuộc sống là do chính mình quyết định, nếu bản thân biết cố gắng thì không gì có thể ngăn cản được”. Câu nói đó đã thức tỉnh tôi. Từ trước đến nay, tôi luôn nghĩ rằng mình là người bất hạnh, toàn gặp những chuyện không may. Thi rớt đại học, tôi đâm ra chán nản rồi ăn chơi lêu lổng, chẳng cần nghĩ đến tương lai. Nhiều lần ba mẹ phải khóc vì tôi không biết vâng lời. Nhưng rồi chính chị đã thay đổi suy nghĩ trong tôi. Chị mồ côi, tàn tật nhưng lại sống rất lạc quan và không bao giờ chịu khuất phục nghịch cảnh thì tại sao tôi, một người khỏe mạnh, được sống trong tình yêu thương của ba mẹ lại trở thành người vô dụng như thế này? Tôi ngưỡng mộ chị bao nhiêu thì tự trách mình bấy nhiêu. Nước mắt chảy dài trên má, tôi bắt điện thoại lên và nói: “Mẹ ơi, năm nay con nhất định sẽ vào đại học…”.
Yên Nhi
Bình luận (0)