Trẻ mắc bệnh rối loạn tâm lý rất khó khăn hòa nhập cùng bạn bè như thế này |
Dù là “thần đồng” ở thành thị, nông thôn hay miền núi thì báo chí cũng tìm đến để tung hô. Bản thân bố, mẹ “thần đồng” cũng vô cùng tự hào về con. Chỉ đến khi “thần đồng” đi học, phụ huynh mới hay con mình mắc bệnh…
Nỗi niềm của mẹ “thần đồng”
32 tuổi, chị Bình (Q.4) mới lập gia đình. Ông xã chị cũng không còn trẻ, đã bước sang cái tuổi 45. Lấy nhau được gần 3 năm, vợ chồng chị Bình mới được lên chức bố, mẹ. Lúc ấy, nhiều người mừng cho anh chị, nhưng cũng có không ít người tỏ ra lo ngại. Bởi ở cái tuổi của anh chị mà sinh con, có nhiều khả năng đứa trẻ sẽ gặp “sự cố”. Bản thân chị Bình cũng đã có lúc lo lắng cho sự phát triển của con mình…
Khi bé H. 27 tháng tuổi, trong lúc ngồi xem tivi với mẹ, bỗng dưng bé đọc vanh vách những dòng chữ chạy dài phía dưới màn hình. Lúc đó, chị Bình rất ngạc nhiên và không tin vào tai mình. Chị lấy vội tờ báo và chỉ vào các chữ to đậm, cứ chỉ vào chữ nào, bé H. đọc được chữ đó. Thông tin này nhanh chóng được lan truyền và đến tai các phóng viên. Ngay lập tức bé H. được mệnh danh là “thần đồng”, kéo theo nhiều hãng sữa đã mời bé quảng cáo, vợ chồng chị Bình vô cùng tự hào về cậu quí tử của mình.
3 tuổi, bé H. được ba mẹ gửi tới trường mầm non. Bé lạ lắm, không bao giờ chơi với bạn. Bé thường gom cả đống đồ chơi và chui vào góc lớp để chơi một mình, nói một mình. Cách chọn đồ chơi của bé cũng rất đặc biệt, chỉ chọn ba màu xanh, đỏ, vàng. Thấy H. có dấu hiệu bất thường, cô giáo khuyên phụ huynh đưa bé đi khám. Cứ nghĩ cô giáo “ghen tỵ” tài năng của con mình nên chị Bình không những không cho con đi bệnh viện mà còn chuyển bé sang trường khác.
Ở trường mới, bé H. cũng không thèm chơi chung với các bạn, bỏ ngoài tai lời nói của cô giáo, chỉ làm những gì mình thích. Khi được cô giáo phản ánh lại, chị Bình không thể bỏ qua như lần trước nên vội vã đưa con tới Bệnh viện Nhi đồng 2. Chị té ngửa khi các bác sĩ cho biết, con chị không phải là “thần đồng” mà mắc bệnh rối loạn Asperger.
Bác sĩ tâm lý Đặng Ngọc Thạch – Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Asperger là hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa, thuộc dạng nhẹ và có khả năng sinh hoạt cao nhất. Rối loạn Asperger thường xuất hiện ở lứa tuổi 2-3 tuổi và có thể sẽ theo trẻ suốt cuộc đời…”.
“Thần đồng” học 3 năm/lớp
Tuy không được báo chí tung hô như bé H. nhưng bé Trần Đ. (Q.1) cũng được bà con lối xóm phong là “thần đồng”.
13 tháng tuổi Đ. đã biết nói, nhưng thay vì nói tiếng Việt, bé lại nói tiếng Anh cho dù ông bà nội ngoại, bố mẹ đều là người Việt 100%. 2 tuổi, ra đường gặp khách nước ngoài, Trần Đ. đối đáp rất chuẩn. Lúc đầu vợ chồng anh Long (nhân viên kinh doanh) tỏ ra rất tự hào. Thế nhưng niềm vui của anh chị nhanh chóng tan biến khi bé Đ. luôn nói “không” với tiếng mẹ đẻ…
3 tuổi, bé Đ. bắt đầu đi học trường mẫu giáo. So sánh với những đứa trẻ cùng trang lứa, vợ chồng anh Long mới hay con mình có nhiều điểm khác biệt. Đ. không giao tiếp bằng tiếng Việt, chỉ thích chơi một mình và rất dễ nổi cáu khi có ai đó làm phiền. Cụ thể, khi Đ. đang say sưa chơi trò lắp ráp, một bạn trong lớp chạy lại chơi chung, không nói câu nào bé lấy tay đẩy mạnh bạn ra chỗ khác. Bạn nào chống cự lại, lập tức bị “ăn đấm”. Ngay cả khi cô giáo “làm phiền”, Đoàn cũng không “tha”.
Đưa Đ. tới Bệnh viện Nhi đồng 1, vợ chồng anh Long chết điếng khi bác sĩ cho biết bé mắc bệnh tự kỷ. Sau đó, bé Đ. được tham gia chương trình “Giáo dục đặc biệt” của bệnh viện. Song, do phát hiện trễ nên bệnh tật của bé không cải thiện là bao.
6 tuổi, Trần Đ. cũng vào lớp 1 như tất cả các bạn cùng trang lứa. Tính cách Đ. vẫn vậy, thích gì làm nấy, không ai nói được. Trong giờ học, cô giáo đang giảng bài, các bạn chăm chú nhìn lên bảng thì Đ. đứng dậy bỏ ra ngoài đi lang thang. Dạo chơi từ lớp này sang lớp khác, cuối cùng cu cậu vào phòng hiệu trưởng ngồi. Lúc đầu ban giám hiệu, giáo viên và bảo vệ nhà trường tỏ ra rất khó chịu về tính mất kỷ luật của cậu học sinh “cá biệt” này. Dần dần, mọi người chấp nhận để Đ. muốn học thì học, muốn chơi thì chơi, muốn ngồi ở lớp nào thì ngồi…
“Năm học này nữa là năm thứ 3 bé học lớp 1, với kết quả như học kỳ I vừa qua thì cháu sẽ không có cơ hội lên lớp 2. Chúng tôi không dám nghĩ con mình sẽ học tốt như các bạn trong lớp, chỉ cần nhà trường thông cảm cho bé đi học là mừng lắm rồi”, anh Long buồn rầu tâm sự.
Bài, ảnh: Thùy Linh
Bình luận (0)