Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghịch lý…

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Nguyễn Thị Hai nói: “Được đi chặt củi mỗi ngày như thế này là người tôi khỏe ra”

Bà Võ Thu Hạnh, nguyên cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Nhà Bè cho biết: “Thời nay, người giàu có không chịu nghỉ ngơi, đi thuê đất làm nông, còn người nghèo muốn làm nông nhưng không được. Đúng là một nghịch lý trong cái thời “trắng” đất nông nghiệp”.
Người giàu thuê đất làm nông
Trường hợp bà Nguyễn Thị Thắm (ấp 2, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) là một ví dụ. Xuất thân trong một gia đình 4 đời làm nông, đến đời của bà, đất có giá nên bà quyết định bán hai công với giá gần hai tỷ đồng. Sau khi chia đều cho các con, còn chút đỉnh bà gửi ngân hàng để an dưỡng tuổi già. Thế nhưng, những ngày tháng lam lũ đã quen, dù bước qua tuổi lục tuần, bà lại đi thuê một mảnh đất nhỏ để trồng rau cải. Việc trồng trọt không mang lại lợi nhuận, hàng tháng lại phải bỏ tiền túi ra trả tiền thuê đất nhưng với bà đó lại là niềm vui. Bà Thắm tâm sự: “Làm lụng quen rồi, giờ nghỉ ngang tay chân cứ nhức mỏi, thà làm việc mà thấy mình khỏe ra. Với lại mỗi ngày, hái được rổ rau nấu canh cho cả nhà ăn cảm thấy rất vui”.
Tuy nhiên, việc làm của bà Thắm không làm hài lòng các con, dâu và rể. “Chúng lo lắng cho sức khỏe của tôi chứ không phải ghét bỏ gì, nhưng tuổi già cần được làm những việc ấy”. Bà Thắm phân bua.
Cũng như bà Thắm, bà Nguyễn Thị Hai (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) được các con chăm sóc chu đáo từ miếng ăn, giấc ngủ, nhưng khổ nỗi làm như thế chẳng khác nào các con giam lỏng bà ở trong 4 bức tường nhà. Một hôm, bà nhờ người quen đi sửa lại rựa để bà đi chặt củi. Cứ sáng sớm, sau khi các con đi làm, bà lại đạp xe đi ra con rạch gần nhà tìm củi. Không có củi khô, bà đốn những cây bần rồi phân ra từng khúc, chở về gửi bên nhà đứa cháu. Rồi chuyện bà đi chặt củi các con cũng biết, nhưng không thể cản được. “Nhiều ngày phơi mình ngoài nắng, về bị bệnh nhưng tui đâu có dám than, sợ tụi nhỏ “la”, nhưng cứ thấy trong người đỡ chút là lại đi”. Bà Hai cười bảo thế!
Với bộ quần áo ngả màu, cũ kỹ, chiếc nón rộng vành, da đen, hàng ngày lại đi chặt củi nên chẳng ai tin bà Hai có tiền tỷ gửi ngân hàng. Bà Hai kể: “Có lần tui lội vào rạch tìm cây chết khô để chặt, không may bị mấy chú bảo vệ công trình gần đó phát hiện đưa về công an xã. Biết tui không phải kẻ gian họ cũng thả về, nhưng từ đó mỗi lần ra đường, nghe người ta xầm xì rằng bà Hai giàu có lại đi làm chuyện tào lao để công an bắt tui cũng xấu hổ lắm”.
Người nghèo với đất “trắng”…
Có không ít hộ gia đình có đất để làm ăn, nhưng vì điều kiện môi trường khắc nghiệt nên phần đất ấy đối với họ là phần đất chết, nhưng bán đi thì không thể. Chị Trần Thị Hạnh (nhà ở Bình Khánh, Cần Giờ) cho biết: “Nhà có ruộng muối nhưng càng làm thì càng lỗ vốn, phải chuyển sang đi làm phụ hồ. Nói thật, cũng nhớ công việc bao năm nay, cái nghề làm muối đã cực mà không nuôi sống nổi thì theo chi cho khổ cái thân. Ước gì muối có giá, tôi cũng trở lại nghề này, bỏ đất trắng tôi cũng xót lắm”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, cán bộ khuyến nông huyện Cần Giờ cho biết: “Nhiều năm trước, bà con còn sống được nhờ nuôi nghêu, cào nghêu hay làm muối. Còn bây giờ việc nuôi nghêu, làm muối không hiệu quả khiến họ lỗ vốn. Không còn cách nào khác, lao động nam bỏ sang địa phương khác làm thuê, lao động nữ không có nghề nghiệp, ai có đủ sức khỏe thì đi làm phụ hồ còn không thì ở nhà”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)