Tình yêu thương đúng cách của mẹ (hoặc cha) sẽ cảm hóa được con trẻ hơn là dùng roi vọt (ảnh minh họa). Ảnh: THÀNH LÊ |
“Tụi nhỏ bây giờ hư quá, dạy hết nổi rồi. Hơi đâu mà nói cho mệt, thương thì phải cho roi cho vọt, cứ đánh cho nó một trận”. Nói vậy là chị Kim Dung làm thật.
Thương cho roi cho vọt!
Thành Trung, con chị Dung (học lớp 5) sau giờ tan học đã theo đám bạn cùng lớp chơi đá bóng. Về đến nhà, quần áo nó lấm lem, xộc xệch. Thấy thế, chị lôi cổ con vào nhà, Trung vừa khóc vừa la. Chị quát bé Linh: “Lấy cho mẹ cây roi”. Con bé tái mặt nhìn anh trai, sợ sệt lấy cái chổi lông gà đưa cho mẹ. Cứ thế, sau mỗi cây roi của mẹ là thằng bé khóc ầm ĩ cả khu chung cư. Hàng xóm cũng xót ruột khi nghe âm thanh “vun vút” xen lẫn tiếng van xin của cu cậu. Chị Dung nói không ngớt lời: “Lo học hành cho tử tế, năm cuối cấp rồi mà còn ham chơi”. Cứ hai ba ngày, chuyện đó lại diễn ra một lần, khiến thằng bé ngày càng lì đòn hơn.
“Chơi đồ chơi xong, bé Ly vứt lung tung khắp nhà. Tôi nhắc nhở nhưng Ly không nghe lời. Tức mình tôi đánh bé một trận thật đau, bé khóc thét lên và nhìn tôi bằng ánh mắt rất tội nghiệp. Sau đó, nhìn những vết lằn đỏ trên người con, lòng tôi như xát muối”, anh Trần Quang Tuấn (TP.HCM) thú nhận sau khi đánh con.
Còn chị Hồng thì không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần “nổi điên” với con gái. Lần bực bội gần đây nhất là khi chị tắm cho bé Nhím. Nhím rất thích nước, mỗi lần tắm cho con chị Hồng phải tìm mọi cách để lôi bé ra khỏi bồn tắm. Vì thế, Nhím phụng phịu, vừa khóc vừa đạp làm nước văng ướt cả người chị. Lúc này, cơn hỏa bốc lên tận đầu, chị tìm một cây roi, đánh liền ba phát vào mông bé. Chị tâm sự: “Bố mẹ nào chẳng thương, chẳng mong cho con mình ngoan ngoãn, nhưng không đánh làm sao chúng biết vâng lời?”.
Roi vọt liệu có hiệu quả?
Th.S Thạch Ngọc Yến, chuyên viên phụ trách Văn phòng tư vấn trẻ em TP.HCM cho biết: “Mỗi năm văn phòng tiếp nhận trên 1.000 trường hợp tư vấn, trong đó có tới 45% trẻ bị sức ép trong quá trình học. Việc ép trẻ học thường để lại những hậu quả nặng nề: các em nam dễ bỏ nhà đi bụi, sống buông thả, rơi vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội, các em nữ có thể tìm đến cái chết để giải quyết vấn đề”. |
Rất nhiều bậc phụ huynh phải đụng tới “roi” khi dạy dỗ con cái, bởi họ nghĩ trẻ sẽ “chừa” khi nhớ đến những trận đòn đau. Nhưng trên thực tế, đã có những trường hợp, cha mẹ càng đánh, con cái càng lì thêm. Nguy hại hơn, có nhiều trẻ mang trong đầu tư tưởng: làm sai chịu một trận đòn là hết chuyện. Và như thế, cha mẹ sẽ hoàn toàn bất lực trong việc giáo dục con cái.
Roi vọt nếu không đi cùng tình thương thì không bao giờ có thể khiến trẻ nên người. Dạy con đúng cách là làm cho trẻ hiểu ra vấn đề, từ đó tự ý thức để khắc phục, sửa sai. Có những bậc cha mẹ dù chưa một lần sử dụng đến đòn roi nhưng vẫn thể hiện được cái uy của mình đối với con. Một số phụ huynh đã rất thành công trong việc giáo dục con cái bằng cách làm bạn với chúng. Mối quan hệ ấy sẽ tạo ra bầu không khí thoải mái để trẻ dễ dàng tâm sự, thổ lộ những băn khoăn, khúc mắc trong cuộc sống. Khi đó, cha mẹ vừa là thầy, vừa là bạn, giúp trẻ giải quyết mọi sự cố để chúng trưởng thành hơn. Như trường hợp của Nhím, nếu bé thích tắm nữa thì mẹ có thể “hưởng ứng” bằng cách xả vòi hoa sen vào người bé và bảo: “Tắm thích nhỉ! Nhưng để ngày mai mẹ tắm cho Nhím tiếp nhé, giờ mẹ con mình vào phòng chơi búp bê được không?”. Chắc chắn bé sẽ vui vẻ nghe theo mẹ, thay vì phải chịu những trận đòn không cần thiết.
Thái Khuê
Hay bị ăn đòn, trẻ phát triển chậm hơn
Theo một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí Nhi Khoa Mỹ, sự phát triển ở những trẻ em thường bị ăn đòn vào mông sẽ kém hơn những trẻ em không hay bị bố mẹ cho ăn đòn.
Cụ thể, những đứa trẻ hay bị bố mẹ cho ăn đòn vào mông thường có các biểu hiện dễ cáu gắt, nhất là từ 5 tuổi trở lên. Nguy hiểm hơn, một số trẻ thường đánh nhau với bạn, đe dọa các bạn khác, thậm chí phá phách đồ đạc.
Ngược lại, phần lớn những đứa trẻ được bố mẹ dạy dỗ bằng lời lẽ, sự dịu dàng… có tính cách hiền hòa và dễ bảo hơn.
Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng đánh vào mông sẽ làm cho trẻ sợ mà lại không ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ như đánh vào đầu, vào mặt… Tuy nhiên, với nghiên cứu này, các bậc phụ huynh nên cân nhắc lại sự giáo dục của mình để trẻ có thể phát triển toàn diện về sức khỏe cũng như tâm lý.
Thiết nghĩ đã qua rồi cái thời “thương cho roi, cho vọt”. Có rất nhiều bậc phụ huynh dạy dỗ con bằng roi vọt mà không biết rằng chính họ đang vi phạm quyền trẻ em.
Dạy dỗ con bằng những lời lẽ dịu dàng, bằng tình yêu thương, và bằng ngay cả sự kiềm chế của bản thân sẽ giúp trẻ phát triển tốt nhất có thể về mọi mặt.
Dung Nhi
|
Bình luận (0)