Các bậc phụ huynh đang trao đổi tại khóa học nắm bắt kỹ năng nuôi dạy con ở tuổi dậy thì |
Nhiều phụ huynh chọn cách dạy con dựa theo kinh nghiệm của ông bà cộng với bản năng của người làm cha, làm mẹ nhưng họ không thể hiểu hết những suy nghĩ và hành động của con trẻ.
Đến với khóa học kỹ năng nuôi dạy con, có những ông bố, bà mẹ mới đôi mươi và cũng không ít người tuổi đã ngoài 40 nhưng họ đều có mong muốn chung là tìm hiểu thêm về các kỹ năng nắm bắt tâm lý con ở tuổi dậy thì, từ đó biết con cần gì để chia sẻ nhằm giúp con có cách cư xử đúng mực, hòa nhập tốt vào xã hội.
Học để hiểu con hơn
Chị Nguyễn Hồng Lê, 44 tuổi, quận Tân Bình chia sẻ: “Sai con lau dọn nhà cửa để cúng tổ tiên trong ngày Tết, tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe cháu trả lời: “Trước giờ con thấy mẹ làm việc này, sao nay lại sai con”. Giờ đây đến với khóa học kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, tôi cũng như nhiều người mới hay, tâm lý trẻ hiện nay không giống chúng ta trước đây, nhìn ông bà làm một lần, chúng ta phải biết ý mà làm theo. Với tụi nhỏ bây giờ, muốn chúng biết, chúng ta phải giải thích đó là nếp thuần phong mĩ tục và phải dạy bằng những hành động cụ thể”.
Giải đáp cho băn khoăn này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm cho biết: “Ở tuổi dậy thì, trẻ dễ gặp phải một số khủng hoảng về tâm lý bởi sự lý tưởng hóa cuộc sống. Trẻ sẽ đặt lại mọi vấn đề, chất vấn cha mẹ về hầu hết các giá trị trước khi có thể tin và chấp nhận sống theo. Giai đoạn này, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ, hướng dẫn, giải thích, làm gương cho con thông qua các hành động cụ thể thay vì nói lý thuyết suông”.
Trường hợp chị Đặng Trần Hồng Nhung (tỉnh Tây Ninh), thấy nhiều gia đình cho con lên Sài Gòn học, chị cũng bắt Minh, con trai mình về học tại Trường THCS dân lập N.V. Học được một kỳ, Minh nằng nặc đòi về nhà vì thành phố không có bạn để chơi và ít được ra ngoài. Chẳng những không quan tâm đến mong muốn cũng như tâm trạng của con, chị Nhung còn nhờ nhà trường để ý sát sao hơn đến Minh. Nửa tháng sau, chị Nhung hay tin con trai đã trốn khỏi trường nhưng không về nhà mà Minh về với ba tận ngoài Bắc. Nói đến đây, chị xúc động: “Cháu không ở với tôi nữa vì cháu cho rằng tôi không thương cháu, cứ bắt cháu học. Cũng vì thương con, muốn con có môi trường học tốt, thế nhưng tôi đã vô tình ép buộc cháu. Giờ đây cuộc sống cũng như việc học của cháu đã bị đảo lộn, tôi đành phải chấp nhận hoàn cảnh”.
Không riêng gì trường hợp chị Nhung, đây là việc nhiều phụ huynh mắc phải. Họ luôn muốn con cái làm theo ý mình mà không quan tâm những việc đó có phù hợp với năng lực của trẻ hay không… Làm vậy, vô tình họ đã áp đặt cho con trẻ những việc mà chúng không thích để rồi xảy ra hậu quả thật khó lường.
Đừng để con như “lục bình trôi”
Thay vì bỏ ra một khoảng thời gian tìm hiểu thêm những kỹ năng dạy con thì nhiều phụ huynh mải lo kiếm tiền mà quên đi trọng trách của bậc làm cha, làm mẹ. Họ chỉ nghĩ đơn giản, có tiền chu cấp cho con là đủ, việc quan tâm, giáo dục con cái thoái thác hết cho ông bà, người giúp việc, hơn nữa lại an tâm khi đều đặn ngày hai buổi con đến trường có thầy cô quản lý.
Bên cạnh đó, gia đình tan vỡ, cha mẹ không quan tâm đến hay chiều chuộng, cung phụng con không đúng mức… cũng là nguyên nhân đẩy giới trẻ vào “ngõ cụt”.
Bà Nguyễn Thị Tâm cho biết: “Đang ở tuổi trưởng thành, các em thường có những sở thích của bản thân cũng như ước mơ cho cuộc đời. Lúc này, cha mẹ phải quan tâm, xây dựng mục tiêu phấn đấu cho con thông qua những sở thích, ước mơ đó. Việc gợi mở, khuyến khích con nói ra những ước mơ cũng như việc dạy trẻ không ích kỷ, nhỏ nhen, biết thương yêu người khác biết chấp nhận và tha thứ của cha mẹ… góp phần xây dựng lòng tự tin, tính tự lập cho con. Đây là những bước đệm giúp con trẻ có những kỹ năng sống cũng như biết cách chấp nhận, tránh né sự cố khi ra ngoài xã hội. Khi tìm được lí tưởng, xác định đúng mục tiêu trong cuộc sống, các em mới thấy tương lai có ý nghĩa và sẽ sống hết mình”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Bình luận (0)