Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nỗi lòng mẹ kế…

Tạp Chí Giáo Dục

Bằng tình yêu thương chân thành, mẹ kế đã cảm hóa được con chồng (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: S.M

“Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng”. Câu ca dao xưa chỉ đúng một phần. Còn ngày nay đã có những câu chuyện khác về mối quan hệ mẹ kế – con chồng…
Những “rào cản”…
Lấy Minh đã được hai năm, nhưng Thúy Quỳnh (NV truyền thông quảng cáo) vẫn không thể hòa hợp với cô con gái riêng của chồng. Bé Nhật Linh, 10 tuổi, luôn tỏ thái độ “bất hợp tác” với người mẹ kế. Quỳnh và Minh vốn có mối tình thơ mộng khi còn là sinh viên, nhưng rồi Minh đành phải lấy vợ theo sự sắp xếp của gia đình. Sống với nhau một thời gian, phát hiện không hợp tính với vợ, anh quyết định ly dị và mang theo con gái vào TP.HCM lập nghiệp. Tại đây, anh gặp lại Quỳnh.
Tình yêu thuở nào đã được hai người sớm vun vén thành một đám cưới hạnh phúc. Tuy nhiên, Quỳnh lại phải đối mặt với một thử thách nghiệt ngã khác: đó là con gái của Minh. Trong suy nghĩ non nớt của đứa trẻ lên mười ấy, người mà bố nó bắt gọi bằng mẹ chính là nguyên nhân khiến gia đình nó tan vỡ. Thế nên mọi lúc, mọi nơi, bé Linh luôn thể hiện thái độ khó chịu dù Quỳnh đã hết sức tiếp cận, gần gũi. “Có lần được món tiền thưởng lớn, tôi mua cho cháu một bộ váy rất đẹp. Nghĩ rằng cháu sẽ thích nên tôi hồi hộp lắm. Thế nhưng, khi nhận quà, tôi thật thất vọng khi bé tỏ thái đô bất cần. Vài ngày sau, tôi phát hiện ra món quà của mình đã bị cắt thành vải vụn, nằm vương vãi nơi góc phòng. Bấy giờ tôi mới hiểu, vì sao những món quà tôi tặng không bao giờ xuất hiện thêm một lần nào sau khi tôi đưa cho nó”, Quỳnh ngậm ngùi kể lại.
Trên thực tế, không ít phụ nữ khi chọn người đàn ông đã “qua một lần đò” gặp phải “rào cản” từ con riêng của chồng. Những đứa trẻ thường ít gần gũi, thậm chí ghét bỏ người mẹ kế. Minh Loan (Q.5, TP.HCM) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, hai đứa con của Tùng, chồng cô, luôn tỏ thái độ hỗn láo, coi thường cô. “Cứ hễ tôi nói thế này thì y như rằng chúng sẽ làm ngược lại. Nhiều khi chúng còn cố tình làm hỏng những vật dụng mà tôi yêu thích. Tụi nhỏ luôn tìm cách nói xấu tôi trước mặt chồng những khi tôi vắng nhà. Có lần, vô tình tôi nghe thằng lớn nói với thằng nhỏ “Bà ấy chẳng yêu thương gì bọn mình đâu. Chẳng qua do ba mình giàu, bà ấy lấy lòng tụi mình thôi”. Tôi gần như chết đứng trước câu nói ấy. Vốn không có khả năng làm mẹ, tôi lấy anh vì tình yêu và cũng vì mong ước có được một gia đình, được yêu thương, chăm sóc con trẻ. Vậy mà sau tất cả những cố gắng ấy, tôi lại trở thành người thấp hèn trong mắt bọn trẻ”, Loan nghẹn ngào.
Vực dậy tình yêu thương
Khó hòa hợp là vậy, nhưng việc xây dựng tình yêu thương, sự tin tưởng trong mắt những đứa con riêng của chồng không phải là điều không thể. Để làm được điều đó, đòi hỏi cả hai vợ chồng phải có sự nỗ lực, kiên trì. Đối với Minh Loan, việc đầu tiên cô làm đó là tâm sự và bày tỏ quan điểm với chồng. Chị Loan kể: Lúc đó, tôi xác định đây là việc không thể làm một mình, tôi cần tiếng nói ủng hộ từ chồng. Trong một lần tôi đi công tác, anh đã có buổi trao đổi thẳng thắn với hai con, nói rõ hoàn cảnh và nguyện vọng của tôi. Anh cũng nêu ra rất nhiều dẫn chứng để nói về tình cảm mà tôi dành cho chúng. Sau lần ấy, bọn trẻ nhìn tôi với ánh mắt thân thiện hơn. Về phần mình, bằng những hành động xuất phát từ tình cảm chân thành, tôi đã bù đắp lại sự thiếu vắng của bàn tay người mẹ ra đi từ lâu của tụi nhỏ. Bây giờ, thằng con lớn của tôi đã đi du học bên Úc. Thỉnh thoảng, nó lại gọi điện về hỏi thăm tôi. Mỗi lần lễ tết hay có dịp về thăm nhà, nó đều có quà cho tôi và gọi tôi là mẹ chứ không phải là “bà” như năm nào nữa. Thằng út cũng thường chia sẻ với tôi về những chuyện xảy ra trong cuộc sống. Nhiều khi tôi có cảm giác được hai con ưu ái hơn cả chồng nữa.
Tường Vy
Theo nhận định của các nhà tâm lý, trẻ thường có thái độ tự ti khi cha hoặc mẹ chúng đến với một người khác. Vì vậy, tùy theo từng lứa tuổi, tâm lý và tính cách của trẻ mà các ông bố, bà mẹ cần có cách xử trí khác nhau. Nắm bắt được tâm lý trẻ, cư xử bằng tấm lòng chân thật là con đường gần nhất để xóa dần khoảng cách mẹ ghẻ – con chồng.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)