Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Điểm tựa” của đứa con khuyết tật

Tạp Chí Giáo Dục

Khiêm đang vẽ tranh tại trường đại học

Cứ mỗi sáng chủ nhật, chị Phạm Cao Phương Thảo lại theo cậu con trai (Đoàn Phạm Khiêm, sinh viên năm thứ nhất, Đại học Mĩ thuật TP.HCM) đến Trường Tiểu học Lý Nhơn quận 4 dạy múa dấu ký hiệu cho các học trò khiếm thính (KT). Nhìn con đứng trên bục giảng, chị không ngờ đứa con bị điếc, bị câm ngay từ lúc mới một tuổi của mình giờ đã trở thành một chàng trai cao lớn, vững chãi đến vậy.
Đi “học” cùng con
Khi sinh con ra, thấy con bụ bẫm kháu khỉnh, chị Thảo rất vui mừng, hạnh phúc. Nhưng niềm hạnh phúc đó chỉ vỏn vẹn được một năm, rồi sau đó là bao giọt nước mắt khóc thầm khi biết con mình không thể nói và nghe như những đứa trẻ bình thường khác.
Vợ chồng chị đã bỏ cả công ăn việc làm, bán hết đất đai nhà cửa bồng con chạy chữa khắp nơi, hết Tây y lại Đông y nhưng bệnh của Khiêm không thể tiến triển lên được. Cuối cùng, chị đành phải chấp nhận số phận.
Năm Khiêm lên 8 tuổi, anh chị ly hôn. Khiêm ở với chị trong khu nhà tập thể nhỏ và bắt đầu đến lớp học của Trường Hi Vọng (trường dành cho trẻ KT đầu tiên ở TP.HCM). Chị kể: “Trẻ con khi không nghe được, nói được thường hay nổi giận vô cớ. Khiêm cũng không tránh khỏi điều đó, nhiều lần Khiêm bị bạn bè trêu chọc phản ứng lại dữ dội lắm”.
Để dạy cho Khiêm biết tự kiềm chế, dung hòa với cuộc sống đã khó, thì việc dạy cho Khiêm học bài lại càng khó hơn gấp bội. Chị phải đến lớp học múa dấu cùng con để về nhà nói chuyện và giúp Khiêm học bài nhanh hơn. Chị cho biết: “Dạy Khiêm hiểu được một câu tục ngữ “Có chí thì nên” tôi phải mất hết 4 tiếng đồng hồ, dùng đủ mọi hành động cử chỉ Khiêm mới hiểu. Khi Khiêm hiểu được các con chữ, tôi lại mua sách báo về cho Khiêm đọc để viết được câu tốt hơn”. Cứ thế, ngoài thời gian học ở trường, về nhà được mẹ kèm cặp thêm môn văn, môn toán nên kết quả học tập của Khiêm luôn đứng đầu lớp.
Ngày ngày đến trường cùng con, tối chị lại đi khắp các hang cùng ngõ hẻm của thành phố bán thuốc lá, bán đĩa nhạc… để trang trải cuộc sống cho hai mẹ con.
Niềm tự hào của mẹ
Cuối năm lớp 7, Khiêm được biết tin về một dự án dành cho người KT học ngôn ngữ dấu và phổ thông do Đại học Gallaudet (Mỹ) tổ chức ở Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Khiêm năn nỉ, thuyết phục, xin mẹ đến trường đó để được học cấp 3 vì lúc bấy giờ ở Việt Nam chưa có trường dạy cấp 3 cho người KT. Từ khi bé đến giờ, Khiêm chưa một lần xa mẹ, sợ không ai chăm sóc con nên chị Thủy nhất quyết không cho Khiêm đi. Khiêm phải viết thư bằng tiếng Anh nhờ các thầy cô trong dự án thuyết phục chị mới đồng ý.
Khiêm là một trong 20 người KT của cả nước thi đậu vào lớp học của dự án này đồng thời được chọn là một trong 5 người giúp các thầy cô biên soạn bộ từ điển ngôn ngữ ký hiệu dành cho người câm điếc (bộ từ điển đang được giảng dạy ở các lớp học KT hiện nay).
Vừa học chương trình văn hóa cấp 3, vừa học khoa nghiên cứu ngôn ngữ dành cho người điếc (5 năm). Tuy nhiên, ước mơ được bước chân vào giảng đường vẫn thôi thúc Khiêm. Chính nhờ sự cố gắng học tập không ngừng mà Khiêm đã đỗ vào Đại học Mĩ thuật với số điểm rất cao.
Thời gian này, Khiêm khá bận rộn vì ngoài việc học ở trường, Khiêm còn đi học thêm tiếng Anh, ngày chủ nhật đi dạy miễn phí múa dấu kí hiệu cho lớp học KT ở Trường Tiểu học Lý Nhơn. Ngoài ra, Khiêm còn đi làm thêm để phụ giúp mẹ bớt được những gánh nặng của cuộc sống. Khiêm cũng đang làm các thủ tục để xin đi du học ở Đại học Galladet (Mĩ). Ước mơ của Khiêm là được tiếp tục nâng cao về múa dấu và học vẽ, sau đó sẽ quay về Việt Nam mở một trường đại học dành cho người KT.
Bài, ảnh: DƯƠNG BÌNH

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)