Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tảo tần vì con

Tạp Chí Giáo Dục

Chiếc xe hàng khô đã gắn bó với cô Đặng Thị Năm hơn 10 năm nay

Vì hoàn cảnh khó khăn, không ít phụ nữ “chân yếu tay mềm” đã bỏ quê lên thị thành bươn chải kiếm tiền gửi về lo cho con được đến trường. Họ làm mọi việc nặng nhọc chỉ mong sao con mình sau này không phải cơ cực như bố mẹ.
Cô Năm “bánh tráng”
Cứ 3 giờ sáng, cái giờ mà nhiều người đang còn chìm trong giấc ngủ, cô Năm “bánh tráng” đã bắt đầu một ngày mới với công việc đi lấy hàng là những túi bánh tráng, khô bò, khô cá, bánh ngọt… Lấy hàng xong, cô đạp xe từ Q.6 về các quận trung tâm để bán. Dạo vài vòng cho vơi bớt số hàng trên xe, cô Năm quay về “đóng đô” trước cửa Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, điểm bán hàng quen thuộc của mình.
Mới hơn 40 nhưng nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ cô Đặng Thị Năm đã mấp mé ngũ tuần. Vì kinh tế gia đình quá eo hẹp nên khi đứa con trai đầu vào lớp 1, cô Năm quyết định để mọi việc đồng áng, trông nom con cái cho chồng, một mình tha phương đất Sài thành mong có thêm thu nhập từ gánh hàng rong.
Những tháng đầu lạ nước lạ cái, xe hàng của cô thường xuyên phải chở ngược về nhà. Một công đôi việc, vừa bán bánh tráng, cô bán kèm thêm vé số nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Phải chắt chiu lắm mỗi tháng cô mới có thể gửi về cho gia đình từ 300 đến 400.000 đồng. Thế nhưng giờ đây, mỗi tháng cô đã tiết kiệm được 2,5 triệu đồng để trang trải việc học cho hai con. Công việc của cô vui buồn có đủ. Ngày nào không mưa, không bị công an đuổi, tiền lời thu được cũng khá, ngược lại, có hôm cô mất trắng. “Nhiều khi khó khăn quá cô muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến các con ở nhà khổ cực lại có động lực để bán tiếp” – cô Năm chia sẻ.
Con trai đầu của cô Năm, Trần Phúc Nhân, hiện là sinh viên năm nhất Trường Cao đẳng Công nghệ, cô con gái thứ hai đang học cấp 3.
Những vòng xe ít ngày nghỉ
May mắn hơn cô Năm “bánh tráng” vì không bị công an đuổi bắt, nhưng mỗi ngày chị Nguyễn Thị Ngân phải đạp xe hơn 1 tiếng đồng hồ từ Q. Bình Thạnh sang Q.4 lấy bưởi, rồi rong ruổi khắp phố cùng chiếc xe ngót nghét gần 1 tạ bưởi. Vì lúc nào cũng chở nặng nên chỉ sau hai năm “hành nghề”, chị đã mắc bệnh gai cột sống và đau đầu gối. “Những ngày này, Nam bộ vào mùa trái cây, vì vậy, bưởi bán được ít lắm, thu nhập theo đó cũng bớt lại” – chị Ngân buồn rầu.
Từ Cẩm Kỳ – Lục Lam – Bắc Giang, chị Ngân lặn lội vào Sài Gòn bán bưởi đến nay đã được 4 năm, chị cho biết: “Nhà 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, bầy lợn, đàn gà nên khi thằng cả bước vào đại học, tôi quyết định chọn Sài Gòn là nơi buôn bán, làm ăn”. Nghĩ đến gia đình, tiền ăn học cho con, chị Ngân lại cố gắng đạp những vòng xe nặng nhọc đến các chợ, ngõ hẻm bán cho hết số bưởi mình lấy về mỗi ngày.
Con trai lớn của chị, Phạm Đình Vang, giờ đây đã là sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, con gái thứ hai Phạm Thị Tuyết cũng vào ĐH Đà Lạt được 3 năm, học cùng lúc hai ngành kế toán và ngoại ngữ. Thương mẹ, những ngày hè, Tuyết lặn lội từ Đà Lạt xuống thành phố phụ mẹ bán bưởi. Trong căn phòng trọ chưa đầy 12m2, những bao bưởi chiếm gần hết diện tích, chỉ còn lại một ít đất trống để chị Ngân và người em gái cùng bán bưởi chợp mắt khi màn đêm buông xuống.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)