“Ly hôn… một mình”, người phụ nữ còn được niềm vui từ đứa con thân yêu (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.G |
Hiện nay, có không ít phiên tòa xét xử diễn ra khá lặng lẽ, chóng vánh và phần thắng luôn thuộc phía nguyên đơn, bởi bị đơn là những người vắng mặt, thậm chí không ai biết họ đang sống ở phương trời nào…
1. Bước ra khỏi cánh cổng tòa án ngày 6-6-2010, chị Nguyễn Thị Thanh V. (Q.6, TP.HCM) dường như trút được một gánh nặng. Chị cho biết: “Án ly hôn có hiệu lực, giờ tôi là người độc thân rồi! Nhưng thực tế, từ ngày kết hôn tôi đã sống một mình, có chồng mà cũng như không”. Chồng chị, anh Nguyễn Văn T. giờ làm gì, ở đâu? Thậm chí sống hay chết chị cũng không hề biết.
Anh T. vốn là một Việt kiều. Quen biết chị V. qua sự mai mối của người thân. Sau đám cưới năm 2007, anh quay về Mỹ với lời hứa sẽ đón chị V. sau một thời gian ngắn. Những ngày đầu qua Mỹ, T. còn điện thoại hỏi han, thư từ về cho chị. Nhưng rồi những cánh thư cứ thưa dần, đến tháng 2-2009, chị V. mất hẳn liên lạc với chồng. Ngay cả số điện thoại, email và cả địa chỉ nơi ở của anh T. tận trời Tây vốn là sự kết nối giữa hai người cũng biến mất. Mọi cố gắng tìm kiếm, liên lạc của chị V. đều rơi trong im lặng. Đau khổ, chị V. quyết định ra tòa xin ly hôn với lý do “không chung sống và cũng không liên lạc được với bạn đời nhiều năm”. Xét hoàn cảnh, TAND TP.HCM đã cho chị V. được ly hôn với chồng. May mắn là giữa vợ chồng chị không có sự ràng buộc nhau về con cái hay tài sản chung nào.
Những trường hợp như chị V. không hiếm. Rất nhiều phụ nữ Việt sau kết hôn (thường với những người có yếu tố nước ngoài) đã vò võ sống một mình. Cho đến khi không chịu nổi sự cô đơn vì cảnh sống xa chồng hoặc bị chồng bỏ mặc đã chọn phương án ly hôn… một mình. Không ai có thể quên phiên tòa sáng ngày 26-5-2010, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã giải quyết đến năm vụ ly hôn như vậy. Ly hôn… một mình, nên hầu hết các phiên tòa, không có một lời buộc tội hay trách móc đổ lỗi cho nhau, không tranh giành tài sản, con cái… Chị Nguyễn Thanh T. (Q.1, TP.HCM), có chồng là người Hàn Quốc. Sau khi có với nhau hai mặt con thì chồng chị cũng âm thầm ra đi biền biệt. Chị cho biết: “Đến con cái mà người ta còn bỏ mặc, không ngó ngàng gì đến thì mong chi nhận được cấp dưỡng nuôi con. Với những ông chồng bạc bẽo ấy, chúng tôi chỉ muốn quên đi, coi như không có để an lòng sống, nuôi dạy con cái. Song cứ nghĩ đến việc mai này con trẻ lớn lên hỏi “ba đâu? ba là ai” tôi không tránh khỏi ngậm ngùi, thương con và thương cả cho mình”…
2. Bà Trần Thị H. (Q.3, TP.HCM) đến TAND TP.HCM để tham dự phiên xét xử mà có lẽ bà và các thành viên của gia đình tin chắc đã nắm trong tay phần thắng. Bởi phiên tòa ấy, theo bà H. chẳng làm phương hại hay buộc tội ai, chỉ là công bố loại bỏ một con người ra khỏi một gia đình để khỏi phải phân chia tài sản. Trình bày trước Hội đồng xét xử, bà H. cho biết: “Gia đình tôi có 4 người, trong đó có S. là em trai tôi. Năm 10 tuổi, S. bỏ nhà ra đi biền biệt, đến nay đã 20 năm không về. Mặc dù gia đình cố gắng tìm kiếm nhưng S. vẫn bặt tăm. Nay bố mẹ tôi già yếu muốn phân chia tài sản cho con cái, trong đó có phần của S. Nhưng vì S. “mất tích” nên chúng tôi không tìm được ai đại diện hợp pháp để nhận phần tài sản được chia ấy. Vì vậy chúng tôi xin được tòa giải quyết, chứng nhận S. không còn là thành viên sống của gia đình…”. Và với bản án “tuyên bố công dân chết” của tòa, anh S. coi như đã không còn sống trên cõi đời này nữa…
Ngân Du
Bình luận (0)