Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vì tương lai của con…

Tạp Chí Giáo Dục

Những gói muối, trứng cút đang được cô Ly đóng bịch chuẩn bị cho thúng hàng của mình

Niềm hạnh phúc lớn lao của cô Nguyễn Thị Ly là khi trái cây, trứng cút, đậu phộng… trong thúng bán hết. Và niềm hạnh phúc đó càng được nhân đôi khi hàng tháng bốn người con của cô nhận được số tiền dành dụm từ thúng hàng này gửi về để có cái ăn, cái mặc và đến trường như ngày hôm nay…
Bước chân không mỏi mệt
Dáng người nhỏ nhắn, nhưng ai cũng khen cô Ly giỏi giang bởi từ xã Bình Tân – Bình Sơn – Quảng Ngãi vào Sài Gòn mưu sinh, gắn bó với cái nghề “đi bộ” mà nuôi được 4 người con ăn học đến nơi đến chốn. “Sức khỏe chồng không tốt vì bệnh bao tử, sỏi thận hoành hành nên cô Ly đã giao công việc trông nom nhà cửa, con cái cho chồng để vào đây làm ăn từ năm 1999. Nhờ chịu khó nên cô Ly kiếm được nhiều tiền, tôi coi cô như người nhà vậy…” – chị Phạm Thu Thủy, chủ nhà trọ cho hay.
Qua lời chủ nhà trọ, tôi được biết cô Ly buổi sáng bán báo, buổi chiều bưng thúng hàng khô đi mọi nẻo đường và cô đã có 12 năm gắn bó với căn phòng chưa đầy 10m2 trong hẻm 132/28, Ung Văn Khiêm, Bình Thạnh, TP.HCM này.
Cứ đầu giờ chiều dạo quanh khu nhà trọ, thúng hàng của cô đã vơi đi rất nhiều. Cô lại tiếp tục dạo những nơi khác như Bến xe Miền Đông, các quán ăn ven đường. Hết ngày đi dạo bán cũng vào chừng 11h, 12h đêm, vì thế nên một tháng, có khi cô đi hết hai đôi dép nhựa, mòn đến rơi cả gót. Tôi hỏi: “Đi về muộn thế, cô không sợ nguy hiểm sao?”. “Bán những hàng này, nếu mang về cũng bỏ đi thôi nên ráng bán hết. Lỡ có gặp mấy đứa du côn xin đểu cũng đành cho thôi, chứ mình làm sao chống cự được, có khi còn bị chúng xin hết tiền cả ngày trời” – cô tâm sự.
Nhận thấy công việc tuy có vất vả nhưng lại có thu nhập, cô đã mai mối cho nhiều chị em cùng quê vào bán. “Hai năm trước, trong lúc phụ hồ, chẳng may đạp phải đinh, chồng tôi đã bị nhiễm trùng uốn ván. Mọi chi trả viện phí gia đình phải vay mượn bà con, cũng may có chị Ly gọi vào cùng làm nghề bán dạo này mà nay tôi đã trả gần hết nợ” – chị Phạm Thị Tánh cho biết.
Tương lai của con tiếp thêm động lực
Cô nhớ lại khi Phạm Minh Tâm, con trai đầu của cô vào lớp 5, hát hay, vẽ đẹp nên cô mong muốn sau này con được học một trường nào đó để được vẽ, được hát. Thế nhưng tiền đâu để học khi kinh tế gia đình trông chờ vào những vụ hoa màu ngắn ngày, lại còn phải lo tiền thuốc hàng tháng cho chồng. Sợ con nghỉ học theo các bạn nghèo đi làm phụ giúp gia đình nên cô quyết định vào Sài Gòn buôn bán.
Khoản thu nhập từ việc bán báo buổi sáng, cô lo trang trải tiền ăn, tiền phòng, còn lại từ những thúng hàng bưng, mỗi tháng cô cũng gửi được hơn 3 triệu đồng về nhà lo cho các con. Chỉ vào ngày mùa, dịp Tết cô mới về thăm gia đình, xong mùa hết Tết cô trở lại với công việc này.
 “Vợ xa chồng, mẹ xa con, khổ lắm, ai muốn thế đâu, mà nếu không đi bán thì các con không có tiền ăn học. Đời mình làm ruộng không đủ ăn, đến chúng mà làm ruộng thì làm sao mà chúng sống được. Thôi mình vào đây làm ăn lại có thu nhập nhiều hơn cả việc đồng áng ở quê, mấy đứa nhỏ may ra có cơ hội đi học. Để con được đến trường, tôi hạnh phúc rồi…”- cô tâm sự.
Lo được cho con cái ăn học đầy đủ, nhưng sức khỏe chồng cô cũng ngày càng yếu. Đứa con út có lẽ vì xa cô khi mới 9 tháng tuổi nên giờ đây cháu quấn quít bên ba hơn là má. Nhưng cô cũng không giấu được niềm vui bởi cậu con trai đầu Minh Tâm của cô vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Âm nhạc tại Đà Nẵng, điều mà cô từng mong muốn. Đứa con trai thứ hai đã học năm cuối Đại học Hàng hải tại Đà Nẵng, con gái học năm 2 ngành quản trị kinh doanh và cậu con út cũng nối gót anh chị đang học lớp 7.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)