Hiện tượng tôm cá nuôi chết bất thường hàng loạt thời gian gần đây đã đẩy hàng nghìn hộ dân ở Thừa Thiên- Huế vào cảnh sạt nghiệp. Chưa bao giờ trong toàn tỉnh, nguồn thủy sản lại bị đe dọa trầm trọng như thế.
Hàng trăm hecta hồ nuôi tôm dừng hoạt động
Tổng hợp mới nhất từ 9 huyện, thị xã trong ở Thừa Thiên- Huế, hiện toàn tỉnh đã có hơn 1.700 ha hồ nuôi có tôm chết vì dịch bệnh đầu vàng. Hàng nghìn hộ nuôi tôm đã bị đẩy vào cảnh nợ nần ngập đầu, không còn khả năng tái sản xuất.
Gần 90% tôm nuôi trong các hồ ở xã Phú Xuân, huyện Phú Vang đã chết
Nhiều xã có diện tích nuôi tôm lớn điêu đứng. Xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc có 270 ha hồ tôm thì 100% diện tích bị chết vì dịch bệnh. “40 vạn con tôm giống giá 40 triệu mà gia đình tôi thả trong 2ha hồ tôm đã chết sạch trơn trong vòng một tuần”, ông Nguyễn Quốc, một chủ hộ nuôi tôm ở xã này, cho biết.
Theo ông Quốc, muốn chặn đứng được dịch đầu vàng phải cần 12 thùng Chlorin và 5 tấn vôi/ ha, trị giá 8 triệu đồng. Trong khi đó, xã chỉ hỗ trợ nhà ông được 1 thùng Chlorin. Kinh tế khó khăn, gia đình ông chưa kịp mua thêm thuốc thì toàn bộ tôm giống đã chết.
Tôm chết chủ yếu do mắc bệnh đầu vàng
Anh Văn Công Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng, cho biết, tôm chết liên tục khiến người dân ở xã thiệt hại trên 5 tỷ đồng. “Hiện tại các hộ nuôi tôm đã hoàn toàn kiệt sức. Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền về vốn, con giống và đặc biệt là nếu không được xóa nợ thì họ không còn đường làm ăn” – anh Trí chia sẻ.
Xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, đến thời điểm hiện tại đã có gần 90% diện tích hồ tôm bị chết. Hầu hết các hồ nuôi tôm bị người dân bỏ hoang sau khi xảy ra dịch bệnh, các chòi canh không một bóng người lui tới.
Bà Võ Thị Tuyết Hồng, Chi cục Trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, tôm chết hàng loạt và không thể kiểm soát trên địa bàn tỉnh chủ yếu do bệnh đầu vàng và một số bệnh khác như đốm trắng, còi… Bà Hồng đề xuất “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người nuôi tôm về kinh phí dập dịch, con giống chất lượng… như đã hỗ trợ người chăn nuôi khi có dịch tai xanh”.
|
Ông Nguyễn Bắc, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, cho biết trong xã có đến 80% hộ dân sống bằng nghề nuôi tôm. Dịch bệnh liên tiếp khiến người dân nợ ngân hàng tới hơn 50 tỷ đồng. Người dân trên địa bàn rất mong ngành chức năng sớm nghiên cứu cách phòng trừ dịch bệnh hiệu quả để phát triển nuôi tôm an toàn. Đặc biệt, họ mong được khoanh nợ, giảm nợ, xóa nợ và tiếp tục được cho vay vốn để tái sản xuất.
Cá chết nổi trắng hồ
Gia đình anh Đặng Phước Chút ở thôn Mai Dương, một trong những hộ có diện tích nuôi cá kình lớn nhất xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền với 5 hồ nuôi. Nửa tháng trở lại đây, cá ở các hồ nuôi của gia đình anh Chút chết hàng loạt, nổi trắng mặt hồ và bốc mùi nồng nặc. “Cá chết sạch khiến gia đình tui thiệt hại hơn 70 triệu đồng, bao nhiêu vốn liếng vay mượn giờ không biết lấy chi để trả”- anh Chút rầu rĩ.
Đến thời điểm hiện tại, toàn xã Quảng Phước đã có gần 100/170 ha hồ nuôi cá kình chết hàng loạt. Để gỡ phần nào thiệt hại, sau khi cá chết, nhiều hộ tiếp tục thả nuôi nhiều đợt mới nhưng cá thả nuôi ở những đợt tiếp theo vẫn đua nhau chết.
Cá kình chết hàng loạt ở xã Quảng Phước
Ông Hà Văn Duy, cán bộ thủy sản xã Quảng Phước cho hay “trước đây người dân trên địa bàn xã làm nghề nuôi tôm nhưng thất bại liên tiếp do môi trường nước ô nhiễm. Từ năm 2008, xã vận động người dân chuyển mặt nước sang nuôi cá kình để hạn chế rủi ro. Trước khi triển khai, địa phương đã tập huấn cho người dân về kỹ thuật nuôi nhưng không hiểu sao cá vẫn chết”.
Còn ông Hồ Vang- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền – thì cho biết thêm, cá kình chết hàng loạt tại xã Quảng Phước là do môi trường nước thay đổi, nên ngành nông nghiệp bó tay.
Tình trạng cá chết không chỉ dừng lại ở cá kình mà đã lan sang ở hầu hết các xã nuôi cá chẽm, cá dìa. Ở các xã Hải Dương (huyện Hương Trà), thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), Vinh Giang, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc)…, hàng trăm ha hồ nuôi cá đã chết gần sạch.
Theo tìm hiểu của PV, nhiều hộ khi tôm, cá chết đã xả nước ra ngoài sau đó thay nước mới mà chưa qua bất kỳ khâu xử lý nào. Điều này làm ảnh hưởng đến các hồ nuôi bên cạnh. Từ một vài lồng cá, hồ tôm bị chết, chỉ trong một thời gian ngắn dịch bệnh đã lan sang các địa phương khác.
Một nguyên nhân khác là do nguồn giống thả nuôi không đảm bảo. Do nợ nần quá nhiều, kinh tế kiệt quệ nên người nuôi tôm phải mua các giống tôm giá rẻ, không bảo đảm chất lượng từ các địa phương khác. Trong khi đó, lượng tôm giống sản xuất trên địa bàn tỉnh vừa không đủ cung ứng cho thị trường, vừa được bán với giá cao hơn so với các tỉnh khác.
|
Đại Dương (dantri)
Bình luận (0)