Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đừng gây áp lực cho con trẻ!

Tạp Chí Giáo Dục

Ép trẻ rèn chữ trước khi vào lớp 1 gây nhiều áp lực cho trẻ. Ảnh: M.T

Với mong muốn con mình viết đẹp, đọc tốt hay được vào những lớp tăng cường tiếng Anh, nhiều bậc phụ huynh (PH) đã tranh thủ ba tháng hè cho con đi học. Liệu thời gian học chỉ vài tháng, trẻ sẽ học được đến đâu hay ngược lại còn gây áp lực cho trẻ về mặt tâm lý và tốn thời gian, tiền bạc… của PH?!?
Học cho “bằng chị, bằng em”
Gửi con đi nhà trẻ từ lớp mầm đến lớp chồi, rồi lớp lá và sắp tới, bé Ánh Linh vào lớp 1, chị Nga vẫn không yên tâm việc con gái sẽ không đọc tốt, không viết đẹp rồi sẽ thua bạn… Vì vậy,cứ mỗi trưa chị lại tranh thủ nhờ bạn trông giùm cửa hàng vải ở Saigon Square chạy về Bình Thạnh để chở con gái đi rèn chữ. Thế nhưng, bé Linh lại không thích thú với việc học, thay vào đó, không ít lần bé khóc trước khi mẹ đưa đi, đón về. Điều này thật dễ hiểu bởi Linh vốn quen với các kỳ nghỉ hè mọi năm, được về ngoại ở Long An chơi, còn nay phải đi rèn chữ.
Không cần rèn chữ, bé Minh ở Q.Thủ Đức được ôn từ vựng tiếng Anh để được xét vào lớp tăng cường. Minh vừa học xong mẫu giáo, chị Hạnh đã đi hỏi thông tin, tìm các địa chỉ dạy Anh văn trên internet để con đi học. Khi được biết năm nay Sở GD-ĐT TP.HCM không tổ chức thi xét lớp tăng cường tiếng Anh nữa thì chị Hạnh lại cho rằng: “Thôi lỡ cho cháu đi học rồi thì để cháu học luôn, học càng nhiều thì cháu nắm kiến thức càng chắc, có thừa đâu mà sợ”. Các bậc PH luôn có nhiều lí do để lí giải, tất cả đều vì thương con, họ có thể âm thầm cho con trẻ đi rèn chữ, học Anh văn trong ít tháng hè để con có “nền tảng” kiến thức bước vào lớp 1 thậm chí cả lớp 2. Nhưng song song đó, họ cũng có thể nói: Tội bọn nhỏ, mới lớp 1 mà đã mang một cặp sách nặng, học bao nhiêu là môn, hay chương trình học của học sinh tiểu học quá nhiều…?!?
Thương không đúng chỗ
Việc các bà mẹ không ngần ngại bỏ thời gian hay tiền bạc để rèn cho con mình “kiến thức” mà theo họ: “Nếu biết trước các cháu sẽ học tốt hơn, không thua bạn bè”. Nếu đúng như vậy thì có lẽ ai cũng cho các con đi học trước, vậy còn đâu những học sinh yếu kém.Thương con bằng cách này, vô tình các ông bố bà mẹ đang đè nặng tâm lý cũng như tạo áp lực cho con trẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng Mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Theo chương trình của Bộ GD-ĐT, ngay từ lớp lá, trẻ đã được làm quen chữ viết và nhận biết 24 chữ cái, tập phát âm và ghép vần, tập viết các đường nét cơ bản vẽ và đồ chữ, chơi với các bài tập trò chơi để làm quen chữ viết… nhằm giúp trẻ có thể học tốt ở lớp 1. Việc PH ép trẻ học chữ theo chương trình lớp 1 sớm quá thì sẽ làm ảnh hưởng đến thần kinh, khiến trẻ dễ bị căng thẳng và mệt mỏi…”.
Không chỉ riêng lớp 1, chúng tôi còn ngạc nhiên hơn khi đến Trường Tiểu học H.H Q.Bình Thạnh thì thấy có hai lớp học sinh đang tập viết. “Có phải các em đang rèn chữ để chuẩn bị vào lớp 1 phải không cô” – Chúng tôi hỏi, cô giáo thẳng thắn: “Không đâu em, đây là các em chuẩn bị lên lớp 2”. Thiết nghĩ, các em đã được làm quen chữ cái từ lớp mẫu giáo, nguyên năm lớp 1 tập đọc, tập viết, vậy mà vẫn được đi “rèn” để vào lớp 2. Không hiểu sao mỗi việc học viết mà các em được học nhiều như vậy?!?
Ngọc Trinh
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm: “Trong môi trường mẫu giáo, trẻ đang vui chơi thoải mái nhưng vẫn lệ thuộc vào thầy cô, cha mẹ. Khi trẻ vào lớp 1 là vào môi trường tự lập nên cần có thời gian làm quen từ từ dưới sự giúp đỡ của cha mẹ, cô giáo. Việc ép trẻ rèn chữ không khác nào chúng ta đang gò bó trẻ theo khuôn khổ, mà việc gò bó trẻ thì luôn phản tác dụng bởi nó sẽ làm trẻ áp lực căng thẳng, khiến cho trẻ mất tự tin, kém sáng tạo…”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)