Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trẻ bị xâm hại tình dục: Một phần trách nhiệm thuộc về gia đình

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể nói, tình trạng trẻ em bị lạm dụng tình dục (LDTD) ngày một gia tăng. Trong đó có một số trường hợp các cháu gái bị lạm dụng mà cha mẹ chúng không hề hay biết. Đến khi thấy con mình mang thai hoặc có dấu hiệu của chứng bệnh phụ khoa, họ mới đưa các em đi điều trị hoặc “giải quyết hậu quả”…

Cha mẹ cần quan tâm sâu sát đến trẻ để vừa tránh bị LDTD vừa để nụ cười của trẻ luôn nở trên môi (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Thành Lê
Nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra mà lý do thường gặp nhất là giữa cha mẹ và con cái luôn có một khoảng cách nhất định. Các bậc phụ huynh không đủ thời gian quan tâm, chăm sóc và thiếu đi sự gần gũi đáng tin cậy để con cái có thể kể hết mọi điều. Nhưng cũng có nhiều cháu vì quá yêu thương, kính trọng cha mẹ nên không muốn làm họ phải đau khổ vì chuyện rủi ro xảy đến với mình. Theo đó, không ít cháu chọn giải pháp im lặng, không cho cha mẹ biết chuyện mà nhục nhã với bà con họ hàng, người xung quanh. Có cháu tìm đến người khác để hỏi ý kiến hoặc tự mình định liệu theo suy nghĩ riêng.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, để hiểu rõ nỗi lòng của con trẻ và để các cháu có thể cởi mở tâm sự về chuyện “thầm kín” của mình với người lớn, các bậc cha mẹ phải thường xuyên trò chuyện cùng con. Bởi làm vậy, chúng ta mới hiểu các cháu muốn gì hoặc đang gặp rắc rối gì. Có trường hợp do phụ huynh thiếu tin tưởng vào con cái, cho rằng những điều các cháu kể là chuyện bịa đặt nên chỉ nghe cho có mà không chịu khó tìm hiểu rõ ngọn ngành sự việc.
Khi bị xâm hại tình dục, những trẻ trong độ tuổi dậy thì ngoài biểu hiện suy sụp về tinh thần, còn phải gánh chịu nhiều tổn hại như sức khỏe kém, sụt cân, viêm nhiễm đường sinh dục. Đối với trẻ nhỏ tuổi hơn (2 -3 tuổi), khi bị LDTD, các em sẽ cảm thấy hoảng loạn, sợ hãi. Tất cả đều rất cần sự hợp tác của nhiều người trong gia đình. Lúc này, các bậc cha mẹ cần phải an ủi, động viên, giúp đỡ con về mặt tinh thần, cùng con vượt qua nỗi đau. Đừng chì chiết nặng nhẹ hoặc đánh đập, la mắng các cháu. Hãy giúp các em hàn gắn vết thương lòng bằng cách cùng con giải quyết mọi hậu quả trong khả năng có thể. Bên cạnh đó, người lớn chúng ta cũng cần trang bị cho trẻ một số kiến thức cần thiết để các cháu “tự bảo vệ” mình:
– Nói cho trẻ biết: Nếu có ai đó chạm vào thân thể làm cho con cảm thấy nhột và buồn cười, hãy nói “không” với người đó và báo ngay cho cha mẹ biết.
– Giáo dục cho trẻ biết được sự “vô lý” khi ai đó cho tiền, cho quà mà “không đưa ra nguyên do chính đáng”.
– Dạy cho trẻ hiểu được lòng kính trọng không đồng nghĩa với sự tuân thủ mù quáng đối với người lớn, hoặc người có uy quyền. Ví như không bắt con trẻ phải làm theo những gì mà giáo viên hoặc người trông trẻ bảo làm.
Nhằm giúp con cái biết tự “bảo vệ mình”, các bậc cha mẹ nên chỉ cho trẻ thấy rằng các cháu có quyền nêu lên ý kiến của mình và nói không với bất kỳ ai; cũng như giáo dục sự tự chủ, cách phòng vệ tùy theo lứa tuổi của trẻ. Cha mẹ cần cho con cái hiểu rằng, thân thể trẻ chỉ thuộc về nó mà thôi. Cha mẹ cũng cần tôn trọng sự kín đáo của trẻ ngay từ lúc các bé được 4 -5 tuổi: phải tập làm vệ sinh một mình, không nên thay quần áo trước mặt người khác.
Trong trường hợp bị ám ảnh, suy sụp tâm lý nặng nề, những đứa trẻ bị LDTD cần được gia đình nhanh chóng đưa đi chữa trị. Các nhà tâm lý sẽ giúp những đứa trẻ bị LDTD lấy lại lòng tin, lòng tự trọng của mình để các em có đủ nghị lực, ý chí vượt qua giai đoạn khủng hoảng tinh thần. Cách điều trị như thế có thể giảm bớt nguy cơ gặp phải những vấn đề, trục trặc về mặt tâm sinh lý khi trẻ trưởng thành.
Nguyễn Niệm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)