Nên tạo tâm lý thoải mái cho các em trong việc học và vui chơi (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: K.N |
Thầy cô nào cũng mong muốn trò của mình chăm ngoan, học giỏi để mang về thành tích cao cho lớp, cho trường và cho chính bản thân các em. Tâm lý kỳ vọng đó nếu không đặt đúng chỗ có thể sẽ vắt kiệt sức của các em học sinh (HS). Ông Phan Thúc Xán – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Hướng nghiệp Tâm lý Giáo dục trẻ TP.HCM đã chia sẻ về thực trạng dạy và học hiện nay.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu của đất nước nhằm đào tạo ra những con người phát triển toàn diện. Người chịu trách nhiệm cho những sa sút, yếu kém trong chất lượng giáo dục là gia đình, nhà trường, xã hội… nhưng chất lượng giáo dục cao hay thấp phụ thuộc vào rất nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân tập trung và cơ bản nhất là quá trình dạy và học. Quan hệ giữa thầy và trò: Thầy thực hiện mục tiêu đào tạo chuẩn mực, khoa học; trò là nhân vật trung tâm tiếp nhận mục tiêu đào tạo một cách chủ động, sáng tạo. Khi chất lượng giáo dục xuống cấp, áp lực tâm lý đối với thầy lẫn trò trong quá trình dạy và học ngày một nặng nề.
Theo thống kê của ngành y tế về sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ em Việt Nam vài năm trở lại đây: tỷ lệ HS bị bệnh tâm thần, hội chứng stress, rối nhiễu tâm lý, trầm cảm, trầm nhược tâm sinh lý (20-27%). Thực trạng này phản ánh ngược lại tiêu chí “Đi học là một niềm vui”.
Có thể nói, trường học là nơi ghi lại những ký ức của một thời thơ trẻ không thể nào quên. Ở đó, học trò có thể cởi mở tâm tư, tình cảm chân thật của mình đối với thầy cô và bè bạn. Tại sao giờ đây hiếm thấy những ngôi trường như thế? Chúng ta khó lòng mà chấp nhận sự biến dạng của trường học hiện nay – nơi còn nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, coi trọng những biện pháp trừng phạt răn đe, lãng quên sự cảm thông, nâng đỡ, lắng nghe tâm tư tình cảm của học trò.
Song song đó, các lớp học, dạy thêm phát triển tràn lan ở cả 3 cấp học là điều đáng lo ngại – nó gây áp lực tâm lý nặng nề không chỉ với HS mà cả với giáo viên (GV). Dạy những bài học trước chương trình hay nhồi nhét kiến thức sẽ gây nên “phản ứng phụ”, đó là: HS sẽ thụ động trong việc tiếp thu kiến thức, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển tư duy và trí thông minh của các em. Thời gian tự học của các em còn lại quá ít do bị cuốn vào việc học thêm, chưa nói đến việc nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, học ngoại khóa… là những nhu cầu cần thiết ở lứa tuổi vị thành niên. Đặc biệt hơn, các em chưa có thói quen rèn luyện kỹ năng sống để có thể tự lập, tự chủ trong mọi tình huống. Các tố chất quý báu đó có liên quan đến bản thân con người trên ba lĩnh vực cơ bản: chỉ số thông minh IQ, chỉ số cảm xúc EQ và chỉ số bản lĩnh AQ mà khoa học ngày nay có thể xác định.
Những tổn thương trên đòi hỏi gia đình, nhà trường, xã hội chung sức chăm lo, chia sẻ vì các em HS là những người vô tội, các em cần có tương lai rộng mở. GV phải ra sức cải tiến đổi mới phương pháp giảng dạy: thầy chủ động, sáng tạo giúp trò hứng thú học tập. Khi phụ huynh HS đưa ra yêu cầu nào đó nhưng nó không chính đáng, thiếu cơ sở khoa học sư phạm thì thầy cô và nhà trường nên từ chối một cách khéo léo.
Các bậc cha mẹ có quyền mơ ước con mình thành tài nhưng chúng ta không nên quá coi trọng điểm số mà các em đạt được. Không nên ép con phải đạt điểm 9, 10, xếp hạng nhất, nhì trong lớp, bởi nếu kỳ vọng của cha mẹ vượt quá sức học của con cái sẽ gây nên những hậu quả khôn lường.
Ngọc Trinh (ghi)
Disney, Darwin, Picasso, Enstein… được thế giới đánh giá là những nhân tài kiệt xuất, nhưng ít ai biết rằng, khi còn nhỏ, họ chỉ là HS bình thường, thậm chí là lười biếng, lớn lên họ đã để lại dấu ấn sáng chói trong lịch sử văn minh nhân loại (theo La Presse). |
Bình luận (0)