Anh Long đang dạy con học bài tại phòng trọ của mình |
Sau khi cùng vợ quây quần bên mâm cơm chiều trong căn phòng trọ, anh bắt đầu chạy xe ôm cho đến 5 giờ sáng hôm sau rồi về đưa xe cho chị đi làm. Bao năm qua, đôi vợ chồng lam lũ ấy vẫn đương đầu với rất nhiều khó khăn để mong tương lai con mình sẽ tốt hơn.
Khó khăn vây quanh
Suốt nhiều năm nay, hình ảnh anh xe ôm Nguyễn Văn Long gầy gò, đôi mắt trũng sâu, thâm quầng với chiếc xe máy cà tàng đã quá quen thuộc với người dân ở khu vực ngã ba đường Phan Văn Hớn – Trường Chinh (Q.12, TP.HCM). Cứ đến 7 giờ tối, anh lại ra đầu ngã ba đường để chở khách cho đến 5 giờ sáng hôm sau mặc cho những cơn đau của căn bệnh ung thư da đang giày vò thân xác. Đau đớn là vậy, nhưng chưa một lần anh nghỉ bởi không chạy xe thì “lấy tiền đâu sinh hoạt cho gia đình vào sáng hôm sau”.
Chúng tôi đến nhà anh vào một buổi chiều đầu tháng 8 khi cơn mưa vừa ngớt. Trong nhà, anh Long cùng đứa con nhỏ đang loay hoay xếp lại chồng sách cho gọn. Nói “nhà” cho oai chứ thực ra đây chỉ là căn phòng trọ nằm ở cuối hẻm với diện tích vỏn vẹn 8m2. Căn phòng không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc bàn học và mấy cuốn tập của cậu con trai nhỏ. Qua lời anh kể, chúng tôi hình dung được phần nào cuộc đời không mấy suôn sẻ của người đàn ông thiếu may mắn này. Trở về từ chiến trường Campuchia, anh tình nguyện đi thanh niên xung phong ở Nông trường Duyên Hải. Nông trường giải thể, anh trở lại thành phố và làm đủ nghề, từ thợ hồ cho đến bốc vác. Và chính những ngày vất vả tại các công trình, anh đã gặp người con gái làm công tác xã hội. Sau khi nên duyên vợ chồng, không có nhà ở, anh quyết định “đánh bạc” với đời mình khi vay tiền bạn bè, đưa vợ con lên Lâm Hà (Lâm Đồng) lập nghiệp bằng cách nuôi gà. Nhưng số phận đen đủi cứ bám lấy đôi vợ chồng trẻ, đàn gà dịch bệnh chết, nợ nần chồng chất, anh lại phải đưa vợ con trở lại thành phố đi làm thuê. Rồi đứa con đầu lòng vào lớp 1, chị Cúc, vợ anh được nhận làm công nhân ở Xí nghiệp Dược Trung ương 24. Niềm vui nhỏ nhoi ấy vừa đến lại vội vàng ra đi. Anh phát hiện trong người có một khối u đã di căn. Sau ba lần mổ, giờ đây anh phải dùng tới thuốc giảm đau cực mạnh.
Và niềm hi vọng…
Căn phòng trọ của anh chị tuy nhỏ bé nhưng rất gọn gàng và sạch sẽ. Bức tường hầu như bị chìm hẳn bởi thành tích học tập của bé Nguyễn Minh Châu – con trai duy nhất của anh chị qua những tấm giấy khen, hoa học tốt, giấy chứng nhận Cháu ngoan Bác Hồ được anh Long cẩn thận ép nhựa rồi dán lên. Do cuộc sống quá nghèo khó, bệnh tật liên miên, đã có thời điểm anh định nộp đơn xin cho con nghỉ học. Nhưng may thay, nhà trường đã hỗ trợ tiền cho con anh đến lớp. Với quyết tâm “không để đứa con lớn lên mà không có chữ”, vợ chồng anh Long ra sức lao động, “vay nơi này, đắp nơi kia” miễn làm sao con được đến trường, động viên con “cố bám lấy cái chữ” mà sống. Anh quan niệm: “Có cái chữ, con chúng tôi mới có thể thoát khỏi cuộc sống nghèo khó hiện giờ”. Đó cũng là phương châm để anh dạy dỗ, động viên con, đồng thời tự nâng cao kiến thức cho mình. Những lúc rảnh rỗi, anh chị lại ngồi vào bàn thức cùng con với tờ báo, cuốn tập, trao đổi với con những câu văn, bài toán mà trước kia anh chị không thể học được. Niềm hy vọng lớn nhất của anh chị bây giờ là đứa con trai Nguyễn Minh Châu học giỏi, hiếu thảo năm nay bước vào lớp 3 Trường Tiểu học Trương Định.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Quan điểm của anh chị là dù có thế nào cũng “không to tiếng trước mặt con; không để con thấy được sự vất vả, nét mặt u buồn trên gương mặt của mình”, đồng thời luôn tạo cho con một tinh thần vui vẻ, lạc quan hướng đến tương lai. |
Bình luận (0)