Làm thân “gà trống nuôi con” gặp rất nhiều khó khăn (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: S.M |
Trong khi xu hướng làm mẹ đơn thân đang ngày một phát triển thì chuyện của những ông bố sống trong cảnh “gà trống nuôi con” vẫn được nhiều người để ý.
Chuyện chẳng của riêng ai
Vợ mất hay gia đình tan rã, một số người đàn ông không chịu đi bước nữa muốn làm thân “gà trống nuôi con”. Họ phải đảm nhận trách nhiệm vừa làm cha, vừa làm mẹ. Hoàng Linh (Q.1, TP.HCM) là một trong số đó. Vợ mất khi con gái mới 3 tuổi, một mình anh nuôi con suốt bảy năm trời. Ban đầu, Linh cũng cố tìm cho con một người mẹ phù hợp. “Dù gì nó cũng còn nhỏ, lại là con gái nên chuyện chăm sóc chuyển cho người phụ nữ sẽ tiện hơn. Với lại, nhà có thêm người sẽ ấm cúng hơn”. Suy nghĩ là vậy, nhưng quá trình đi tìm “gà mẹ” cho con không phải lúc nào cũng được như ý muốn. Cứ mỗi lần anh dẫn ai về nhà là con bé lại tỏ vẻ khó chịu, làm mình làm mẩy cho đến lúc khách ra về. Và sau mỗi lần ấy, nó lại nước mắt nước mũi tèm nhem, mếu máo nhìn bố nó trách móc “Bố chẳng thương con. Mai con về với ông bà ngoại”. Nhiều lần như thế, anh đành chấp nhận cảnh nuôi “gà con” thiếu mẹ. “Biết đâu, đó lại là cái hay. Lấy về rồi không biết người ta có yêu thương con mình không? Cứ đợi nó lớn thêm một tí nữa, tính tiếp cũng chưa muộn”, anh Linh thở dài.
Gia đình tan vỡ, Duy Phương (nhân viên một công ty thiết kế tại TP.HCM) nhận nuôi hai đứa con một gái một trai. Khác với anh Linh, lý do khiến anh Phương không đi bước nữa là do ảnh hưởng từ chuyện gia đình. Vì lý do không hợp nhau, anh và vợ đã chọn phương án “đường ai nấy đi” và “cạch đến già” không dám lấy thêm một người nào nữa. “Tôi không thể để cho mẹ tụi nhỏ nuôi con vì vấn đề kinh tế. So với cô ấy, tôi là người có điều kiện về tài chính hơn. Tôi nghĩ mình có thể nuôi dạy hai con với cách giáo dục tốt hơn để chúng ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn hạnh phúc gia đình”, anh Phương tâm sự.
Những khó khăn chồng chất
Làm mẹ một mình đã khó, làm “gà trống nuôi con” lại càng khó hơn. Với một người đàn ông, thiên chức Thượng đế phú cho họ là làm trụ cột, gánh vác chuyện gia đình. Chịu sống cảnh “gà trống nuôi con”, họ phải đảm nhận thêm vai trò của người mẹ. Và chính điều này đã dẫn đến không ít tình huống “dở khóc, dở cười”. Vốn không vào bếp bao giờ nên trong gần năm tháng liền, hai bố con Hoàng Linh lúc nào cũng tá túc tại những quán cơm bụi hoặc cửa hàng thức ăn nhanh. “Khổ nỗi, con gái biếng ăn nên bữa nào cũng chậm như rùa. Bố ăn hết, nhìn sang con vẫn còn cầm muỗng gảy gảy như chọc tức, cứ hễ nặng lời là nó lại mếu máo làm mình phát ngượng. Cuối cùng, tôi phải mang cơm về nhà, bày đủ thứ trò, vật lộn hai ba tiếng đồng hồ mới vơi được phân nửa. Sau này thấy phương án ăn cơm ngoài không ổn, tôi lại phải đi chợ, nấu cơm như một người đảm đang thực sự. Nhiều người không biết cứ tưởng tôi có vợ sinh ở nhà. Lúc con ốm đau, một mình tôi cứ lóng nga lóng ngóng chẳng biết xoay xở thế nào, chỉ ao ước giá như có mẹ nó bên cạnh”, anh Linh hóm hỉnh kể về chuyện ngày đầu làm “cô” nuôi dạy trẻ.
Bản thân anh Phương cũng gặp không ít khó khăn khi hai đứa con đang bước vào tuổi ăn, tuổi lớn. “Hai đứa sàn sàn tuổi nhau nên chẳng đứa nào chịu nhường đứa nào. Chuyện riêng tư chúng nó lại càng khó nói, con trai thì còn dễ bảo chứ đứa con gái tôi phải nhờ cô nó chỉ giùm. Có những chuyện mình to nhỏ với nó thì lại nhận được phản ứng dữ dội theo kiểu “Ba chẳng hiểu được đâu”. Bây giờ, đứa lớn đã vào đại học, đứa nhỏ học cấp 3, chúng nó suốt ngày tíu tít với bạn bè, nhiều lúc thấy mình sao giống người thừa”, anh Phương ngao ngán.
Tường Vy
Không giống như những người mẹ đơn thân, xu hướng làm “gà trống nuôi con” không được nhiều người lựa chọn vì so với phụ nữ, chuyện họ một mình nuôi con thường rất khó khăn và chịu áp lực từ nhiều phía. |
Bình luận (0)