Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ngóng tìm người thân vẫn còn mất tích

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 21/10, nhận được tin một thi thể nam nổi ở cầu Bến Thủy (gần nơi xe khách trôi), bà Mừng nhảy lên, vừa khóc vừa nói: “Đúng con tôi rồi”. 5 phút sau, người ta báo lại, đó là xác một lái xe ôm, bà ngồi phệt xuống đất, thẫn thờ.
Ánh mắt thâm quầng, khuôn mặt hốc hác, bà Trần Thị Mừng (46 tuổi) đẫm nước mắt khi nhắc đến đứa con trai mất tích. Không giống với các thân nhân khác, ngày lực lượng chức năng cho biết đã xác định được vị trí chiếc xe bị chìm, bà không bộc lộ cảm xúc.
Đêm qua, khi nhiều người thức trắng chờ tìm xác người thân, bà Mừng vẫn lẩn thẩn ở khách sạn Lam Kiều, nơi những gia đình nạn nhân trú ngụ mấy hôm nay. Sáng 21/10, khi hàng nghìn người dân kéo nhau ra bờ sông để xem trục vớt xe, bà Mừng đóng kín cửa phòng, khóc một mình.
Bà Trần Thị Mừng: "Nhìn thấy người ta nhận xác con, tôi sẽ càng đau đớn".
“Tôi biết chắc thằng Tuyên của tôi đã chui ra khỏi xe nên việc đưa được chiếc xe lên thì xác con tôi cũng chưa thể tìm thấy. Ra chỗ đó, nhìn thấy người ta nhận xác con, tôi sẽ càng đau đớn”, bà Mừng khóc nghẹn ngào.
Trên chuyến xe định mệnh sáng 18/10, bà Mừng và cậu con trai Phạm Văn Tuyên (19 tuổi) đã chui ra ngoài khi xe chìm. Tuyên cố gắng dìu mẹ lên nhưng bị nước cuốn trôi mất. Bà Mừng được chàng trai tốt bụng Nguyễn Xuân Chung cứu sống. Ngay sau khi tỉnh dậy khỏi giường bệnh, bà Mừng đã nhận Chung là con.
“Niềm an ủi lớn nhất của tôi lúc này là mong tìm được xác cháu Tuyên. Nó thương mẹ lắm, nó báo mộng rằng sợ tôi đau khổ nên nó chưa nổi lên đâu”, bà Mừng vừa khóc vừa cho biết chiều nay sẽ bắt xe về nhà ở Đăk Lăk một mình, khi nào xác con trai nổi thì đến.
Chiều nay, khi bà Mừng quyết định bắt xe ôtô về nhà thì nhận được tin một thi thể giống con trai bà nổi ở cầu Bến Thủy. Bà bỗng nhảy lên vừa khóc vừa vỗ tay “Đúng con tôi rồi”. 5 phút sau, người ta báo lại, đó là thi thể một người xe ôm bị chết ở nơi khác. Bà Mừng ngồi phệt xuống đất, khóc nức nở… khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Nếu như bà Mừng còn có niềm an ủi là có được người con nuôi tốt bụng sau khi đứa con trai gặp nạn thì ông Trần Đắc Lực (57 tuổi) ở Đăk Nông chỉ biết nuốt nỗi đau vào trong. Cậu con trai Trần Đăng Khoa (19 tuổi) và cô cháu gái Nguyễn Thị Thùy (17 tuổi) của ông vẫn chưa tìm thấy xác.
Suốt buổi trục vớt, ánh mắt khắc khổ của ông Lực cứ dõi theo đội vớt xác, mỗi khi đưa được một người nào vào bờ, ông Lực lại chạy ào đến xem. Lượt này hết lượt khác vẫn không thấy con, cháu mình đâu, ông thất vọng, lặng người đi ra phía bờ sông một mình.
Anh Phạm Xuân Trường: “Tôi muốn giữ mãi nụ cười của vợ, những câu nói hồn nhiên của Hà Vy chứ không muốn nhìn thấy cảnh hai mẹ con ôm nhau chết”.
Ở cạnh phòng của bà Mừng, anh Phạm Xuân Trường, ở Hải Hậu (Nam Định), người nhà của nạn nhân Trần Thị Huệ và bé Phạm Hà Vy (2 tuổi) cũng lủi thủi ở phòng một mình khi đội cứu hộ trục vớt chiếc xe. Mất đi người vợ đầu ấp vai kề và cô con gái út, anh Trường ngất lên ngất xuống mấy lần.
Rất hy vọng thi thể vợ con mình đang ở trong xe, nhưng anh Trường không dám ra xem vì quá đau khổ. “Tôi muốn giữ mãi nụ cười của vợ, những câu nói hồn nhiên của Hà Vy chứ không muốn nhìn thấy cảnh hai mẹ con ôm nhau chết”, anh Trường nghẹn ngào.
Đến 17h chiều 21/10, cuộc trục vớt đã kết thúc, chiếc xe được đưa đến trụ sở công an huyện Nghi Xuân. Toàn bộ 14 thi thể đã được nhận dạng và đưa về quê mai táng. Ông Nguyễn Nhật, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, việc tìm kiếm những nạn nhân còn lại vẫn được tiếp tục.
Trong số nạn nhân chưa tìm được thi thể có bé gái 7 tháng tuổi Vũ Thị Ánh, và người nhiều tuổi nhất là bà Phạm Thị Yêu, 54 tuổi.
4h sáng 18/10, xe khách từ Đăk Nông ra Bắc đến xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã bị lũ cuốn lật và trôi xuống sông Lam. Nhiều hành khách đã đập cửa kính thoát ra. Lực lượng cứu hộ và người dân chèo thuyền ra cứu được 18 người. 20 người còn lại bị mất tích.
Hội chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông phát động tháng nhắn tin chung sức vì đồng bào miền Trung, từ 15/10 đến 15/11. Người dân ủng hộ bằng cách soạn tin nhắn với cú pháp: UH gửi 1405 (10.000 đồng/SMS) hoặc UH gửi 1409 (18.000 đồng/SMS). Toàn bộ số tiền ủng hộ sẽ được chuyển đến đồng bào miền Trung để khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Nguyên Khoa – Nguyễn Hưng (VnExpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)