Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nan giải bài toán chống ngập ở TPHCM, Đồng Nai

Tạp Chí Giáo Dục

Cơn mưa chiều 7/5 tuy có lượng mưa không lớn nhưng đã khiến nhiều khu vực tại TP Thủ Đức (TPHCM) và TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) bị ngập nặng.
Nan giải bài toán chống ngập ở TPHCM, Đồng Nai ảnh 1
Ngập nước tại hầm chui trước bến xe Miền Đông mới. Ảnh: H.H

Hạ tầng chưa đồng bộ

Cơn mưa chuyển mùa kéo dài khoảng 30 phút chiều 7/5 đã khiến một số khu vực tại TP Thủ Đức như đường Lê Văn Việt, hầm chui trước bến xe Miền Đông mới… bị ngập sâu.

Theo ghi nhận của PV, một đoạn hầm chui phía trước bến xe Miền Đông mới bị ngập hơn nửa bánh xe. Nhiều xe máy lưu thông theo hướng từ TPHCM đi Đồng Nai bị chết máy. Anh Nguyễn Anh Tú (người dân địa phương) cho biết: “Cứ có mưa lớn là hầm chui lại bị ngập.

Nhiều người lỡ chạy xe qua hầm buộc phải tiếp tục lội nước để thoát khỏi điểm ngập, nếu quay đầu xe thì phải chạy ngược chiều rất nguy hiểm và phạm luật giao thông”.

Hầm chui trước bến xe Miền Đông mới dài 670m, rộng 8m có mức đầu tư khoảng 75 tỷ đồng. Hạng mục này thuộc dự án cầu vượt trước bến xe với tổng mức đầu tư hơn 437 tỷ đồng.

Dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (gọi tắt là Ban Giao thông) làm chủ đầu tư. Trong đó, hạng mục nhánh hầm chui được khởi công năm 2020 và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2023, cho phép ô tô từ 9 chỗ trở xuống và xe máy lưu thông. Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, hầm chui liên tục bị ngập nước mỗi khi mưa lớn.

Đại diện Ban Giao thông TPHCM cho biết, hiện nay hầm chui chưa kết nối với hệ thống thoát nước xa lộ Hà Nội bởi vẫn chưa có mặt bằng để thi công. Các đơn vị liên quan đang gỡ vướng mặt bằng.

Theo tìm hiểu của PV, TP Thủ Đức đang triển khai nhiều dự án chống ngập cho khu vực. Cuối tháng 4, hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân và dọc đường ray xe lửa phường Linh Đông đã được hoàn thành. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức (chủ đầu tư), hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân sẽ giải quyết thoát nước cho khu vực này, đặc biệt là đoạn từ đường Đặng Văn Bi đến vòng xoay chợ Thủ Đức.

Trong khi đó, hệ thống thoát nước đường ray xe lửa phường Linh Đông giải quyết tình trạng ngập úng do mưa trên đường Tô Ngọc Vân (đoạn giáp đường ray xe lửa).

Ông Mai Hữu Quyết, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết, thời gian tới, TP Thủ Đức sẽ khởi công và hoàn thành 7 công trình nâng cấp bờ bao chống ngập, 36 công trình thoát nước, mở rộng hẻm và chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố.

Nan giải bài toán chống ngập ở TPHCM, Đồng Nai ảnh 2

Một điểm ngập nước tại TP Biên Hòa sau cơn mưa chiều 7/5. Ảnh: M.T

Không theo kịp phát triển đô thị

Trong mưa chiều 7/5, nhiều khu vực thuộc tổ 26 và 27, khu phố 2A (phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị ngập rất sâu, có nơi gần 1 m. Khu vực này có hàng trăm hộ dân sinh sống, được xem là “rốn ngập” của TP Biên Hòa. Nhiều năm qua, cứ mưa xuống là cả khu dân cư ngập sâu trong nước. Mương thoát nước ở khu vực này vốn đã hẹp còn bị lấn chiếm, thu hẹp lòng mương.

Theo ghi nhận của PV ngày 8/5, một nhà hàng tiệc cưới đã đổ sàn bê tông lấn chiếm chiều dài hàng chục mét mương thoát nước (dẫn ra hệ thống thoát nước đường Đồng Khởi) để làm mặt bằng đỗ xe khiến mỗi khi mưa xuống thì nước luôn bị dồn ứ, không thoát kịp và chảy tràn lên mặt đường gây ngập trong khu dân cư.

Để giải quyết điểm ngập này, đầu năm 2024, TP Biên Hòa đã hoàn thành dự án chống ngập đường Đồng Khởi với tổng mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng. Dự án gồm hệ thống cống hộp kích thước 2m x 2m lắp đặt hai bên đường Đồng Khởi cùng hệ thống hố ga thu nước trên mặt đường để thoát xuống suối Săn Máu.

Trong cơn mưa chiều 7/5, khu vực ngã ba Trảng Dài nơi vừa triển khai dự án này hầu như không còn ngập nhưng khu dân cư tổ 26 và 27, vẫn bị ngập sâu.

Ông Nguyễn Văn Lương, người dân tại khu vực này, cho rằng dự án mới xử lý phần gốc, còn phần ngọn chưa thông.

“Phải xử lý hành vi lấn chiếm mương, khơi thông mương thoát nước mới giải quyết được tình trạng ngập trong khu dân cư gần “điểm nóng” ngập nước ngã ba Trảng Dài”, ông Lương nói. Quốc lộ 1, đoạn từ Bệnh viện Thống Nhất đến ngã ba Phát Triển (thuộc phường Tân Biên, TP Biên Hòa) là “điểm nóng” về ngập nước từ nhiều năm qua. Nước chảy xiết có thể xô ngã người đi xe máy.

Tại Đồng Nai, mặc dù đã có nhiều dự án thoát nước, chống ngập được triển khai và hoàn thành nhưng đến nay vẫn còn trên 30 điểm ngập. Có tình trạng xóa được điểm ngập này lại phát sinh điểm ngập mới.

Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng TP Biên Hòa là nơi tập trung đông dân cư từ nhiều tỉnh, thành đến làm việc dẫn đến đô thị bị quá tải về hạ tầng kỹ thuật, trong đó hệ thống thoát nước đầu tư chậm dẫn đến tình trạng quá tải, gây ngập lụt cục bộ mỗi khi có mưa lớn, cản trở lưu thông, làm thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân.

Biết rõ thực trạng trên, qua từng giai đoạn, tỉnh Đồng Nai đều có quy hoạch các dự án thoát nước đô thị để mời gọi đầu tư trong nước, ngoài nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không mặn mà với lĩnh vực này vì cho rằng cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn, trong khi các dự án phải thu hồi đất của nhiều hộ gia đình, cá nhân nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thường kéo dài.

Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Huỳnh Tấn Lộc, công trình thoát nước, xử lý nước thải phải được triển khai đồng bộ mới mang lại hiệu quả nhưng với hạ tầng hiện tại thì rất khó thực hiện.

Theo ông Lộc, công trình dạng này có vốn đầu tư lớn (bình quân khoảng 100 triệu USD/dự án) nhưng ngân sách hạn hẹp và phải ưu tiên phân bổ cho các công trình thiết yếu khác dẫn đến các công trình thoát nước, xử lý nước thải đô thị chưa được triển khai. Nhiều năm nay, tỉnh kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhưng khả năng thu hút vốn rất khó.

Các vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ các dự án chống ngập vẫn là giải phóng mặt bằng chậm; bố trí nguồn vốn còn hạn chế; chất lượng khảo sát và lập hồ sơ thiết kế chưa cao.

Theo Hữu Huy – Mạnh Thắng/TPO

 

Bình luận (0)