Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chuyển dịch xanh cho doanh nghiệp ĐBSCL

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 28-3-2024, tại TP. Cần Thơ, sau một ngày làm việc, hội thảo "Chuyển dịch xanh: Thách thức, cơ hội cho doanh nghiệp (DN) ĐBSCL và giải pháp hỗ trợ DN" đã cơ bản tìm ra giải pháp tháo gỡ cho các vấn đề đặt ra.


Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL, nhấn mạnh tầm quan trọng của Chuyển dịch xanh

Sự kiện do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phối hợp cùng Công ty CP Sáng tạo Xanh (Green In) tổ chức.

Trong quá  trình phát triển, các quốc gia (QG) đã nhận ra đã đến lúc phải chuyển đổi kinh tế theo hướng xanh hóa và bền vững (Kinh tế xanh). Một trong những thước đo quan trọng môi trường toàn cầu được bảo vệ là lượng khí thải phát ra để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân làm biến đổi khí hậu (BĐKH)  đang diễn ra ngày một nhiều hơn. Để trái đất kiềm chế được lượng phát thải, các QG  phải hướng đến một nền kinh tế không phát thải – tức Net Zero. Nhưng để có một nền kinh tế tăng trưởng xanh là vấn đề rất phức tạp, nhất là những QG đang phát triển như Việt Nam, bởi cân bằng được mục tiêu phát triển, giữa kinh tế và môi trường rất khó khi mà trình độ khoa học công nghệ còn hạn chế, tư duy và những quy định chưa hoàn thiện.


Quang cảnh hội thảo

Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL (VCCI ĐBSCL), cho rằng phát thải khí hiệu ứng nhà kính (KHƯNK) là nguyên nhân của BĐKH, trong đó khu vực ĐBSCL đang chịu tác động rất nặng nề: “Ngay thời điểm này, rất nhiều địa phương thiếu nước và hạn mặn. Còn các khu vực đô thị, thành phố bắt đầu thấp dần so với mực nước biển. Do vậy cộng đồng DN cần nhận thức trách nhiệm tham gia và từng bước rà soát nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh doanh cho phù hợp với các quy định về phát thải. Việc chuyển đổi xanh dù tạo áp lực buộc DN phải chuyển đổi công nghệ, phương thức sản xuất mới… nhưng cũng là cơ hội kinh doanh cho DN; trong đó Net Zero đã mở ra những cơ hội kinh doanh mới, đó là giá trị thu được từ phát thải hay gọi là Tín chỉ Carbon, mà nhiều nước đang áp dụng; và cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu khi nhiều quốc gia yêu cầu sản phẩm phải đạt tiêu chí xanh. Ngoài ra Việt Nam là QG tiên phong cam kết giảm thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Đây là một mục tiêu/ một cam kết của Chính phủ rất mạnh mẽ, thể hiện trách nhiệm của VN đối với cộng đồng quốc tế và như là một định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững” – ông Lam trình bày.


Chuyển dịch xanh là thách thức và  là cơ hội cho doanh nghiệp ĐBSCL

Theo các chuyên gia, sau cam kết của Chính phủ tại COP 26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thì các quy định, chính sách đã được ban hành nhằm hiện thực hóa cam kết, trong đó có Nghị định 06 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Trên cơ sở của Nghị định 06, Quyết định 01 về “danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính” đã được ban hành. Theo đó, có 1.912 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 01. Danh sách này có khả năng sẽ tăng lên con số 3.000, dự kiến được ban hành trong năm 2024.

Bà Nguyễn Thị Hà – Trưởng phòng Kỹ thuật của Green In, cảnh báo: Theo quy định của pháp luật về danh mục phải kiểm kê, buộc DN phải thực hiện từ nay đến năm 2026, bao gồm việc kiểm kê và lập kế hoạch giảm phát thải để có thể tham gia thị trường carbon sẽ được triển khai theo quy định vào năm 2028… Bên cạnh đó, EU sẽ sử dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) để đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU, dựa trên cường độ phát thải KHƯNK trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Theo lộ trình đến năm 2034, CBAM chính thức vận hành, lúc đó các DN xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu thuế carbon khi xuất khẩu vào EU, nghĩa là sản phẩm sẽ bị cạnh tranh về giá và chất lượng, tăng thêm chi phí… “Do vậy bên cạnh thách thức, việc giảm phát thải KHƯNK cũng là cơ hội lớn. Nếu áp dụng các biện pháp tối ưu hóa, gia tăng hiệu suất sử dụng năng lượng sẽ giúp DN tiết giảm chi phí, gia tăng biên lợi nhuận. Hàng hóa ít phát thải KHƯNK, có giấy chứng nhận “xanh” sẽ mở ra cơ hội giữ vững thị trường cho DN ở những thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ, Canada…; DN đáp ứng yêu cầu về sản phẩm bền vững từ người tiêu dùng, mang lại nguồn doanh thu ổn định hoặc cao hơn” – bà Hà khẳng định.


Doanh nghiệp nêu các vấn đề với ban chủ trì phiên tọa đàm

Ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về tiết kiệm năng lượng, nhận định: “Các thách thức chính của DN trong triển khai giảm phát thải KHƯNK là không nhận thức được tầm quan trọng của tác động môi trường trong ngành công nghiệp, nông nghiệp; lãnh đạo DN chưa thực sự cam kết và đầu tư vào phát triển kinh tế xanh; DN thiếu sự hỗ trợ về kỹ thuật và chuyên môn để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xanh nên khó tiếp cận nguồn vốn cũng như hỗ trợ tài chính…”.

Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, trong đó có việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo. Một số DN tiên phong trong chuyển dịch xanh đã chia sẻ kinh nghiệm, trong đó Công ty TNHH Thép Tây Đô tích cực đầu tư thay đổi công nghệ để giảm phát thải; qui trình sản xuất thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế; thực hiện điện áp mái để sử dụng năng lượng điện tái tạo (chiếm 10% trong tổng lượng điện tiêu thụ của công ty): “Chúng tôi thực hiện sản xuất xanh để đạt mục tiêu về phát triển bền vững và trên 50% sản phẩm của công ty đạt yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường lớn như  EU, Mỹ, Úc…” – ông Huỳnh Trung Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty TNHH Thép Tây Đô chia sẻ.

Về nguồn vốn, Ngân hàng HD Bank có Chương trình Tín dụng xanh hỗ trợ DN thực hiện chuyển dịch xanh để đạt Net Zero với 3 sản phẩm: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió; Giao thông vận tải. Tài trợ thực hiện công nghệ sạch (biến rác thải thành điện năng). Tiến sĩ Văn Công Bình – Giám đốc Môi trường và xã hội, HD Bank cho biết: “Chương trình Tín dụng xanh triển khai 3 năm nay, đã giải ngân trên 12.000 tỷ đồng. Do được nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ nên DN tham gia Chương trình  được vay vốn với lãi suất cạnh tranh. Đặc biệt, DN còn được HD Bank tư vấn để nhận diện những rủi ro về môi trường và xã hội và đưa ra giải pháp khắc phục nhằm làm tốt chuyển dịch xanh trong sản xuất và giảm thiểu đến mức thấp nhất những rủi ro trong hoạt động kinh doanh”.

Đan Phượng

Bình luận (0)