Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giảng viên du học bằng ngân sách: Cần giữ chân người tài theo cách mới

Tạp Chí Giáo Dục

Giảng viên có trình độ tiến sĩ có thể ví như chiếc máy cái, đóng vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo của các trường ĐH.

Nhiều giảng viên du học bằng ngân sách không quay về, vì sao?

Nhiều giảng viên du học bằng ngân sách không quay về: Trường ĐH tìm hướng đi mới

Giảng viên du học: Nhiều lựa chọn khác ngoài đề án của nhà nước

Do đó, việc đầu tư đào tạo đội ngũ này là cần thiết nhưng để "giữ chân" họ, cần có những cách tiếp cận mới.

Từ kinh nghiệm nhiều năm tham gia chỉ đạo thực hiện các chương trình du học bằng ngân sách nhà nước, GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đã chia sẻ về vấn đề này.

GS-TSKH Bùi Văn Ga. HÀ ÁNH

Giảng viên trình độ tiến sĩ tăng gấp đôi

VN đã có nhiều chương trình du học bằng ngân sách nhằm đào tạo nâng cao trình độ giảng viên trình độ sau ĐH. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả các đề án?

Các đề án gửi giảng viên (GV) các trường ĐH ra nước ngoài đào tạo trình độ sau ĐH đã đem lại những hiệu quả rất thiết thực đối với hệ thống giáo dục ĐH nước ta. Hiệu quả thể hiện qua nhiều mặt. Trước hết là góp phần đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy ĐH, giúp các nhà trường nhanh chóng đào tạo được lực lượng lao động mới, đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế. Bên cạnh đó là hỗ trợ đổi mới quản trị ĐH, giúp tiến trình thực hiện tự chủ diễn ra nhanh chóng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà trường. Công tác nghiên cứu khoa học liên tục được cập nhật những hướng mới, tiếp cận được các trào lưu nghiên cứu trên thế giới.

Đáng chú ý, lực lượng GV được đào tạo trong các đề án này đã tạo được cầu nối hiệu quả để duy trì và mở rộng hợp tác quốc tế hỗ trợ cho việc liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, GV giữa các trường ĐH VN và các nước phát triển. Từ đó, giúp các cơ sở giáo dục ĐH ở các địa phương nhanh chóng nâng cao chất lượng đội ngũ GV.

Nhờ các đề án gửi GV ra nước ngoài đào tạo mà lực lượng GV có trình độ tiến sĩ (TS) ở các trường ĐH của nước ta tăng nhanh. Khi bắt đầu thực hiện Đề án 911 tỷ lệ GV có trình độ TS chỉ khoảng 15%, thì đến nay tỷ lệ này đã lên đến trên 30%. Đặc biệt các cơ sở giáo dục ĐH ở các địa phương như ĐH Đà Nẵng có tỷ lệ GV trình độ TS đạt 46%, trong đó Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) có tỷ lệ GV trình độ TS đạt gần 70%. Nếu không có Đề án 322, 911 thì các trường ĐH khu vực miền Trung khó có thể nâng cao chất lượng đội ngũ GV nhanh chóng như vậy.

Chương trình du học bằng ngân sách còn cần thiết ?

Thống kê 2 năm gần đây cho thấy tỷ lệ các trường ĐH cử người đi học rất thấp so với chỉ tiêu được giao. Trong khi theo thống kê từ các trường ĐH, hầu hết GV được cử đi đào tạo ở nước ngoài đều thông qua các chương trình đối ngoại của trường. Vậy theo ông, các chương trình du học bằng học bổng ngân sách có còn cần thiết?

Thực tế hoạt động đào tạo TS ở các trường ĐH nước ta hiện nay rất trầm lắng. Nhiều ngành vắng người học nhiều năm liền. Công tác nghiên cứu khoa học của các trường cũng bị ảnh hưởng không nhỏ vì gắn kết chặt chẽ với đào tạo sau ĐH.

Cần “giữ chân” người tài theo cách mới - Ảnh 2.

Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo đào tạo giảng viên theo Đề án 89 tại Trường ĐH Đà Lạt năm 2022. TRƯỜNG ĐH ĐÀ LẠT

Nhiều trường ĐH ở nước ngoài cũng thiếu nghiên cứu sinh phục vụ cho nghiên cứu khoa học nên họ sẵn sàng dành những điều kiện thuận lợi nhất để thu hút người đến học. Tất nhiên đó không phải là những trường tốp đầu, những trường ĐH uy tín trên thế giới. Điều kiện đầu vào của các chương trình đào tạo TS nước ta cũng tiệm cận với các trường ĐH nước ngoài. Vì vậy nghiên cứu sinh thường lựa chọn đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh với các học bổng tìm được để chủ động kế hoạch học tập của mình, không sử dụng ngân sách.

Tiếc rằng số lượng nghiên cứu sinh đến học ở các trường danh tiếng trên thế giới ngày càng ít đi so với trước. Các nghiên cứu sinh học ở các trường danh tiếng thường trở về với những hướng nghiên cứu mới, mối quan hệ hợp tác mới – đây là điều mà các trường ĐH trăn trở. Vậy nên chúng ta nên duy trì các chương trình đào tạo TS ở nước ngoài với cách tổ chức quản lý phù hợp để tiếp tục chủ động đào tạo GV trình độ cao.

Nếu tiếp tục thực hiện, theo ông các chương trình cử người đi học bằng ngân sách cần được triển khai theo hướng nào để thực sự hiệu quả trong bối cảnh hiện nay?

Nhiều nước đang phát triển cũng gửi GV ra nước ngoài đào tạo. Đối với những nước nghèo thì dựa vào chương trình viện trợ của các nước phát triển. Đối với các nước thoát khỏi ngưỡng nghèo thì nhà nước bỏ tiền để chi trả cho việc đào tạo nhân lực. Dù nguồn kinh phí đến từ đâu, các nước đang phát triển cũng đều có khát vọng đào tạo được đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Nước ta đã có chủ trương rất đúng đắn trong việc này và theo cá nhân tôi thì các chương trình đào tạo nhân lực như vậy nên được tiếp tục.

Giảng viên du học bằng ngân sách: Cần giữ chân người tài theo cách mới - Ảnh 3.

Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm về một số nội dung triển khai Đề án 89 năm 2021. BỘ GD-ĐT

Chúng ta đã thực hiện 2 mô hình quản lý khác nhau về gửi GV ra nước ngoài đào tạo. Mô hình thứ nhất là Bộ GD-ĐT quản lý tập trung (Đề án 322, 911). Mô hình thứ hai là nhà nước cấp kinh phí, các trường triển khai thực hiện (Đề án 89).

Những năm tham gia chỉ đạo việc thực hiện Đề án 322, 911 tôi thấy khi Bộ GD-ĐT quản lý tập trung thì chất lượng thực hiện các đề án rất tốt. Thứ nhất, Cục Đào tạo với nước ngoài có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán quốc tế, có thể tích hợp các đề án đào tạo vào các đề án hợp tác song phương, đa phương, nhờ đó có thể giảm chi phí đào tạo, giúp lưu học sinh nhận được các nguồn kinh phí hỗ trợ từ phía đối tác. Điều này các trường riêng rẽ khó có thể làm được.

Thứ hai, Cục Đào tạo với nước ngoài có thể đàm phán, gửi cán bộ trong danh sách đã được lựa chọn đến các trường uy tín trên thế giới, đặc biệt là các trường tốp đầu để đào tạo thông qua các chương trình hợp tác giáo dục. Điều này cá nhân nghiên cứu sinh hay nhà trường cũng rất khó có thể thực hiện. Các trường tốp đầu tuyển sinh rất nghiêm ngặt. Dù chúng ta sẵn sàng bỏ kinh phí ở mức rất cao nhưng cũng chưa chắc được tiếp nhận.

Thứ ba là công tác quản lý lưu học sinh. Cục Đào tạo với nước ngoài có mối quan hệ chặt chẽ với Đại sứ quán VN ở các nước nên phối hợp quản lý lưu học sinh chặt chẽ và hiệu quả. Khi quản lý dự án đào tạo theo mô hình thứ hai thì tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH được đề cao, khuyến khích các trường phát triển các chương trình hợp tác song phương nhưng đổi lại chúng ta bị mất đi những lợi thế của mô hình quản lý thứ nhất.

Chúng ta nên có tổng kết, đánh giá hai mô hình này để phân tích các ưu nhược điểm của chúng nhằm xác lập một mô hình quản lý hiệu quả cho đề án gửi cán bộ ra nước ngoài đào tạo trong tương lai. 

Bỏ rào cản để sử dụng chung nguồn lực tiến sĩ

Nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực TS là tài sản quý giá của đất nước nên cần tạo điều kiện sao cho nguồn nhân lực này phát huy hiệu quả cao nhất. Cách tốt nhất là bỏ các rào cản để sử dụng chung nguồn lực này. Không phân biệt TS ngoài trường hay TS trong trường; không phân biệt TS trường công hay TS trường tư.

Trong nền kinh tế tri thức, mọi ngành sản xuất đều cần đến lực lượng cán bộ trình độ cao. Họ là những người nắm bắt được xu thế phát triển của ngành nghề, công nghệ. Họ cũng là những người đã kinh qua đào tạo kỹ năng nghiên cứu phát triển để tạo ra những sản phẩm mới. Vì vậy TS không chỉ làm việc ở các trường ĐH hay viện nghiên cứu mà các cơ quan quản lý, đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng đều cần có họ.

TS rời trường ĐH để tham gia hoạt động sản xuất bên ngoài không có nghĩa là trường ĐH mất đi thầy giáo. Nếu chúng ta có cơ chế để các TS, cán bộ kỹ thuật ngoài trường ĐH tham gia giảng dạy thì các trường ĐH không những không mất đi thầy giáo mà có thêm một thầy giáo giỏi, vừa nắm vững lý thuyết vừa có kinh nghiệm thực tiễn.

Các trường ĐH ở Pháp có đến 60% GV bên ngoài trường vào tham gia giảng dạy. Nhờ vậy sinh viên tiếp cận được kiến thức thực tế nhanh chóng, xóa nhòa khoảng cách giữa nhà trường với doanh nghiệp.

Vì vậy, chúng ta nên đổi mới cách tiếp cận về "giữ nhân" người tài trong trường ĐH theo hướng thay đổi cơ chế để nhà trường và xã hội dùng chung đội ngũ TS.

Theo Hà Ánh/TNO

Bình luận (0)