Là ngôi trường tiên phong áp dụng hình thức kỷ luật học sinh vi phạm đọc sách, ThS. Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đã có những chia sẻ thẳng thắn về xây dựng trường học hạnh phúc.
ThS. Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân
+ Phóng viên: Theo thầy, trường học hạnh phúc nên bắt đầu từ đâu?
ThS. Huỳnh Thanh Phú: Trường học hạnh phúc được hình thành bởi rất nhiều thành tố, song theo tôi trước hết cần bắt đầu từ việc đổi mới kiểm tra đánh giá. Theo Chương trình GDPT 2018, nội dung dạy là kiến thức cần đạt, kiểm tra trên nền tảng nội dung kiến thức cần đạt. Như vậy mới thấy được sự nhẹ nhàng, mới thấy được định hướng của chương trình là phát triển và hình thành phẩm chất năng lực học sinh.
Với đổi mới kiểm tra đánh giá thì nhà trường phải xây dựng được ma trận rõ ràng, thông báo cho học sinh biết, trên hết là sự giám sát của phụ huynh biết. Đặc biệt, cần đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục gắn với kiểm tra đánh giá. Các nội dung giảng dạy nhà trường phải đưa lên hệ thống dạy học LMS để học sinh, giáo viên cùng tương tác. Qua đó, học sinh cũng biết cách tự học, cũng như rút ngắn thời gian tìm hiểu kiến thức sách giáo khoa ở trên lớp học để thầy trò có nhiều thời gian tương tác nhiều hơn, mở rộng bài học…
Để hình thành kỹ năng thì lẽ dĩ nhiên, học sinh sẽ phải hiểu được bài học đó, song trên hết thông qua các trải nghiệm để hình thành kỹ năng đó sẽ có sự kết nối học sinh với thầy cô, học sinh với học sinh trong một không gian lớp học, môi trường học có sự gắn kết, đoàn kết, chia sẻ…
Đặc biệt, nhà trường phải đẩy mạnh việc cho học sinh mang phương tiện đến trường, với sự giám sát của thầy cô. Ngày nay, điện thoại thông minh, máy tính có kết nối mạng là phương tiện để nhà trường, thầy cô cùng học sinh thực hiện chuyển đổi số trong giảng dạy. Nếu chúng ta cứ nói về chuyển đổi số song trên lớp, việc chuyển đổi số đó chỉ từ phía thầy cô thì chưa được.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân được tham gia vào nhiều hoạt động giáo dục bổ ích
+ Vậy còn hình thức xử phạt học sinh vi phạm trong trường học hạnh phúc, theo thầy cần thực hiện như thế nào?
– Theo tôi, trong trường học hạnh phúc thì hình thức kỷ luật tích cực cần phải nhân rộng. Học sinh vi phạm có thể được giáo dục bằng cách đọc sách như Hạt giống tâm hồn, Người con hiếu thảo qua đó sẽ từng chút một tác động đến tâm tư, tình cảm, giáo dục các em về nhân cách, đạo đức.
Sai phạm của học sinh chúng ta phải có biện pháp xử lý tích cực trên tinh thần đồng cảm, chia sẻ để học sinh nhận ra, chứ không nên hành chính hóa quá vấn đề này, không phải “đùng” một cái kỷ luật tạm đình chỉ học tập. Với hình thức này, theo tôi nhà trường có thể kỷ luật để các em không lên lớp học nhưng vẫn sẽ lên trường, được nhà trường bố trí cho một phòng học có thể học trực tuyến trên hệ thống LMS, các em có thể mượn tập vở của bạn bè, tự tương tác với thầy cô… Bằng cách này, nhà trường vẫn áp dụng hình thức kỷ luật học sinh nhưng vẫn quản lý được các em, không đẩy các em ra ngoài môi trường trường học có thể phát sinh thêm những vấn đề tiêu cực… Thông qua đó, nhà trường giáo viên cũng giám sát, đánh giá ý thức, sự tiến bộ của học sinh.
Nhà trường cần xây dựng được ban tư vấn học đường. Ở đó, phụ huynh học sinh đều có đến để chia sẻ, hợp tác. Những sai phạm của học sinh trong giờ học, thầy cô thay vì ghi vào sổ đầu bài thì có thể ghi vào nhật ký lớp để giáo viên chủ nhiệm theo dõi, giám sát, nhắc nhở động viên.
Nhà trường, thầy cô phải thực sự quan tâm đến những trầm cảm trong học sinh bằng cái nhìn thấu hiểu, cảm thông. Bởi khi các em gặp vấn đề tâm lý sẽ rất dễ tổn thương, chỉ cần có một biến cố có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
“Hiệu trưởng đứng cạnh thầy cô, lãnh đạo ngành đứng cạnh hiệu trưởng” Trường học hạnh phúc thì phải tạo được sự gần gũi, gắn kết giữa học sinh với ban giám hiệu, để khoảng cách thầy trò thêm xích lại. Bởi thực tế học sinh rất sợ hiệu trưởng, ban giám hiệu. Chỉ khi thầy cô hạnh phúc thì mới có thể đem lại hạnh phúc cho học sinh. Nhà trường phải chăm lo chế độ chính sách cho giáo viên, kịp thời động viên khích lệ đội ngũ để đội ngũ an tâm cống hiến. Cán bộ quản lý phải là người đứng cạnh bên hỗ trợ, bảo vệ thầy cô. Nghề dạy mang sứ mệnh rất lớn nhưng đang chịu nhiều áp lực rất nặng nề. Nếu lãnh đạo nhà trường không đứng cạnh thì sự nhiệt huyết của thầy cô có thể bị mai một. Thậm chí, để có trường học hạnh phúc thì cán bộ quản lý cũng phải hạnh phúc. Như vậy, lãnh đạo ngành cũng phải đứng cạnh hiệu trưởng… |
+ Với trường học hạnh phúc là phải có môi trường học đường hạnh phúc. Môi trường đó, theo thầy còn cần thêm những thành tố gì?
– Khi xây dựng trường học hạnh phúc, người học phải cảm nhận được sự hạnh phúc trong chính ngôi trường đó. Như vậy, yêu cầu đặt ra là trường học phải tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tăng cường các sân chơi cho học sinh trải nghiệm. Các hoạt động phải mang tính giáo dục, trong sáng, vui chơi, gần gũi và có tính lan tỏa, để qua những hoạt động đó tác động đến mỗi học sinh. Nhà trường phải đề ra kế hoạch tuần, tháng, đổi mới giờ sinh hoạt dưới cờ với các hoạt động giáo dục học sinh một cách gần gũi, mới mẻ, sinh động.
Ngoài ra, nhà trường cũng cần tạo môi trường sinh hoạt các câu lạc bộ để học sinh được rèn luyện, phát huy sở trường, năng khiếu, qua đó định hướng nghề nghiệp cho các em. Để gần gũi với học sinh, kết nối được với tiếng nói của các em thì các hoạt động trong nhà trường cần bám và gắn liền với lứa tuổi, tâm sinh lý của các em. Đôi khi chỉ qua một sự kiện, một chương trình có sự góp mặt của ca sĩ mà các em yêu thích là chúng ta đã “ghi điểm” trong mắt các em hơn nhiều lời nói rằng thầy, cô rất yêu thương các em…
Khi nhà trường đưa học sinh đi xem phim, kịch không chỉ là giáo dục học sinh hiểu biết xã hội, qua những hoạt động này sẽ làm học sinh thêm yêu trường, lớp, bạn bè… Đồng thời, lan tỏa những giá trị bài học, giá trị văn hóa mà các em học được thông qua chính việc sử dụng hệ thống học trực tuyến LMS…
+ Xin cảm ơn ThS. Huỳnh Thanh Phú!
Đỗ Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)