Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phát triển Cần Giờ theo hướng kinh tế biển xanh

Tạp Chí Giáo Dục

Vấn đề này được ông Trương Minh Huy Vũ – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM trao đổi tại Hội thảo khoa học “Kết nối chuỗi liên kết hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững tại huyện Cần Giờ”.

Ông Vũ cho biết, kinh tế biển và các loại hình dịch vụ kinh tế biển là một thành tố quan trọng của phát triển Cần Giờ nói riêng, cũng như phát triển TP.HCM nói chung. Vấn đề này không mới vì quan điểm, chính sách xác định TP hướng ra biển đã có trong nhiều nhiệm kỳ đại hội. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ này, có Nghị quyết 12 của Ban Thường vụ Thành ủy về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 đã cụ thể tạo ra một nền tảng chính trị, pháp lý để định hướng phát triển Cần Giờ tập trung vào kinh tế biển.

Hiện giờ, các chính sách, cơ chế quan trọng nhất là dựa trên Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó bao gồm các vấn đề liên quan đến thu hút nhà đầu tư chiến lược cho phát triển Cần Giờ; các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, giao thông xanh và các chính sách thu hút, thúc đẩy đầu tư công. Sắp tới dự án cầu Cần Giờ cũng được trình HĐND TP.

“Như vậy, phát triển các loại hình dịch vụ, kinh tế biển Cần Giờ nhìn tổng thể có rất nhiều yếu tố liên quan và yếu tố liên ngành”, ông Vũ nói.

Theo ông Vũ, đề án “Phát triển toàn diện các loại hình thương mại – dịch vụ kinh tế biển theo hướng kinh tế biển xanh trên địa bàn huyện Cần Giờ, giai đoạn 2023-2030” do Viện Nghiên cứu Phát triển TP cùng UBND huyện Cần Giờ phối hợp thực hiện tập trung vào 4 trụ cột chính.

Hai trụ cột đã triển khai và bắt đầu xây dựng chuỗi liên kết là trụ cột liên quan đến du lịch sinh thái và thủy hải sản. Đây là tiềm năng, thế mạnh Cần Giờ đang phát triển.

Thứ ba là trụ cột Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. TP.HCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự án cảng này. Sắp tới, TP bắt đầu cập nhật ý tưởng và những quy hoạch ngành, quy hoạch tích hợp, quy hoạch TP để tiếp tục thúc đẩy dự án.

Xung quanh cảng trung chuyển đặt ra thêm các vấn đề logistics, hậu cần cảng biển để hình thành nên một khu vực phục vụ kinh tế biển không chỉ TP.HCM mà cả vùng Đông Nam bộ vì sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với khu cảng biển Vũng Tàu.

Trụ cột cuối là năng lượng tái tạo. Cần Giờ có mặt tiền biển rất lớn và các nghiên cứu ban đầu cũng chỉ ra tiềm năng điện gió nơi đây rất lớn để thúc đẩy năng lượng tái tạo cho dự án điện gió ngoài khơi. Nếu làm, đây sẽ là một điểm nhấn quan trọng của kinh tế biển Cần Giờ, kinh tế xanh và tổng thể TP.HCM.

TP kỳ vọng những gì đã có sẽ làm tốt hơn, với những cách làm quyết liệt, sáng tạo hơn về du lịch, chuỗi thủy hải sản. Đối với hai trụ cột đang mong muốn thúc đẩy là logistics, hạ tầng cảng biển phải chuẩn bị tốt nhất các kế hoạch, đề án, nghiên cứu tiền khả thi, khả thi của dự án cũng như những vấn đề đặt ra khi dự án đó đưa vào chuẩn bị đầu tư. Điều này đóng vai trò quan trọng để TP chắc chắn dự án nếu đưa ra vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, vừa đáp ứng các yêu cầu tổng thể khác về tài nguyên, môi trường, mưu sinh Cần Giờ cũng như dự án điện gió ngoài khơi.

“Như vậy, những thảo luận về “kết nối chuỗi liên kết hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững tại huyện Cần Giờ” đóng vai trò nền tảng ban đầu cho những việc hình thành các quyết sách, chính sách lớn hiện nay”, ông Vũ nhấn mạnh.

N.Trinh

 

Bình luận (0)