Đã có rất nhiều vở kịch, cải lương khắc họa hình tượng người mẹ cũng như “lấy” biết bao nước mắt của khán giả. Mỗi người mẹ có mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung ở họ chính là lòng thương con bao la, sâu rộng như biển Thái Bình…
NSND Kim Cương
1. NSND Kim Cương chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm rằng: Chữ hiếu giống như kim chỉ nam cho lương tâm và bổn phận của mỗi người con khi có mặt trên đời”.
Khi đạo diễn vở Con gái chị Hằng của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng, NSND Kim Cương đã trung thành với những tâm niệm ấy. Vở chứa đựng nhiều nước mắt đau khổ. Chia tay với chồng sớm, bà mẹ phải chịu đựng bao khó khăn, khổ cực. Lâm vào đường cùng, bà cam chịu làm vợ bé để có tiền nuôi con ăn học. Khi con gái khôn lớn biết mẹ mình làm vợ bé cho người giàu có thì đâm ra oán hận, tủi nhục. Cô bỏ về nhà cha ruột của mình khiến người mẹ vô cùng đau khổ. Nghe tin con bị tai nạn, người mẹ lên cơn đau tim và qua đời. Khi con gái hối hận thì mọi sự đã muộn màng… Khán giả nghẹn ngào khi nghe người mẹ (NSND Kim Cương thủ diễn) thốt lên lời nói trước lúc đi xa: “Hồi nhỏ mình cho cục kẹo con cũng thích, đi đâu cũng đòi theo. Còn bây giờ mình sắp đi một chuyến không về mà con không đòi theo…”. Khi diễn vai chị Hằng, NSND Kim Cương không khóc với nhân vật của mình nhiều mà bà đã biết nén nỗi đau lại trong lòng. Đến khi không chịu nổi thì nỗi đau đó tự bật ra, lúc ấy khán giả bị cuốn theo những dòng cảm xúc đó… Trong đầu của NSND Kim Cương bao giờ cũng hiện lên hình ảnh của người mẹ cao cả bao dung này, diễn đến hàng trăm suất nhưng bà đều có cảm xúc như nhau. Bà bảo rằng trên cuộc đời này, người mẹ nào cũng hết lòng yêu thương con. Không chỉ trong Con gái chị Hằng mà cả trong Bông hồng cài áo, Tình mẫu tử, Lá sầu riêng, Huyền thoại mẹ… Con cái dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể bất hiếu với cha mẹ. Con cái có thể bỏ cha mẹ nhưng cha mẹ lúc nào cũng hướng về con cái…
Cảnh trong vở “Mẹ và người tình”
2.Sân khấu vẫn có những hình ảnh bà mẹ không giống truyền thống, mà có những hoàn cảnh đặc biệt, sinh ra tính cách đặc biệt. Như bà mẹ vở kịch Mẹ và người tình (tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn Minh Nhí) trên Sân khấu kịch Phú Nhuận. Vở kết thúc bằng hình ảnh người mẹ đổ gục xuống trước sự thật quá phủ phàng về những “đứa con hoàn hảo” của mình. Bất kỳ ai mới nhìn vào gia đình của bà Xuân cũng đều có cảm nhận rằng đó là một đại gia đình hạnh phúc, lý tưởng. Chồng mất sớm, một tay bà Xuân đã nuôi dạy năm người con khôn lớn, thành đạt. Những người con cũng yêu thương bà Xuân hết mực, luôn răm rắp làm theo mệnh lệnh cũng như mọi sự sắp đặt của bà. Thế nhưng, tất cả các trật tự ấy đã bắt đầu đảo lộn khi trong buổi tiệc mừng sinh nhật lần thứ 60 của mình, bà Xuân đưa về giới thiệu với các con ông Sơn (một giáo viên dạy văn đã về hưu, cũng góa vợ) đồng thời tuyên bố sẽ “bước thêm bước nữa” cùng với người này. Thật ra, thời còn trẻ, bà và ông Sơn yêu nhau chân thành. Nhưng vì hoàn cảnh “môn đăng hộ đối” đã chia cắt tình cảm của họ. Bây giờ khi tuổi đã về chiều, hoàn thành trọng trách của mình, họ thấy cần phải có nhau để an ủi quãng đời còn lại. Trước quyết định của mẹ, các người con vốn quen khuất phục bề ngoài không dám phản kháng nhưng bên trong lại âm thầm bày ra nhiều chiêu trò “ném đá giấu tay” để gây chia rẽ mẹ mình và người tình vì lòng ích kỷ. Họ không chỉ sợ mẹ bị ông Sơn “dụ dỗ” để chiếm đoạt tài sản mà còn sợ bị mất đi uy tín của chính bản thân mình.
Với vai bà Xuân, NSND Hồng Vân đã khiến người xem “nổi gai ốc” với từng ánh mắt, cử chỉ, lời nói. Vai diễn này đã giúp nữ nghệ sĩ đoạt huy chương vàng trong Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2009.
Cảnh trong vở “Diều ơi”
3.Hầu hết các vở kịch đều nói về hình tượng người mẹ Việt Nam truyền thống giàu lòng hy sinh, chịu đựng. Dù khó khăn, nghiệt ngã đến mấy, nhiều bà mẹ vẫn là trụ cột cho cả gia đình nương vào. Như nhân vật bà mẹ trong vở Diều ơi của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM (Sân khấu 5B), vừa làm mẹ vừa làm bà ngoại để nuôi dưỡng, chăm sóc đứa con gái điên vì bị phụ tình và đứa cháu ngoại còn đỏ hỏn. Một mình bà buôn gánh bán bưng vừa chống đỡ gia đình, vừa bảo vệ con những khi bị người ta hiếp đáp, rồi sức cùng lực kiệt, bà tựa vào vai người bạn hàng xóm trút hơi thở cuối cùng. NSƯT Quỳnh Hương diễn xuất sắc, với vóc dáng gầy gầy gợi nhớ hình ảnh những bà ngoại, bà mẹ trong ký ức khán giả, khiến người xem không cầm được nước mắt…
NSND Bạch Tuyết cho biết: “8 tuổi tôi phải mồ côi mẹ. 8 tuổi tôi đã cảm nhận nỗi mất mát quá to lớn trong đời, mẹ bị tai nạn và ra đi mãi mãi. Sự ra đi vĩnh viễn của mẹ để lại trong tôi khoảng trống không thể nào bù đắp được. Tôi chỉ tiếc một điều là mình đã không trở thành một luật sư như lời mẹ mong muốn mà bước chân vào con đường nghệ thuật cải lương. Mặc dù đã có những bước đi đầu đời khá vững vàng, được mọi người khen ngợi, quý mến, tôi vẫn không tìm được niềm vui riêng cho mình. Vì những niềm vui sướng, hạnh phúc của cuộc đời trong những bước chân hàng ngày đi qua, tôi không còn cơ hội chia sẻ với mẹ, mang về cho mẹ. Sau đó, tôi tìm được nguồn đồng cảm từ những đứa trẻ bất hạnh khác. Cho mãi đến sau này, tôi vẫn hay đến các trại mồ côi để thăm hỏi những đứa trẻ thiếu vắng hình bóng cha mẹ. Tôi nghĩ, trong đó có rất nhiều tia sáng tài năng đang còn tiềm ẩn, mình là người đi trước, nên tìm cho chúng một chỗ dựa, vì con người ai cũng cần có một chỗ dựa, nhất là về mặt tinh thần. Bản thân tôi cũng đã vào rất nhiều vai người mẹ trong các vở Gia tài của mẹ, Tình mẫu tử, Con gái chị Hằng, Nỗi lòng người mẹ, Bông hồng cài áo, Tấm lòng của biển… Tôi đã khóc với nhân vật của mình khi có những đứa con hiếu hạnh, hy sinh vì mẹ. Nhưng cũng tự trách những nhân vật sao lại bất hiếu, vô tình với mẹ mình. Cải lương cũng chính là cuộc đời, người xem cải lương sẽ học hỏi hoặc loại bỏ những điều không hay để sống tốt đẹp hơn.
Anh Khôi
Bình luận (0)