Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thầy trò tự tin đưa môn âm nhạc lên sân khấu lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 30 học sinh lớp âm nhạc 10, Trường THPT Hùng Vương (quận 5) đã có buổi báo cáo kết quả học tập môn âm nhạc trong suốt học kỳ 1 trước hơn 3.000 học sinh và giáo viên toàn trường. Đây là lần đầu tiên âm nhạc được “đứng” trên sân khấu Trường THPT Hùng Vương với vai trò là môn học lựa chọn trong Chương trình GDPT 2018 ở khối 10 trong năm học này.


Lần đầu tiên, âm nhạc được đứng trên sân khấu với vai trò là một môn học

Thầy đàn piano, trò đàn ghi ta, hát hợp xướng, độc tấu piano đã mang đến không gian âm nhạc đậm đặc cùng sự mới mẻ cho buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần của trường.

Học và được thể hiện

Với tình yêu âm nhạc cổ điển, mong muốn trở thành một giáo viên âm nhạc cổ điển, Lê Phạm Mỹ Yến – học sinh lớp 10A18 đã tự tin trình diễn tiết mục độc tấu piano bản Sonata Số.10. Không gian gần gũi, Mỹ Yến đã chinh phục được học sinh toàn trường khi say sưa lắng nghe.

“Từ bậc THCS em đã có ước mơ sau này trở thành một giáo viên dạy âm nhạc cổ điển. Vì vậy, khi vào trường THPT, khi nhà trường tổ chức lớp âm nhạc là môn học lựa chọn, em và gia đình rất mừng. Không chỉ vậy, trong quá trình học, em và các bạn còn được thể hiện kết quả học tập trong môn học thông qua việc được nhà trường tạo các sân chơi, hoạt động giáo dục để chúng em được thể hiện, như chương trình Sách, Âm nhạc và Cookies… Khi việc học được gắn với định hướng nghề nghiệp, sở thích, được thể hiện năng lực của mình đã giúp chúng em học tập một cách nhẹ nhàng, hạnh phúc” – Mỹ Yến chia sẻ.


Lê Phạm Mỹ Yến say sưa thể hiện tiết mục độc tấu Piano

“Góp mặt” với vai trò là cây ghi ta trong buổi báo cáo, Phạm Huỳnh Tiến Thanh (học sinh lớp 10A18) khá tự tin thể hiện, phối hợp ăn ý với giáo viên. Lựa chọn học âm nhạc vì yêu thích, mong muốn việc học ở bậc THPT được nhẹ nhàng, Tiến Thanh cho biết, âm nhạc đã thực sự giúp kết nối bạn bè, giúp bản thân phát huy được năng khiếu, sở trường…

Thầy Phạm Hồng Sơn (giáo viên âm nhạc, Trường THPT Hùng Vương) cho biết, để “công diễn” trước toàn trường về kết quả học tập môn âm nhạc trong suốt học kỳ 1 năm học này, thầy trò mất 2 tuần để cùng chuẩn bị kịch bản và tập dượt. Buổi biểu diễn có hơn 30 học sinh tham gia trong tổng số 67 em đang chọn học âm nhạc.

“Vì là môn học mới, lại thiên nhiều về năng khiếu, nên trong lần biểu diễn đầu tiên giáo viên khuyến khích học sinh tự nguyện tham gia cũng như lựa chọn tiết mục biểu diễn. Thầy trò tranh thủ các giờ học trên lớp và thời gian trống để cùng tập luyện, để các em có sự tự tin nhất khi đứng trên sân khấu thể hiện kết quả học tập của mình trong môn học” – thầy Sơn chia sẻ.


Thầy Phạm Hồng Sơn cùng học sinh trên sân khấu

Theo thầy Phạm Hồng Sơn, dù là môn học góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh ở bậc THPT song khi giảng dạy âm nhạc, nếu giáo viên quá cứng về nhạc lý sẽ khiến học sinh cảm thấy nặng nề, khó tiếp cận, thậm chí gây ra tình trạng học sinh chuyển từ việc yêu thích môn học sang muốn chuyển học môn học khác.

“Đầu năm học khi vừa nhận lớp, tôi trò chuyện với riêng từng học sinh, tìm hiểu vì sao các em lựa chọn học âm nhạc. Kết quả, đa phần các em chọn học âm nhạc vì yêu thích, vì mong muốn học nhẹ nhàng, chỉ số ít các em ngay từ đầu chọn âm nhạc gắn với định hướng nghề nghiệp. Từ chính mong muốn của học sinh với môn học, việc giảng dạy của giáo viên cũng phải tiếp cận theo hướng cá thể hóa. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có sự hài hoà, làm sao vừa trang bị cho học sinh kiến thức, hiểu biết về âm nhạc nhưng phương pháp giảng dạy phải gắn với tâm lý lứa tuổi, tạo cho các em sự gần gũi, ham thích. Quan trọng hơn cả là khơi lên trong các em sự hứng thú thực sự với môn học, để có thể định hướng nghề nghiệp cho các em theo đuổi…” – thầy Phạm Hồng Sơn cho hay.

Nỗ lực lớn để đáp ứng tối đa nhu cầu học môn học lựa chọn của học sinh

Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên âm nhạc và mỹ thuật được Trường THPT Hùng Vương đưa vào giảng dạy ở khối 10. Trong năm đầu tổ chức, trường mở được 4 lớp âm nhạc và 4 lớp mỹ thuật. Riêng lớp âm nhạc có 67 học sinh lựa chọn học trong tổng số hơn 1.000 học sinh khối 10.


Phạm Huỳnh Tiến Thanh là "cây" ghita trong buổi báo cáo

Cô Trương Thị Bích Thủy – Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương cho hay, Chương trình GDPT 2018 bậc THPT với mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Vì vậy, khi đưa các môn nghệ thuật vào giảng dạy, trước hết nhà trường mong muốn đáp ứng tối đa nguyện vọng học các môn học lựa chọn của học sinh theo đúng mục tiêu mà chương trình hướng tới. Đồng thời, mở ra thêm môi trường, cơ hội học tập để học sinh được trải nghiệm, phát huy năng lực, qua đó giúp việc học trở nên nhẹ nhàng, thú vị…

Trong bối cảnh ngành giáo dục khó tuyển dụng giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, việc tổ chức được các lớp nghệ thuật trong trường THPT được xem là nỗ lực rất lớn của các nhà trường. Trên thực tế, đây là 2 môn học lựa chọn trong Chương trình GDPT 2018, học sinh được quyền lựa chọn học tập theo nhu cầu, sở thích, định hướng nghề nghiệp. Thế nhưng, không tuyển dụng được giáo viên nếu muốn mở lớp buộc các trường phải mời thỉnh giảng, hợp đồng, điều này đòi hỏi nhà trường phải cân đối nguồn chi để hài hoà với công tác giảng dạy. Bài toán khó này cũng là nguyên nhân khiến âm nhạc, mỹ thuật ít được các trường THPT mặm mà…

“Không có giáo viên cơ hữu, để đưa các bộ môn nghệ thuật vào giảng dạy theo chương trình mới, nhà trường phải mời giáo viên thỉnh giảng và cân đối các nguồn thu của trường để chi trả. Cạnh đó, nhà trường phải đầu tư thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh trong các bộ môn này, song không được phát sinh chi phí từ phụ huynh học sinh. Để làm được điều này, ngay từ đầu năm nhà trường phải thống nhất trong hội đồng sư phạm, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ, với mong muốn hướng tới quyền lợi của học sinh…”.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)