Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Vở ballet “Kiều” được vinh danh

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ với độ dài 70 phút, vở ballet "Kiều" đã tạo được yếu tố thăng hoa cho tác phẩm nghệ thuật sân khấu múa đương đại

Vở ballet "Kiều" do Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM dàn dựng vừa được vinh danh với giải A Giải thưởng Sáng tạo thành phố năm 2023. Giải thưởng Sáng tạo là giải thưởng do UBND TP HCM xét và trao tặng các tổ chức, cá nhân có công trình, giải pháp, tác phẩm, đề tài sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

Đại diện Hội đồng Giải thưởng Sáng tạo TP HCM 2023 nhận xét: "Vở ballet "Kiều" vừa bảo đảm tính nghệ thuật và nội dung của tác phẩm "Truyện Kiều" vừa đạt hiệu quả kinh tế, tính quảng bá cao. Suất diễn nào tại Nhà hát Thành phố cũng bán hết vé. Nhiều khán giả, trong đó có không ít du khách nước ngoài, muốn xem phải đặt vé trước cả tháng. "Kiều" còn là sự kết hợp sáng tạo giữa nghệ thuật múa đương đại với múa cổ truyền dân tộc, làm nên bức tranh đẹp cho một tác phẩm thi ca văn hóa của người Việt".

"Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác đồ sộ về ngôn từ (với 3.254 câu thơ lục bát). Theo những người trong cuộc, đây là lần đầu tiên "Truyện Kiều" được thể hiện bằng ngôn ngữ ballet song thạc sĩ – biên đạo múa Tuyết Minh đã không làm khán giả thất vọng. Chị đã vẽ nên một không gian đượm chất thơ, trữ tình và đầy hình tượng các nhân vật: Thúy Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, sư Giác Duyên… Khán giả đã hài lòng và thích thú khi được "hỷ, nộ, ái, ố" cùng ngôn ngữ múa trong vở ballet "Kiều".

Vở ballet Kiều được vinh danh - Ảnh 2.

Một cảnh trong vở ballet “Kiều”. Ảnh: Nhà hát giao hưởng nhac vũ kịch TP HCM

"Khi chọn ballet để kể về Kiều, bắt buộc diễn viên nữ phải thể hiện trên giày mũi cứng, diễn viên nam phải thể hiện được những kỹ thuật nền tảng của múa cổ điển châu Âu. Mặt khác, để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình, các diễn viên phải thấm nhuần văn hóa phương Đông, cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa người Việt" – biên đạo múa Tuyết Minh nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến từ các nhà chuyên môn đã đánh giá cao vở ballet "Kiều". Với 15 lớp diễn, "Kiều" đã kết hợp giữa ballet và hiệu ứng kỹ thuật hologram (trình chiếu) rất ấn tượng. Nhiều lớp diễn đã sử dụng âm nhạc trực tiếp, tạo hiệu ứng cao khi đặc tả chiều sâu tâm trạng nhân vật.

Từ năm 2003-2004, khi bắt đầu dựng các vở ballet như "Carmen", "Don Quixote", biên đạo múa Tuyết Minh đã ấp ủ thực hiện những vở diễn mang bản sắc Việt. Năm 2014, sau khi vở múa đương đại "Con tạo xoay" của mình được giới chuyên môn đánh giá cao và được công chúng đón nhận nồng nhiệt, chị đã quyết tâm giải mã "Truyện Kiều" bằng ngôn ngữ ballet.

Biên đạo múa Tuyết Minh xúc động: "Đến nay thì vở ballet "Kiều" đã trình làng, công diễn và được khán giả đón nhận. Thật tuyệt vời khi "Kiều" đã nhận được Giải thưởng Sáng tạo TP HCM 2023. Đây là niềm vinh dự, bởi quá trình lao động nghệ thuật của cả ê-kíp đã được ghi nhận".

Biên đạo múa Tuyết Minh cho biết mục tiêu sắp tới là chị sẽ mang vở ballet "Kiều" biểu diễn trên cả nước và nước ngoài.

“Khán giả nước ngoài đã quá quen với sự hoành tráng, sang trọng của các vở ballet kinh điển. Song, họ vẫn được chinh phục bởi “Kiều”, một tác phẩm ballet thuần Việt, qua sự kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật múa đương đại với múa cổ truyền dân tộc” – ông Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP HCM, tâm đắc.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Bình luận (0)