Gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến cho nhiều cuộc thi nhan sắc quốc tế. Từ đó, hình ảnh đất nước, con người được quảng bá rộng rãi với khán giả trên thế giới. Tuy nhiên để có thể tận dụng tốt hơn cơ hội quảng bá này, một số hạn chế trong việc tổ chức các cuộc thi cần được khắc phục.
Việt Nam – điểm đến mới
2 năm gần đây, số cuộc thi nhan sắc quốc tế tổ chức tại Việt Nam tăng vọt. Riêng trong năm nay, hàng loạt cuộc thi đã và sẽ diễn ra như: Hoa hậu Sắc đẹp quốc tế – Miss Charm (3/2023), Hoa hậu và Nam vương siêu mẫu thể hình thế giới – Miss & Mister Fitness Supermodel World (5/2023), Hoa hậu Hòa bình quốc tế – Miss Grand International (10/2023), Hoa hậu Trái đất – Miss Earth (12/2023), Hoa hậu Toàn cầu – Miss Global (dự kiến tháng 6/2023, nhưng hiện đã dời lịch), Hoa hậu Hoàn vũ quốc tế – Miss Cosmo…
Thí sinh Hoa hậu Du lịch thế giới 2022 trải nghiệm gói bánh chưng khi đến Phú Thọ. Ảnh do ban tổ chức cung cấp
Việt Nam được chọn làm điểm đến cho các cuộc thi quốc tế bởi nhiều yếu tố trong đó có yếu tố cộng đồng khán giả hâm mộ sắc đẹp tại Việt Nam khá lớn. Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 vẫn để lại nhiều ký ức đẹp trong lòng khán giả quốc tế bởi lịch trình thú vị, đêm chung kết mãn nhãn… Năm 2010 được xem là năm tổ chức hoành tráng, ấn tượng nhất nhì trong lịch sử hơn 20 năm của Hoa hậu Trái đất. Năm 2017, Việt Nam được bình chọn là quốc gia đăng cai tổ chức cuộc thi nhan sắc ấn tượng nhất với mùa giải của Hoa hậu Hòa bình quốc tế. Những thắng cảnh tươi đẹp, con người thân thiện, đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam đã đến với rất nhiều khán giả thế giới.
Các thí sinh từ Ukraine, Cộng hòa Séc, Anh, Úc dành nhiều lời khen ngợi cho ẩm thực, cảnh đẹp Việt Nam ngay cả khi cuộc thi đã kết thúc. Sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả cũng là điều khiến họ cảm kích. Một số người đẹp cho biết sẽ quay lại Việt Nam du lịch để có nhiều trải nghiệm hơn.
Nhiều hạn chế cần khắc phục
Cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước thông qua các cuộc thi nói trên là rất lớn. Tuy nhiên vẫn đang còn một số hạn chế trong khâu tổ chức khiến hiệu quả quảng bá không như kỳ vọng.
Hình ảnh thí sinh mặc áo tứ thân tham quan các danh lam thắng cảnh, chơi nhảy sạp tại Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2023 gây chú ý với khán giả quốc tế. Ảnh do ban tổ chức cung cấp
Với Hoa hậu Du lịch thế giới, BTC đề ra mục tiêu hàng đầu là quảng bá du lịch Việt Nam. Khi đi qua các danh lam, di tích…, thí sinh được yêu cầu phải thực hiện video để quảng bá, chia sẻ cảm nhận để lan tỏa hình ảnh. Tuy nhiên video thu về không nhiều và cũng không có nhiều video chất lượng nên hiệu ứng lan tỏa chưa tốt. Khâu tổ chức cũng chưa quy củ, chuyên nghiệp, lịch trình thay đổi lộn xộn.
Ở Hoa hậu Sắc đẹp quốc tế, BTC cũng hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy hình ảnh du lịch Việt Nam. Thế nhưng cuộc thi chỉ kéo dài 12 ngày, các hoạt động bị bó buộc chỉ ở resort, khách sạn. Khâu tổ chức cũng bị phàn nàn thiếu chuyên nghiệp. BTC từng cho biết sau đăng quang, top 3 sẽ ở lại Việt Nam để tiếp tục quảng bá hình ảnh đất nước. Thế nhưng trừ một số hoạt động trình diễn, BTC và các cô gái vẫn chưa có hoạt động quảng bá thiết thực, hữu hiệu nào. Điểm chung ở 2 sân chơi này là công tác truyền thông còn kém, chưa tận dụng được sức mạnh của mạng xã hội.
Đạo diễn Hoàng Nhật Nam – đại diện Công ty Sen Vàng, đơn vị phối hợp tổ chức Hoa hậu Hòa bình quốc tế – cho biết, có nhiều khó khăn trong hoạt động quảng bá như kinh phí, nhân sự, sự khác biệt tư duy, quan điểm làm việc, áp lực từ sự kỳ vọng của khán giả…
Để công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thực sự hiệu quả, yếu tố quan trọng nhất là tư duy và năng lực của đơn vị tổ chức. Bên cạnh đó, theo đạo diễn Hoàng Nhật Nam, rất cần có sự đồng hành của các doanh nghiệp, thương hiệu, nhà thiết kế, sự hỗ trợ của các địa phương. Một sự liên kết như vậy cộng với sự đầu tư về chất xám, thời gian, công sức nghiêm túc mới có thể làm tốt việc tận dụng cơ hội quảng bá hình ảnh Việt Nam từ các cuộc thi nhan sắc quốc tế lớn.
Theo Trung Sơn/PNO
Bình luận (0)