Tình trạng vắng bóng phim điện ảnh Việt trong 3 tháng qua sắp chấm dứt khi nhiều tác phẩm công bố lịch phát hành trong hè này.
Doanh thu phim Việt nửa đầu năm 2023: Hơn 1.000 tỉ đồng
Từ đầu năm 2023 đến nay, dù phim Việt lập kỷ lục với tổng doanh thu lên đến hơn 1.000 tỉ đồng, số lượng phim Việt ra rạp lại thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số phim ra mắt trong 5 tháng đầu năm là 10 tác phẩm, gồm 8 dự án điện ảnh và 2 phim tài liệu: Nhà bà Nữ, Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầy, Khi ta hai lăm, Biệt đội rất ổn, Con Nhót mót chồng, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Vong nhi, Tri âm the Movie: Người giữ thời gian, Những đứa trẻ trong sương. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2022, có hơn 24 tác phẩm được phát hành phục vụ khán giả.
Đã gần 3 tháng kể từ sau khi Lật mặt 6 công chiếu, phim Việt hoàn toàn biến mất tại rạp, nhường lại sự thống trị cho các bom tấn ngoại như Fast & Furious 10, Transformers: Quái thú trỗi dậy, Vệ binh dải Ngân Hà 3, Flash, Nàng tiên cá... Tiền lệ này chưa từng xuất hiện kể từ khi điện ảnh Việt bắt đầu phát triển.
Doanh thu gần 260 tỉ đồng của Lật mặt 6 và 460 tỉ đồng của Nhà bà Nữ (ảnh) góp phần giúp điện ảnh Việt thu về gần 1.000 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2023. Ảnh: Poster phim
Hàng chục lời lý giải, phân tích, đánh giá được đưa ra nhưng tựu chung lại vẫn chỉ có một kiến giải lớn nhất: "sợ lỗ". Điện ảnh không chỉ là một cuộc chơi nghệ thuật mà đã trở thành một hoạt động đầu tư, đã là đầu tư phải tính toán đến lợi nhuận, phải tính "điểm rơi" chính xác.
Khác với những hình thức đầu tư khác, sản xuất phim là một canh bạc được ăn cả, ngã về không. Nếu thắng lớn, nhà sản xuất sẽ được cả tiền bạc lẫn danh tiếng. Nếu hòa vốn, họ mất đi công sức lao động cả năm trời. Nếu lỗ, thứ họ phải đánh đổi không phải chỉ là vài chục tỉ, mà là uy tín với khán giả, với đối tác, các nhà đầu tư khác và đôi khi là cơ hội để thực hiện các dự án tiếp theo.
Thị hiếu khán giả thay đổi liên tục và càng khắt khe hơn với lựa chọn trải nghiệm thị giác của mình. Tâm lý "cảnh giác" của người xem với phim Việt khiến cho doanh thu phòng vé cũng phân cực rõ ràng. Những bộ phim chỉn chu, có sự đầu tư về nội dung và hình ảnh, đáp ứng được thị hiếu của người xem cùng một chiến lược marketing hợp lý sẽ bùng nổ doanh thu, đối ngược với những bộ phim làng nhàng, lỗi thời sẽ nhận lại sự thờ ơ của khán giả và truyền thông.
Anh Ngô Thanh Phong, quản lý fanpage Cuồng Phim, cho rằng: "Khán giả ngày càng khắt khe hơn với phim Việt đến từ việc kịch bản thiếu đột phá, một vài thể loại cứ liên tục lặp lại hết phim này đến phim khác khiến khán giả mất hứng thú".
Thêm vào đó, chị Thanh Ngô, đại diện tại Việt Nam của nhà sản xuất Pháp The Ghost City nhận định: "Trung bình một bộ phim mất từ 1-2 năm để hoàn thành. Dịch Covid-19 đã kéo dài quá trình sản xuất của phim Việt, nhiều dự án bị hoãn, dời lịch quay và hậu kỳ, thiếu hụt vốn do các nhà đầu tư rút lui. Kể cả khi dịch kết thúc, các nhà sản xuất cũng rơi vào tâm thế hoang mang khi thói quen và nhu cầu xem phim tại rạp của khán giả thay đổi, phần lớn họ bắt đầu chuyển sang các nền tảng xem phim trực tuyến tại nhà như Netflix…".
Phim Việt ráo riết quay lại đường đua phòng vé
Fanti mang đến màu sắc trẻ trung. Ảnh: Poster phim
"Năm 2023 đã chứng kiến sự bùng nổ doanh thu phim Việt trong 2 quý đầu năm. Sau mùa phim hè tạm nhường sân chơi cho phim ngoại, các bộ phim Việt đang có sự chuẩn bị ráo riết để quay lại đường đua và chắc chắn sẽ đóng góp rất lớn cho doanh thu phòng vé nửa cuối năm 2023 này", chị Lê Ngọc Trân – Trưởng phòng Marketing Lotte Entertainment Việt Nam chia sẻ
Fanti (đạo diễn Andy Nguyễn) vừa công bố khởi chiếu vào ngày 28.7, chấm dứt chuỗi ngày thiếu vắng phim Việt trên màn ảnh rộng.
Phát súng đầu tiên của Fanti cũng khiến những nhà sản xuất khác đứng ngồi không yên, rục rịch chuẩn bị đưa tác phẩm của mình "lên sàn" như Bên trong vỏ kén vàng (Phạm Thiên Ân) vào ngày 21.8, Live – #PhátTrựcTiếp (Khương Ngọc) vào ngày 15.9 cùng các dự án Người vợ cuối cùng (Victor Vũ), Người mặt trời (Timothy Linh Bùi).
Liệu chăng sự trở lại của phim Việt trên đường đua phòng vé có phải là tín hiệu cho sự phục hồi mạnh mẽ của điện ảnh Việt khi mà cận kề ngày phát hành, các hoạt động quảng bá của những bộ phim trên đều chưa tạo được hiệu ứng bùng nổ với người xem. Những khán giả đam mê điện ảnh vẫn dành sự ưu ái nhất định đối với phim Việt và không ngừng kỳ vọng về những bộ phim "made in Việt Nam" chỉn chu, chất lượng.
Hy vọng thời gian "ngủ đông" chưa từng có tiền lệ này sẽ giúp các nhà sản xuất, nhà làm phim có cơ hội chuẩn bị cho những dự án phim tiếp theo đáp ứng được mong đợi của khán giả.
Theo Ngân Tuyết/TNO
Bình luận (0)