Trong nỗ lực đưa văn hóa truyền thống đến học sinh, các trường học tại TP.HCM đã triển khai đa dạng nhiều hình thức giáo dục nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ (là phòng học Không gian văn hóa Hồ Chí Minh) giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh
Đa dạng hoạt động giáo dục truyền thống
Gói bánh chưng, múa sạp, viết thư pháp, đấu vật… là các hoạt động trải nghiệm độc đáo của học sinh Trường THPT Hùng Vương (Q.5) trong Ngày hội giáo dục trải nghiệm nội dung giáo dục địa phương được nhà trường tổ chức mới đây. Nhiều học sinh bày tỏ sự thích thú, ấn tượng khi lần đầu tiên được trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống, được “đã mắt” với các màn trình diễn trang phục dân tộc, qua đó có thêm những hiểu biết về kiến thức văn hóa lịch sử dân tộc một cách nhẹ nhàng. “Lần đầu tiên em được gói bánh chưng và tham gia vào nhiều trò chơi dân gian tại trường, em cảm thấy rất thú vị. Các kiến thức về lịch sử, văn hóa được tái hiện một cách đơn giản, dễ hiểu qua mỗi trải nghiệm của bản thân, giúp việc học không còn nhàm chán mà ngược lại vô cùng thú vị”, Bảo Trân (một học sinh lớp 10 của trường) chia sẻ.
Góp mặt trong ngày hội với nhiều gian hàng trò chơi như hò kéo pháo, theo dòng lịch sử, triển lãm triều đại Hùng Vương, những kiến thức lịch sử đã được các giáo viên trong Tổ lịch sử Trường THPT Hùng Vương tái hiện một cách sinh động, đa dạng, nhận được sự tham gia đông đảo, đầy hào hứng của các em học sinh. Cô La Thị Trúc Phương (Tổ trưởng Tổ lịch sử nhà trường) phấn khởi chia sẻ, đây chính là cách các thầy cô trong tổ bộ môn “kéo” học sinh đến với môn học, yêu thích lịch sử hơn, thấy môn lịch sử đầy ý nghĩa chứ không phải chỉ là những con số ngày tháng, thông tin khô khan… “Các trò chơi trong ngày hội đã đưa lịch sử đến gần với học sinh qua việc được vui chơi, trải nghiệm, làm việc nhóm, từng chút một giúp các em ham thích hơn môn học. Đây cũng là cách để nhà trường và giáo viên bộ môn giáo dục truyền thống cho học sinh, hướng các em đến những giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập ngày nay”, cô La Thị Trúc Phương bày tỏ.
Một hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1)
Nội dung giáo dục truyền thống cũng được Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) đẩy mạnh trong năm học này với nhiều hình thức đa dạng. Đặc biệt, nhà trường dành riêng những tiết học tổ chức tại phòng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Nơi đây được thầy và trò nhà trường thiết kế trang trọng như một Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ, tác động mạnh mẽ đến giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho học sinh nhà trường. Cô Hoàng Thị Hảo (Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây) cho hay, từ đầu năm học đến nay đã có hàng trăm tiết học được tổ chức ở phòng học Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ tại trường. Các bộ môn thường xuyên được giáo viên thiết kế tiết học tại đây như lịch sử, địa lý, ngữ văn, giáo dục công dân, nội dung giáo dục địa phương (khối 10). Việc đổi mới hình thức tổ chức dạy học không chỉ “khoác áo mới” cho các tiết học mà quan trọng hơn cả là nâng cao nhận thức cho học sinh về các giá trị lịch sử, truyền thống, gắn việc học đi đôi với hành. “Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ là một phòng học với nhiều tư liệu, mô hình tái hiện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các nội dung này được thiết kế theo 5 chủ đề trụ cột, ở mỗi chủ đề các tổ bộ môn đều thiết kế thành các mã QR để học sinh tích hợp trong quá trình học trên lớp thông qua điện thoại thông minh. Qua cách học này, việc đổi mới không gian lớp học đã được các giáo viên tổ chức thường xuyên hơn, mang đến cho học sinh những tiết học thú vị, nâng cao hiệu quả giáo dục”, cô Hoàng Thị Hảo đánh giá.
Đưa thiết chế văn hóa nhà trường vào mục tiêu giáo dục
Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) vừa “thay áo mới” cho các dãy nhà trong khuôn viên trường. Thay vì gọi tên khu nhà A, B, C, D như trước đây, nay được nhà trường đổi thành các khu Vạn Xuân, Tây Sơn, Bạch Đằng, Diên Hồng – tên các địa danh, chiến tích lẫy lừng trong lịch sử xây dựng và gìn giữ đất nước, qua đó gửi gắm thông điệp hết sức ý nghĩa và nhân văn là dù sống trong bối cảnh đất nước thanh bình nhưng các thế hệ trẻ không được quên xương máu ông cha đã đổ xuống. Từ đó, các em học sinh biết trân trọng cuộc sống hiện tại, sống và học tập xứng đáng với trách nhiệm của thế hệ tương lai của đất nước.
Giáo viên và học sinh Trường THPT Hùng Vương (Q.5) gói bánh chưng trong Ngày hội giáo dục trải nghiệm nội dung giáo dục địa phương
Không chỉ “thay áo mới” cho các dãy nhà, những tên gọi mới này còn được nhà trường trực tiếp đưa vào nội dung giáo dục, rèn luyện cho học sinh trong các tiết sinh hoạt chào cờ đầu tuần, sinh hoạt chủ nhiệm, tiết giáo dục công dân, lịch sử, bao gồm cả kiểm tra, đánh giá. Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) nhìn nhận, trong đổi mới giáo dục, các thiết chế văn hóa nhà trường có vai trò quan trọng, giúp việc đổi mới của giáo viên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Do đó, việc đưa các thiết chế văn hóa nhà trường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục sẽ khiến học sinh cảm thấy thú vị khi học tập, các em đến trường mỗi ngày đều là một ngày vui khi các hoạt động giáo dục được đổi mới một cách nhẹ nhàng, gắn liền với các hoạt động giáo dục thường ngày của học sinh.
Trong khi đó, thầy Dương Hoài Bảo (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương) cho rằng, khi thiết kế các hoạt động giáo dục gắn với các thiết chế văn hóa nhà trường là cách nhà trường “thổi làn gió mới” trong đổi mới giáo dục. Bằng cách này, học sinh hào hứng hơn trong học tập, trong việc tiếp cận các nội dung giáo dục, từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)