Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cấp thiết bảo vệ thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng

Tạp Chí Giáo Dục

Nằm trên địa phận thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận), thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng được ví như một ốc đảo xanh giữa “tiểu sa mạc” với những đồi cát trắng tuyệt đẹp, thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước. Vậy nhưng, theo phản ánh của bạn đọc, thắng cảnh này hiện đang đối mặt với nhiều mối nguy.
Thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng bất ngờ bị sạt lở nghiêm trọng
Sạt lở, biến dạng hình hài
Mới đây, tại vị trí cuối đuôi Bàu Bà (thắng cảnh Bàu Trắng có 2 bàu nước, gồm Bàu Ông và Bàu Bà) về hướng Đông Nam, đoạn tiếp giáp giữa bờ hồ Bàu Bà và chân đồi cát Trinh Nữ bất ngờ xảy ra sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 80m, chiều ngang nước lấn vào đồi cát khoảng 25m.
Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở này chưa từng xảy ra trong những năm trước đây. Không chỉ vậy, từ nhiều năm nay, tại Khu du lịch Bàu Trắng, hoạt động khai thác du lịch có sự tiếp tay thô bạo của con người và máy móc diễn ra rầm rộ, thiếu kiểm soát đang khiến danh thắng này bị biến dạng từng ngày.
Tại đồi cát Trinh Nữ, nơi được xem là “trái tim” của thắng cảnh Bàu Trắng, hàng chục xe địa hình của các cơ sở kinh doanh chở theo khách du lịch cứ lao đi vun vút, xé toạc những dải cát có hình hài tuyệt đẹp được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Không chỉ xe Jeep, xe địa hình hoạt động tràn lan, tình trạng cho khách du lịch thuê ván trượt cát không được quy hoạch phù hợp đã khiến những đồi cát vốn được hình thành từ những cơn gió đẹp như tranh vẽ dần bị san phẳng, biến dạng, nham nhở.
Ông Lê Tiến Trung (79 tuổi, người dân huyện Bắc Bình) cho hay: “Nhờ những cơn gió, cát trên đồi cát Trinh Nữ luôn thay đổi hình dạng, tạo những đường cong uyển chuyển, những đụn cát cũ lấp đi thì đụn cát mới hình thành, trông rất đẹp. Vậy nhưng nhiều năm qua, các hoạt động thô bạo của con người đã làm biến dạng rất nhiều, không còn nét sắc sảo như trước đây”.
Đại diện UBND huyện Bắc Bình cho biết, tại Khu du lịch Bàu Trắng hiện có 4 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, cho thuê xe mô tô, ô tô… Vậy nhưng, việc đầu tư kinh doanh dịch vụ còn mang tính tự phát, hầu hết xe địa hình của các cơ sở kinh doanh chưa có giấy phép hoạt động trên đồi cát Trinh Nữ. Bên cạnh đó, công tác quản lý nơi đây cũng còn hạn chế; tình hình vệ sinh môi trường, hoạt động của xe địa hình, trượt ván còn nhiều bất cập.
Tìm giải pháp bảo vệ
Đến nay, sự cố sạt lở và sự biến dạng của các đụn cát tại thắng cảnh Bàu Trắng vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính thức, nhưng theo một số chuyên gia, thời gian qua, nhiều yếu tố thiên nhiên, con người đã làm ảnh hưởng đến những đồi cát tự nhiên. Trong đó, ngoài vấn đề rác thải sinh hoạt, kinh doanh làm mất mỹ quan, các hình thức thể thao trên cát được cho là làm tăng độ nén đất tầng mặt, cát sẽ không thể di chuyển được theo gió, làm mai một cảnh đẹp tự nhiên vốn có; việc đưa xe trọng tải vào hoạt động tại đồi cát chưa được tính toán dẫn đến nguy cơ làm gia tăng tình trạng cát lấp đáy hồ, làm biến dạng cảnh quan tự nhiên.
Theo TS Đinh Kiệm, nguyên Trưởng khoa Quản lý nguồn nhân lực Trường Đại học Lao động – Xã hội (cơ sở II) TPHCM, Bàu Trắng là quần thể tự nhiên dễ bị tác động bởi thiên nhiên và con người. Do đó, địa phương cần quản lý chặt chẽ và có chính sách cụ thể hơn để kiểm tra, kiểm soát, giám sát, từ đó đưa việc khai thác đi vào đúng quỹ đạo và bền vững.
Ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Thuận, thông tin: “Hoạt động kinh doanh xe địa hình ở Bàu Trắng đã làm biến dạng hình hài tự nhiên vốn có của các đồi cát. Do vậy, trước mắt ngành du lịch địa phương đã kiến nghị các đơn vị liên quan không cho các loại xe địa hình hoạt động cách vị trí sạt lở 100m để chờ ý kiến của các bên liên quan”.
Nhằm tìm hướng giải quyết hợp lý để gìn giữ, tôn tạo, phát huy các giá trị danh thắng quốc gia gắn kết với phát triển du lịch bền vững, Sở KH-CN tỉnh Bình Thuận vừa báo cáo UBND tỉnh về việc kiểm tra, khảo sát thực tế, đồng thời đề xuất phương án xử lý phòng chống sạt lở tại thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng. Sản phẩm chính của đề tài dự kiến có báo cáo khoa học về các nguyên nhân gây sạt lở bờ khu vực hồ Bàu Trắng, đề xuất giải pháp bảo vệ bờ hồ, đảm bảo cảnh quan môi trường phục vụ du lịch tại thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng.
Trước đây, năm 2012, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định phê duyệt phương án quản lý điểm du lịch sinh thái Bàu Trắng. Trong đó, ưu tiên tập trung khai thác các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái, chú ý sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường tự nhiên, hạn chế sử dụng động cơ; phân định rõ từng khu vực trên đồi cát; không tổ chức các hoạt động dã ngoại bằng xe ô tô vào khu vực chính của đồi cát nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động xấu đến cảnh quan… Thế nhưng, thực tế diễn ra trong hơn 10 năm qua đang đi ngược lại với quy định. Do đó, địa phương cần sớm có giải pháp để giảm thiểu sự tác động đến thắng cảnh tuyệt đẹp này.
NGUYỄN TIẾN (theo SGGP)

Bình luận (0)