Hội nhậpThế giới 24h

Khu vực đồng euro chính thức suy thoái

Tạp Chí Giáo Dục

Nền kinh tế khu vực đồng euro chính thức rơi vào suy thoái do giá lương thực và năng lượng tăng cao ảnh hưởng đến chi tiêu hộ gia đình.
Khu vực đồng euro rơi vào suy thoái trong quý 1 năm 2023.
Tờ Wall Street Journal đưa tin, ngày 8.6, Eurostat – cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu EU – cho biết GDP của các quốc gia dùng chung đồng euro đã giảm 0,4% trong quý 1 năm 2023, sau khi cũng giảm trong quý 4 năm 2022.
Eurostat trước đây đã ước tính rằng nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng trưởng nhẹ trong quý 1, nhưng những thay đổi lớn đối với dữ liệu từ Đức và Ireland khiến dự báo bị đảo ngược.
Khu vực đồng euro (Eurozone) có sản lượng sụt giảm trong hai quý liên tiếp, có nghĩa là, theo định nghĩa chính thức về suy thoái kinh tế thì khu vực đồng tiền chung châu Âu đã suy thoái.
Các nhà kinh tế kì vọng Eurozone sẽ tăng trưởng trong quý 2 khi hóa đơn năng lượng giảm, giúp giảm bớt áp lực lên ngân sách hộ gia đình.
Ngày 7.6, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ tăng trưởng 0,9% trong năm nay, gần bằng một nửa so với nền kinh tế Mỹ.
Trong khi giá năng lượng đã trở lại bình thường từ mức cao nhất vào năm 2022, song giá lương thực tiếp tục tăng nhanh, làm suy yếu chi tiêu của hộ gia đình đối với các hàng hóa và dịch vụ khác.
Chi phí vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp tăng lên khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất hàng loạt, bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái, tác động đến hệ thống tài chính của khu vực đồng euro. Lực cản với tăng trưởng từ nguồn này có thể sẽ tăng lên trong những tháng tới, với việc ECB báo hiệu sẽ tăng lãi suất cơ bản trong cuộc họp thứ tám liên tiếp vào tuần tới.
Isabel Schnabel – nhà hoạch định chính sách của ECB – cho biết: “Lạm phát cơ bản đạt đỉnh sẽ không đủ để tuyên bố chiến thắng: chúng ta cần thấy bằng chứng thuyết phục rằng lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% một cách bền vững và kịp thời. Chúng ta vẫn chưa đạt đến điểm đó”.
OECD dự kiến lạm phát khu vực đồng euro sẽ giảm xuống 5,8% trong năm nay từ mức 8,4% vào năm 2022, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu của ECB là 3,2% vào năm 2024.
Một lí do khiến khu vực đồng euro rơi vào suy thoái là Ireland – nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực – đã sụt giảm tới 44,7% sản lượng của nhà máy trong tháng 3, có thể là do các công ty dược phẩm Mỹ hoạt động tại quốc gia này. Điều đó khiến GDP của Ireland giảm 17,3% trong quý 1.
Một lo lắng nghiêm trọng hơn đối với các nhà hoạch định chính sách là Đức – thành viên lớn nhất của khu vực đồng euro – cũng bước vào suy thoái trong quý 1.
Trong khi đó, Pháp, Italy và Tây Ban Nha – các nền kinh tế lớn khác của khu vực đồng euro – đều tăng trưởng.
Hoạt động kinh tế yếu kém của khu vực đồng euro từ đầu năm đến nay phần nào phản ánh cái giá phải trả cho xung đột Nga – Ukraina. Nền kinh tế Nga đã giảm 2% vào năm ngoái và OECD dự đoán sẽ giảm thêm 1,5% trong năm nay và 0,4% vào năm 2024.
Nền kinh tế Ukraina giảm 1/3 trong năm 2022 và có khả năng bị thiệt hại thêm sau khi đập thủy điện ở Kherson bị vỡ hôm 6.6.
Ở Mỹ, không giống như ở châu Âu, thị trường việc làm phải suy yếu trước khi tuyên bố suy thoái. Điều đó vẫn chưa xảy ra ở khu vực đồng euro, khi việc làm tăng 0,6% trong quý 1.
PV (theo laodong)

Bình luận (0)