Rời bản làng vùng cao về phố theo học đại học, ngày tốt nghiệp, chàng trai xóm núi Riáh Dung đã mang theo về kiến thức mình học được để chung tay xây dựng bản làng. Gần 3 năm trong vai trò Bí thư Đoàn xã Gari (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), Riáh Dung đã để lại nhiều dấu ấn trong việc vận động bà con mở đường giao thông, xây dựng cuộc sống mới ở vùng tái định cư và phát triển kinh tế từ cây cam bản địa.
Riáh Dung thu hoạch cam Tây Giang trong dự án “Du lịch sinh thái gắn với cam Tây Giang”
Mùa cam ngọt miền biên
Riáh Dung sinh ra và lớn lên ở Gari – vùng đất giáp biên giới Việt – Lào có địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt. Đời sống của đồng bào thiểu số ở Gari gặp nhiều khó khăn, hầu như chỉ phụ thuộc vào cây lúa, cây ngô trên rẫy. Giống cây ăn quả bám rễ lâu nhất ở vùng đất này là cam. Riáh Dung bảo, cây cam truyền thống ở Gari sống rất lâu năm, cây khỏe và quả ngọt. Dù vậy, loài cây này chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao, chủ yếu bà con trồng để ăn và làm quà.
Tốt nghiệp đại học ngành sư phạm tiểu học, Riáh Dung rẽ hướng làm công tác Đoàn. “Không theo học nông lâm nhưng tôi vẫn luôn trăn trở và mong muốn làm sao để kinh tế quê mình phát triển hơn. Đặc biệt là làm sao để cây cam đặc trưng của quê mình có thể mang lại thu nhập cho bà con. Năm 2019, khi đang công tác ở Huyện đoàn Tây Giang, tôi đưa ra ý tưởng xây dựng dự án “Du lịch sinh thái gắn kết cam bản địa Tây Giang”, được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Từ đó, tôi bắt tay vào việc phát triển dự án của mình”, Riáh Dung chia sẻ.
Cuối năm 2020, Riáh Dung đảm nhiệm vị trí Bí thư Đoàn xã Gari. Dự án phát triển cây cam bắt đầu từ đó. Riáh Dung kể: “Muốn bà con làm theo, trước hết mình phải làm gương. Dồn hết sức lực, tôi mở rộng vườn cam dần lên gần 10ha. Cũng có nhiều khó khăn bước đầu, từ vốn đến kinh nghiệm. Vượt qua những rào cản đó, giống cam gốc bản địa nên không mất thời gian thích nghi, vì thế nhanh chóng cho thu hoạch. Canh tác theo đúng quy trình kỹ thuật nên cam ngọt và nhiều trái”. Khi mô hình của Riáh Dung cho hiệu quả, nhiều đoàn viên và bà con nông dân trong xã bắt đầu học hỏi kinh nghiệm, làm theo.
Riáh Dung khởi nghiệp từ giống cam bản địa Tây Giang
Riáh Dung chia sẻ: “Tuổi trẻ tôi nghĩ cần phải dám dấn thân, nỗ lực trải nghiệm và vượt qua những khó khăn, hướng đến những điều tốt đẹp. Là một người con của mảnh đất Gari, tôi muốn góp sức mình làm những điều mang lại lợi ích, giúp bà con quê mình cải thiện đời sống. Làm được những điều có ý nghĩa cho quê hương, tôi thấy vui và hạnh phúc”. |
Ngoài 70 tuổi, ông Riáh Nhóot phấn khởi khi trồng cam theo hướng dẫn kỹ thuật của Riáh Dung. “Lâu nay bà con ở Gari chỉ trồng vài gốc cam ngoài vườn để ăn giải nhiệt. Được mùa thì cũng chủ yếu mang biếu bà con, mang ra chợ bán với giá rẻ. Nay có kỹ thuật, mở rộng vườn cam rồi nhiều du khách tìm đến mua nên không lo khâu bán quả nữa. Cam còn được giá nên bà con ai cũng phấn khởi”, ông Ríah Nhóot vui vẻ cho biết.
Theo Riáh Dung, toàn xã có khoảng 45ha cam trồng theo mô hình dự án, mỗi mùa thu hoạch hàng chục tấn. Cam được bà con bán vào các siêu thị mini và nhiều du khách tìm mua. Dự án đang hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái. Tuy nhiên, bước đầu Riáh Dung đang hướng dẫn thanh niên và bà con trong xã mở rộng diện tích trồng gắn mới mô hình vườn – ao – chuồng. Thời gian tới, khi vườn cam trưởng thành, việc phát triển du lịch sinh thái sẽ được chú trọng để thu hút du khách trải nghiệm và mua cam của bà con.
Đâu khó có Riáh Dung
Gần 3 năm trên cương vị Bí thư Đoàn xã Gari, Riáh Dung để lại nhiều dấu ấn. Năm 2021, xã Gari đang thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư khu vực miền núi trên địa bàn tỉnh. Riáh Dung cùng Đoàn Thanh niên xã tiên phong, đi đầu trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ bà con di dời nhà cửa về nơi ở mới. Màu áo xanh thanh niên và Riáh Dung có mặt ở mọi nơi, chia sẻ những công việc nặng nhọc giúp bà con.
Vẻ đẹp bản làng ở xã Gari
Nhận thấy bà con không có đường đi vào các khu sản xuất, Riáh Dung cùng với địa phương đã vận động bà con hưởng ứng chủ trương cho mở đường. Tròn 2 năm trời ròng rã, vượt qua nhiều vướng mắc và hoài nghi, 10km đường đã được mở tạo điều kiện đi lại và lưu thông hàng hóa cho người dân. “Không kể hết những khó khăn của ngày đầu khi bắt tay thực hiện vận động bà con. Để bà con tin tưởng mình không phải là chuyện dễ, đôi khi việc làm tốt của mình còn bị hoài nghi. Những lúc như vậy tôi cũng có chút chạnh lòng nhưng rồi cứ nghĩ đến lợi ích chung để vượt qua. Bây giờ đường được mở, cấp trên đang có chủ trương chỉnh trang toàn bộ nội đồng hơn 45ha với nguồn lực đầu tư rất lớn, tôi cũng như bà con rất vui. Hy vọng, sự đầu tư này sẽ góp phần thay đổi diện mạo quê hương, giúp bà con cải thiện đời sống tốt hơn”, Riáh Dung chia sẻ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Riáh Dung kết nối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, đầu tư nhiều chương trình, công trình phúc lợi, an sinh xã hội cho bà con nhân dân xã Gari với tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng, như: Hệ thống “Chiếu sáng xã Gari” với hơn 200 đèn năng lượng mặt trời; giải phóng đầu ra các mặt hàng nông sản sạch của bà con; tặng học bổng cho các em học sinh, sinh viên; trao sinh kế và nhiều phần quà giá trị khác… Ghi nhận sự đóng góp đầy nhiệt huyết đó, năm 2023, Riáh Dung vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lý Tự Trọng, nhằm tôn vinh gương cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc.
Phan Lệ
Bình luận (0)