Không phải đến khi sự việc lùm xùm của NSƯT Xuân Bắc quanh một bài viết trên mạng xã hội của anh bị dư luận lên án gay gắt, mà từ nhiều năm nay, khán giả vẫn luôn quan tâm đến chương trình hài kịch Gặp nhau cuối năm, hay còn gọi là Táo quân trong đêm 30 Tết Nguyên đán trên đài truyền hình.
Táo quân cũng đã tròn vai sau 20 năm có mặt trên sóng truyền hình quốc gia vào đêm giao thừa
Ở tuổi 20, người thì khen rằng chương trình đã điểm mặt, chỉ tên nhiều vấn đề “nóng”, rằng cười đó nhưng ngẫm lại thấy “đau”… và tất nhiên, không ít lời chỉ trích rằng Táo nhạt, Táo nhảm… Bên nào cũng có cái lý của mình và việc khen chê này cũng không còn mới, bởi chương trình đã kéo dài đến 20 năm.
Có thể nói, hiếm có chương trình nào không phải truyền hình trực tiếp mà vẫn thu hút và tạo được sự trông đợi của khán giả đến như thế. Trước giờ lên sóng, người người, thậm chí có lúc là ngành ngành, ngóng đợi xem Táo quân năm nay có gì, có “động” tới chuyện của mình không… Có những năm, vé mời khán giả xem ghi hình chương trình này được săn đón tới mức các “phe vé” đẩy lên tới cả chục triệu đồng/vé. Tất nhiên, cái gì được kỳ vọng nhiều thì cũng dễ gây thất vọng, đó cũng là chuyện dễ hiểu. Việc được yêu quý hay ghét bỏ cũng đều gia tăng sức ép cho những người làm chương trình.
Công bằng nhìn nhận, Táo quân những năm gần đây đã không còn hấp dẫn và lan tỏa mạnh mẽ như giai đoạn 2008-2011. Đây là thời kỳ đỉnh cao của Táo quân với nội dung kịch bản sinh động, áp dụng nhiều hình thức mới mẻ như Hoa Táo, Táo Idol. Dàn diễn viên diễn xuất màu sắc và có lẽ đó cũng là đỉnh cao phong độ của các nghệ sĩ; nhiều bản nhạc chế ấn tượng, đến nay vẫn được khán giả nhớ tới. Nhưng sau thời đỉnh cao, Táo quân những năm sau đó liên tiếp chững lại. Số lượng những câu nói “bất hủ”, gây bão giảm dần, chương trình đi vào lối mòn. Cũng vì sức ép ấy, đã có năm Táo quân của VTV nói lời từ biệt và thay thế vào đó là một chương trình khác với mong muốn sử dụng một mô típ khác để tránh đi sự đơn điệu trong cách thể hiện. Nhưng rồi vòng đi, vòng lại, Táo lại hoàn Táo. Phần là do nhu cầu của công chúng về một chương trình hài hước giải trí trong buổi tối cuối năm, phần nữa là do nhà đài cũng chưa có được giải pháp “lấp chỗ trống” phù hợp.
Khi Táo quân trở lại, làn sóng chỉ trích lại tiếp tục mạnh mẽ hơn, vì cho rằng Táo đã “né tránh”, không dám đả kích sâu cay nhiều thói hư tật xấu của xã hội vì sợ đụng chạm… Ê kíp làm chương trình cũng đã nhiều lần lên tiếng phân trần rằng, Táo quân là một chương trình văn hóa nghệ thuật chứ không phải là chương trình chính luận. Rằng có nhiều những vấn đề rất hay, chưa chắc nên nói; ngược lại có cách thể hiện hay, nhưng lại chưa chắc đã phù hợp với sân khấu truyền hình. Nhiều năm chương trình gặp khó trong việc cân bằng giữa tính chính luận sâu sắc, với chất hài để tạo ra tiếng cười cho khán giả. Nặng chính luận thì khó cười, trong khi quá giải trí lại dễ bị chê nhảm. Song điều đó không ngăn cản được sự trông đợi và kỳ vọng của khán giả về chương trình như một bản tổng kết “đả phá” những vấn đề tiêu cực của các bộ, ngành…
Đã có lúc, nhiều khán giả khoác cho Táo quân một chiếc áo quá rộng và thêu dệt lên đó những chi tiết gây tò mò. Song lúc này đây, cần nhìn nhận lại đơn giản, Táo quân chỉ là một chương trình hài kịch cuối năm, với mục đích giải trí, tổng kết các sự kiện tiêu biểu trong một năm qua. Táo quân nói những vấn đề của năm cũ, để mọi người hướng đến một năm mới tốt lành hơn, cố gắng, phấn đấu hơn, an lành hơn. Nếu nhìn nhận Táo quân với đúng bản chất ấy, thì “mua vui” cho khán giả “một vài trống canh” có lẽ thế cũng là tròn vai.
Và khi nhiều người không còn thấy “vui” khi xem hài trên truyền hình nữa thì cũng là lúc chương trình nên dừng lại để thay đổi, để làm mới. Duy trì 20 năm trong “bữa tiệc” truyền hình của đêm cuối năm, đó cũng là một cái kết đủ đẹp với một chương trình.
Theo Vĩnh Xuân/SGGPO
Bình luận (0)