Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bùng nổ lễ hội xuân

Tạp Chí Giáo Dục

Dòng người ken đặc đổ về các lễ hội, điểm du lịch tâm linh những ngày đầu năm mới. Mùa lễ hội trở lại và có phần bùng nổ hơn, bởi người dân được “giải phóng” sau ba năm bị kìm nén vì dịch bệnh.
Bùng nổ lễ hội xuân ảnh 1
Hàng vạn du khách đổ về động Hương Tích trong ngày khai hội chùa Hương. Ảnh: TRỌNG TÀI

Hàng chục lễ hội lớn được tổ chức trong tuần đầu năm mới. Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) diễn ra vào mồng 4 Tết Nguyên đán, là một trong những lễ hội “mở hàng” cho mùa lễ hội sôi động đầu xuân Quý Mão 2023. Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ cầu mong một năm làm ăn phát tài, gặp nhiều may mắn, không chỉ là sinh hoạt của người dân địa phương mà còn thu hút đông đảo du khách thập phương. Năm 2016, Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội gắn liền với sự tích về Đức Thánh Thiên Cương ra quân đánh giặc Xích Quỷ, là dịp dân làng bày tỏ lòng biết ơn với Đức Thánh.

Lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2023 được tổ chức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng năm Quý Mão, lễ khai ấn diễn ra đêm 14, phát ấn vào rạng sáng rằm tháng Giêng. BTC lễ hội bố trí 5 vòng an ninh từ ngoài cổng đến trong khuôn viên đền Trần nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, du khách thập phương dự lễ hội.

Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về các lễ hội quy mô dịp đầu xuân. Lễ hội kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789-2023) diễn ra từ 6h đến 16h ngày 26/1 (mồng 5 Tết Quý Mão). Hội Gò Đống Đa 2023 được chuẩn bị chu đáo, công phu. Nghi thức tế lễ, rước kiệu vua Quang Trung và Hoàng hậu Ngọc Hân cùng màn trống hội tưng bừng là những hoạt động không thể thiếu. Ban tổ chức lễ hội đảm bảo an ninh, an toàn, sắp xếp khu vực gửi xe miễn phí cho người dân. Các đoàn nghệ thuật biểu diễn từ mồng 5 tới mồng 7 để chào mừng lễ hội.

Mồng 6 Tết là thời điểm vàng cho hàng loạt lễ hội lớn như Lễ hội chùa Hương, Hội Gióng đền Sóc, Lễ hội đền Hai Bà Trưng, Lễ hội đền Cổ Loa… Sau ba năm bị trì hoãn do dịch COVID-19, các lễ hội trở lại với nhiều điểm mới, mở rộng về quy mô và chất lượng.

Trong ngày khai hội, chùa Hương đón bốn vạn du khách. Lễ hội chùa Hương năm 2023 được tổ chức với chủ đề An toàn, văn minh, thân thiện. Lễ hội diễn ra trong 3 tháng, từ 23/1 đến hết 23/4, mở cửa chùa từ mồng 2 Tết. “Điểm nổi bật của Lễ hội chùa Hương năm 2023 là việc đổi mới hình thức bán vé tham quan và dịch vụ thuyền, đò từ hình thức bán vé truyền thống sang điện tử. Chúng tôi triển khai hệ thống xe điện với hơn 50 phương tiện phục vụ người dân”, ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC lễ hội chùa Hương nói.

Không còn cướp lộc tại Hội Gióng đền Sóc. Hội Gióng được tổ chức từ sáng sớm mồng 6 Tết Nguyên đán tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Để tưởng nhớ công đức của Đức Thánh Gióng, tại chân núi Sóc nơi ngài dừng ngựa trước khi về trời, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội hàng năm, từ ngày mồng 6 đến mồng 8 tháng Giêng âm lịch. Hằng năm, lễ hội Gióng luôn thu hút hàng nghìn người tham dự. Sau phần nghi lễ, lần lượt tám lễ vật của các thôn đã được di chuyển vào làm lễ tại khu vực sân Rồng đền Thượng. Tám lễ vật được cung tiến tại lễ hội Gióng Xuân Quý Mão 2023 là ngựa sắt, cầu húc, trầu cau, voi chiến, ngà voi, cỏ voi, kiệu tướng và đặc biệt là giò hoa tre.

Lễ hội đền Cổ Loa tổ chức tại đền Thượng (đền Cổ Loa) – nơi thờ vua Thục Phán và những người có công với nhân dân. Lễ hội kéo dài từ ngày mồng 6 đến 16 tháng Giêng với nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội tại Bát xã Cổ Loa gồm các làng: Cổ Loa, Sằn Giã, Mạch Tràng, Đài Bi, Cầu Cả, Ngoại Sát, Thư Cưu, Văn Thượng. Trước đó, vào mồng 5 Tết Nguyên đán, huyện Đông Anh long trọng tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đưa Lễ hội đền Cổ Loa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Bùng nổ lễ hội xuân ảnh 2

Màn rước nữ tướng trẻ đặc sắc trong lễ hội Gióng năm 2023. Ảnh: TRỌNG TÀI

Du lịch tâm linh hút khách

Lễ hội chùa Bái Đính 2023 thu hút hàng vạn người trong ngày khai hội mồng 6 Tết. Lễ hội bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu. Phần hội bao gồm có các trò chơi dân gian, ngắm cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát chèo, xẩm, ca trù hoặc khám phá hang động. Nhiều du khách phàn nàn tình trạng xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để mua vé và được xuống thuyền đò tham quan Tràng An. Tình trạng chen chân du xuân cũng diễn ra ở chùa Tam Chúc (Hà Nam). Mỗi ngày khoảng 1 vạn người tới hành lễ và tham quan chùa.

Ở phía Nam, đỉnh núi Bà Đen rộn ràng từ mồng 1 Tết. Lễ hội xuân núi Bà kéo dài hết tháng Giêng. Trong 5 ngày đầu năm mới, khu du lịch này đón đến 400 nghìn lượt khách. Quần thể các chùa Núi Bà mở cửa tới 22h đêm để đón du khách hành hương. Khu du lịch tâm linh quy mô nhất của tỉnh Tây Ninh còn thu hút du khách đến vui chơi, giải trí. Núi Sam (Châu Đốc, An Giang) cũng đón hàng vạn khách về viếng bà Chúa Xứ. Người dân bất chấp tắc đường, hòa vào dòng người ken đặc để xin lộc đầu năm tại miếu Bà. Lễ hội vía bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra tháng 4 âm lịch hằng năm, tuy thế từ đầu xuân người dân các tỉnh đổ về viếng miếu đầu xuân.

Phiên chợ đầu năm "bán rủi mua may" (Lễ hội chợ Viềng), diễn ra vào đêm mồng 7, rạng sáng mồng 8 Tết thu hút hàng vạn người để kéo về chợ Viềng Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Sau khi về chợ Viềng, nhiều du khách cũng về Phủ Giầy- địa điểm nổi tiếng về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

Theo TPO

 

Bình luận (0)