Bộ LĐ-TB-XH vừa có dự thảo Thông tư ban hành Danh mục bổ sung nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trong đó có công việc của giáo viên trực tiếp can thiệp, dạy và hỗ trợ cho người khuyết tật nặng.
Theo đó, dự thảo này bổ sung thêm 51 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc 3 lĩnh vực: xây dựng, vận tải, thương binh và xã hội.
Cụ thể, 37 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm gồm có lắp dựng, tháo dỡ ván khuôn, hệ ván khuôn, giàn giáo công trình; lắp dựng thiết bị, cấu kiện, kết cấu thép, bê tông đúc sẵn, tấm tường, tấm sàn, tấm mái công trình; gia công, lắp dựng cốt thép công trình; thi công sơn, bả, chống thấm bề mặt công trình cao trên 6m; thi công đào, xúc đất, đá, cát công trình hở; giao nhận hàng hóa đầu cần ở các bến cảng; sửa chữa điện trong nhà máy đóng tàu; sản xuất, lắp ráp dụng cụ chỉnh hình…
Giáo viên trong giờ học dạy trẻ tự kỷ. T.L
Đặc biệt, nhân viên tư vấn tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và giáo viên trực tiếp can thiệp, dạy văn hóa, dạy nghề, hỗ trợ đối với người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng cũng được bổ sung vào danh sách này.
Bên cạnh đó, có 14 nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được bổ sung, như gia công, lắp dựng cốt thép trong hầm, ngầm; lắp dựng, tháo dỡ ván khuôn, hệ ván khuôn, hệ khung đỡ ván khuôn, đường trượt, đường goòng… công trình hầm, ngầm; lắp đặt, sửa chữa hệ thống điện trong công trình hầm, ngầm; xây gạch, đá, trát, ốp, lát trong công trình hầm, ngầm; vận hành cần trục bánh lốp, bánh xích…
Trước đó, Thông tư 11 của Bộ LĐ-TB-XH ban hành năm 2020 quy định 1.838 nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và chia thành 31 lĩnh vực khác nhau như khai thác khoáng sản (108 nghề/công việc); cơ khí, luyện kim (180 nghề/công việc); hóa chất (159 nghề/công việc); vận tải (100 nghề/công việc); điện (100 nghề/công việc); thương mại (47 nghề/công việc); phát thanh, truyền hình (18 nghề/công việc); y tế và dược (66 nghề/công việc); khoa học công nghệ (57 nghề/công việc); giáo dục – đào tạo (4 nghề/công việc)…
Về quyền lợi, những người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên, Bộ luật Lao động 2019 quy định được nghỉ hằng năm 40 ngày. Đồng thời được hưởng chế độ phụ cấp và bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định.
Theo Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)