Bên cạnh việc khuyến cáo các cơ sở đào tạo (CSĐT) không nên xét tuyển sớm như năm 2022, Bộ GD-ĐT cũng đã làm rõ những nội dung liên quan đến một số ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT đã làm thay các CSĐT, nên trả lại quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường…
Thí sinh nộp hồ sơ xét học bạ vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm 2022
Tuần qua, Bộ GD-ĐT đã có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về một số nội dung chính trong công tác tuyển sinh ĐH và CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2022.
Khuyến cáo không xét tuyển sớm
Theo Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này, có thể khẳng định kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022 đã rất thành công; những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả đúng như kỳ vọng, đó là công bằng, hiệu quả và minh bạch. Cả nước có 567.399 thí sinh trúng tuyển đợt 1 (đạt hơn 97% tổng chỉ tiêu). Trong đó, hơn 51% thí sinh trúng tuyển phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; gần 42% thí sinh trúng tuyển ở phương thức xét học bạ THPT và gần 7% trúng tuyển ở các phương thức khác.
Trong tổng số thí sinh trúng tuyển, số lượng xác nhận nhập học là 464.000 (đạt khoảng 82%), cao hơn nhiều so với các năm gần đây. Đặc biệt, có tới 75% CSĐT có tỷ lệ nhập học vượt 80%, trong khi chỉ có 6% CSĐT có tỷ lệ nhập học dưới 50%. Điều này cho thấy tỷ lệ thí sinh ảo đã giảm rất nhiều. Riêng ở những phương thức xét tuyển sớm (xét học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực…), Bộ GD-ĐT cho biết chỉ 35% thí sinh trúng tuyển phương thức này đăng ký nguyện vọng 1 (tức là chắc chắn muốn học). Còn có tới 30% thí sinh trúng tuyển sớm lại đăng ký các nguyện vọng khác và 35% thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm nhưng không đăng ký các nguyện vọng này lên hệ thống. Đáng chú ý là tính trên toàn quốc, số thí sinh nữ trúng tuyển chiếm 55%, trong khi số thí sinh nam chỉ là 45%; thậm chí có tỉnh tỷ lệ này là 63-37%. Trong tổng số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học, số thí sinh nữ còn chiếm tỷ lệ cao hơn, là 56%, trong khi số thí sinh nam là 44%.
Bộ GD-ĐT dự kiến công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời, tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các CSĐT và hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh trong quá trình xét tuyển. Bộ GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các CSĐT rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ những phương thức không phù hợp, không hiệu quả gây vướng mắc cho thí sinh. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, trong đó có thể xem xét khuyến cáo các CSĐT không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022. Thay vào đó, tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (đợt 1).
Bộ GD-ĐT có làm thay việc tuyển sinh cho các trường?
Trước một số ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT làm thay các CSĐT, nên trả lại quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường; hay hệ thống phần mềm chưa được thử nghiệm, có nhiều lỗi…, báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng đã làm rõ những nội dung này. Theo Bộ GD-ĐT, do hệ thống tuyển sinh năm nay đã tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, vì vậy sẽ có những CSĐT không tuyển sinh được số lượng như các năm trước (đơn giản là do thí sinh không chọn) nên không hẳn đồng thuận với những điều chỉnh kỹ thuật của năm nay. Về quyền tự chủ tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cho rằng quy chế tuyển sinh mới có thể sẽ khiến các CSĐT bớt tự do hơn, bớt chủ động hơn trong một số trường hợp nhưng quyền tự chủ của các CSĐT hoàn toàn được tôn trọng. Khi xây dựng quy chế tuyển sinh và nâng cấp hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến góp ý của các CSĐT, trong đó thống nhất đề cao nguyên tắc công bằng và bảo đảm tốt hơn quyền lợi của thí sinh. Điều này cũng tạo điều kiện tốt hơn cho các CSĐT bởi nếu thí sinh có quyền lựa chọn nhiều hơn và cơ hội trúng tuyển cao hơn, công bằng hơn thì các CSĐT cũng có cơ hội tuyển sinh tốt hơn về số lượng lẫn chất lượng.
Theo Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này, có thể khẳng định kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022 đã rất thành công; những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả đúng như kỳ vọng, đó là công bằng, hiệu quả và minh bạch. |
Dưới góc độ quản lý, mặc dù các CSĐT có quyền tự chủ trong việc đưa ra và chủ động thực hiện các phương thức tuyển sinh nhưng Bộ GD-ĐT phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tình trạng đăng ký xét tuyển, kết quả trúng tuyển và nhập học (Luật Giáo dục ĐH giao Bộ GD-ĐT xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục ĐH). Trên cơ sở dữ liệu này, Bộ GD-ĐT sẽ có những phân tích, nhận định để thực hiện tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước và hỗ trợ các CSĐT trong việc xác định phương thức xét tuyển phù hợp, công bằng, đảm bảo chất lượng. Nếu như các CSĐT có nhiều phương thức xét tuyển phức tạp, không đảm bảo quyền lợi, sự công bằng giữa các thí sinh hoặc xét tuyển vượt số lượng chỉ tiêu quy định thì Bộ GD-ĐT có căn cứ và công cụ để điều chỉnh. Đây cũng là cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia xử lý các thủ tục hành chính công theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH-CĐ, nộp lệ phí, xác nhận nhập học…).
Bộ GD-ĐT đánh giá, hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh nhìn tổng thể đã chạy rất tốt; tuy có một vài vấn đề kỹ thuật nhỏ nhưng đã được khắc phục kịp thời, không ảnh hưởng tới quy trình, kết quả xét tuyển. Chẳng hạn như việc kết nối với nền tảng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia ban đầu có trục trặc do số lượng thí sinh cùng một lúc truy cập quá lớn phải xếp lịch phân luồng, phân tải. Bên cạnh đó, đây là năm đầu tiên đổi mới mạnh mẽ nên một số thí sinh cũng còn bỡ ngỡ và thiếu cẩn trọng khi thao tác trên hệ thống, dẫn tới sai sót, nhầm lẫn khi đăng ký nguyện vọng. Đối với toàn hệ thống bao gồm hơn 300 CSĐT, 18.000 mã xét tuyển, 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển và 3,1 triệu nguyện vọng, việc xảy ra sai sót là khó tránh khỏi dù là thực hiện trực tuyến trên một hệ thống hay trên nhiều hệ thống riêng của các CSĐT.
Mặc dù quy trình đăng ký rất chặt chẽ (buộc thí sinh phải cân nhắc kỹ và xác nhận), thời gian đăng ký kéo dài hơn một tháng, vẫn có một tỷ lệ nhất định thí sinh mắc sai sót, nhầm lẫn. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời để tổ kỹ thuật và các CSĐT phối hợp giải quyết hầu hết các trường hợp sai sót, nhầm lẫn của thí sinh; đến thời điểm hiện tại đã xử lý hết các trường hợp. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, chức năng của hệ thống phần mềm; trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 lẫn những năm tiếp theo.
Mê Tâm
Bình luận (0)