Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM điều chỉnh chiến lược ứng phó Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

Để ứng phó với biến chủng mới của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn Delta và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, lãnh đạo TP.HCM cho rằng cần phải điều chỉnh khuyến cáo 5K cũng như các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Cùng lúc 2 biến thể lây lan nhanh

Hôm qua (9.3), tại cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng dẫn chứng kết quả tầm soát ngẫu nhiên 119 trường hợp trong cộng đồng, ghi nhận 103 ca dương tính, trong đó có 24 ca chủng Omicron dòng BA.1 và 43 ca chủng Omicron dòng BA.2. Trong đó, BA.2 là biến thể phụ mà một số nghiên cứu cho thấy có khả năng “tàng hình”. Việc có cùng lúc 2 biến thể trên giải thích lý do lây lan nhanh như thời gian qua. “Dù vậy, chúng ta cũng không nên quá lo lắng về biến chủng mới xuất hiện ở TP.HCM vì thực tế nó đã diễn ra rồi”, ông Thượng nhìn nhận.

TP.HCM điều chỉnh chiến lược ứng phó Covid-19 - ảnh 1

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào lớp học. NGỌC DƯƠNG

Giải đáp câu hỏi nếu có làn sóng dịch mới thì vắc xin có hiệu quả hay không, ông Thượng cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định vắc xin Covid-19 vẫn có hiệu quả giúp người mắc Covid-19 không chuyển nặng, nhưng không thể bảo vệ người dân không bị lây nhiễm. Do đó, kế hoạch tiêm vắc xin vẫn phải tiếp tục trong thời gian tới.

Vì sao ca nhiễm ở trường học tăng?

Kể từ khi TP.HCM tổ chức dạy học trực tiếp ở tất cả khối lớp vào ngày 14.2, số ca nhiễm trong trường học gia tăng hằng tuần. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, có 3.028 cơ sở mầm non mở cửa (đạt gần 93%), cấp tiểu học có 509/510 trường, 281/285 trường THCS, 100% trường THPT đón học sinh đến trường.

Giải thích cho việc tỷ lệ cơ sở giáo dục mầm non còn thấp, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho rằng một số nhóm trẻ, trường mầm non tư thực có ý định giải thể, hoặc chưa đảm bảo cơ sở vật chất nên chưa mở lại. Ngoài ra, các cơ sở ngoại ngữ, tin học, dạy kỹ năng sống cũng chưa mở cửa lại, do chủ đầu tư đánh giá tình hình dịch bệnh và tâm lý phụ huynh chưa yên tâm.

Sau 3 tuần học trực tiếp, ngành giáo dục ghi nhận hơn 3.700 giáo viên và hơn 42.500 học sinh nhiễm Covid-19. Nguyên nhân chính dẫn đến F0 tăng được Sở Y tế lý giải do các trường chủ động tầm soát học sinh, giáo viên, người lao động có triệu chứng; xét nghiệm định kỳ F1, gia đình tự test nhanh cho học sinh… Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết đã thống nhất với Sở Y tế cập nhật lại bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong trường học cho phù hợp với tình hình.

Tiêu chí 5K có điểm không còn phù hợp

Trao đổi tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhận định số ca nhiễm mới tuần qua đã giảm dần, ca nặng ở mức thấp, ca tử vong ở mức thấp nhất và ổn định suốt nhiều tuần qua. Thực tế này cho thấy các biện pháp kiềm chế dịch bệnh đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Nên cho rằng cần xem lại các hướng dẫn, quy trình xử lý phù hợp với bình thường mới, bởi một số điểm trong khuyến cáo 5K đến nay không còn phù hợp. “Như khẩu trang, sát khuẩn tương đối quen và làm được nhưng khoảng cách, không tập trung thì không còn phù hợp. Chúng ta cứ kêu gọi 5K mà không sửa lại phù hợp thì rất khó thực hiện”, ông Nên nói.

Ông Nên dẫn chứng các cháu đến trường học tập, các cơ quan, doanh nghiệp làm việc bình thường thì phải có sự tập trung. Tương tự, thủ tục khai báo y tế hướng dẫn cũng cần ngắn gọn, dễ làm để người dân thấy quyền lợi của mình trong đó và thực hiện.

Đề cập đến chiến lược chung, ông Nên cho biết Bộ Y tế vừa rồi đã xin ý kiến Chính phủ về giai đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch và dịch lưu hành, tạm gọi là giai đoạn quá độ. Một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia… đã chuyển sang giai đoạn dịch lưu hành. Trong giai đoạn quá độ này, TP.HCM phải cố gắng kiềm chế cho được dịch bệnh để đảm bảo sản xuất, kinh doanh và tới đây mở cửa du lịch đón khách.

Tránh lo lắng thái quá

Trước kết quả khảo sát biến chủng Omicron dòng BA.2 chiếm ưu thế, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ, dựa trên ý kiến cơ quan chức năng là Bộ Y tế, WHO để cảnh báo, tránh lơ là, mất cảnh giác nhưng tránh lo lắng thái quá.

Ông Mãi yêu cầu tăng cường các biện pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là các em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Trước mắt, Sở GD-ĐT rà soát, điều chỉnh bộ tiêu chí an toàn của tất cả trường học trên địa bàn.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu trong tháng 3.2022 phải cập nhật lại các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19 của từng ngành, từng cơ quan để vừa đảm bảo an toàn vừa hoạt động bình thường. Các bộ tiêu chí an toàn sản xuất, kinh doanh cần chú ý đến đặc thù của địa phương, nghiên cứu cho phép F1 không có vấn đề gì về sức khỏe thì có thể đi làm. Đối với F0 không có triệu chứng, không có vấn đề về sức khỏe và tự nguyện thì duy trì cách làm việc phù hợp.

Biến chủng Omicron liệu có tàng hình?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng nói Omicron tàng hình là do xét nghiệm. Omicron “tàng hình” dưới test nhanh, bởi vì test nhanh không đi kịp chủng mới, tức không chế tạo ra kit test nhanh mới mà toàn dùng kit test cũ, thì sẽ không phát hiện được. “Nói Omicron tàng hình mà không lý giải rõ sẽ khiến người dân hoang mang, có người nghĩ chủng này tàng hình vào phổi lúc nào không hay, như vậy là sai”, bác sĩ Khanh nói. Một chuyên gia chuyên về xét nghiệm cho biết thêm, theo tài liệu báo cáo của một số nước, test nhanh hiện kém nhạy với chủng Omicron, vì chủng Omicron biến đổi protein S và test nhanh cũ không nhận diện được. Theo chuyên gia này, vấn đề hiện nay là cần có thử nghiệm lâm sàng để khẳng định. Bởi hiện nay một số đơn vị điều trị đang trữ test nhanh cũ, khi thực hiện sàng lọc ca bệnh ra âm tính, nhưng không dám loại trừ thì buộc phải làm PCR toàn bộ. Như vậy sẽ làm tăng chi phí làm PCR và liên quan thanh toán BHYT.

Theo Duy Tính/TNO

 

Bình luận (0)