Trung Quốc hiện vẫn đang siết chặt nhập cảnh đối với hầu hết người nước ngoài. Điều này gây khó khăn cho nhiều du học sinh Việt Nam muốn quay trở lại đất nước này để tiếp tục việc học. Nhất là đối với du học sinh về quê ăn tết 2 năm trước vẫn chưa được quay lại trường.
Trong thời gian này của 2 năm trước, Ngô Hồng Nhung, du học thạc sĩngành giáo dục Hán ngữ, ĐH Ngoại ngữ Ngoại thương Quảng Đông, khăn gói về Việt Nam ăn tết. Tuy nhiên, dịch bùng phát, Nhung kẹt lại Việt Nam vàhọc trực tuyến cho đến nay vì Trung Quốc vẫn đang đóng cửa biên giới với hầu hết người nước ngoài.
Bên ngoài một cổng của ĐH Ngoại ngữ Ngoại thương Quảng Đông, Trung Quốc. GUFS
Bên cạnh thuận lợi khi học trực tuyến là có thể vừa học vừa làm, Nhung cũng gặp một số khó khăn nhất định. “Việc trao đổi với thầy cô người Trung Quốc, bạn bè quốc tế qua mạng trong khi trình độ tiếng Trung mỗi người không giống nhau nên đôi khi họp làm luận văn, báo cáo, chúng tôi chưa hiểu ý nhau, sau cuộc họp phải viết thêm văn bản trình bày”, Nhung nói.
Ngoài ra, chuyên ngành của Nhung cần thực tập giảng dạy và đến nay cô chỉ có thể dạy trực tuyến. Bên cạnh đó, những hoạt động ngoại khóa như tham quan, hội thoại… cũng bị giảm tải vì dịch Covid-19, khiến cô không có cơ hội học hỏi nhiều.
“Tôi mong sớm được trở lại trường để tốt nghiệp, lấy bằng và tìm cơ hội việc làm tại Trung Quốc”, Nhung chia sẻ.
Ngô Hồng Nhung, du học thạc sĩ ngành giáo dục Hán ngữ, ĐH Ngoại ngữ Ngoại thương Quảng Đông. NVCC
Một số du học sinh phải bảo lưu vì không thể tiếp tục học trực tuyến, như Nguyễn Mạnh Cường, quê Hải Dương, theo chuyên ngành y học lâm sàng, ĐH Y khoa Quảng Tây.
Cường cho biết: “Tôi quyết định bảo lưu sau một năm rưỡi học trực tuyến, vì nhiều yếu tố như: không thể tiếp cận tài liệu học tập, không thể tham gia những tiết thực hành, và quan trọng là bản thân mình không phù hợp với học trực tuyến…”.
Trước đó vào tháng 1.2020, Cường về Việt Nam ăn tết sau một học kỳ nhập học và bị kẹt lại cho đến nay. Chương trình học của Cường là 6 năm, trong đó 1 năm học tiếng, 5 năm học chuyên ngành. Cũng như nhiều du học sinh Việt khác, Cường hy vọng sẽ sớm có thể trở lại Trung Quốc để tiếp tục việc học còn dang dở.
Du học nhưng… chưa từng được đến Trung Quốc
Đó là trường hợp của những du học sinh kể từ sau khi Trung Quốc bắt đầu đóng cửa từ tháng 3.2020. Nguyễn Duy Bách, du học chuyên ngành răng hàm mặt, ĐH Y khoa Quảng Tây, phải học trực tuyến tại quê ở tỉnh Quảng Ninh từ tháng 9.2020 cho đến nay.
“Đối với những tiết học yêu cầu, chúng tôi sẽ được cho qua, nợ lại hoặc đợi đến khi nào có thể đến Trung Quốc sẽ học lại. Giảng viên, nhà trường có tạo điều kiện nhưng chỉ ở mức nhất định thôi vì mọi thứ đều diễn ra trực tuyến”, Bách chia sẻ.
Dù hụt hẫng nhưng Bách vẫn luôn theo dõi, cập nhật các thông báo từ trường và hy vọng sẽ sớm được đến Trung Quốc để hoàn thành những dự định còn đang dang dở.
“Khi đó tôi sẽ xin học lại các môn học đang học trực tuyến hiện nay, vì trong lúc học trực tuyến sẽ có lúc mình bị mất tập trung, trong khi đó đặc thù chuyên ngành của mình là mọi thứ đều phải thật chắc chắn. Ngoài ra, tôi sẽ luyện thêm tiếng và xin thực tập ở bệnh viện”, Bách nói.
Nguyễn Duy Bách, du học chuyên ngành răng hàm mặt, ĐH Y khoa Quảng Tây. NVCC
Còn Lại Nhục Lìn, du học ngành quản trị du lịch, ĐH Lâm nghiệp Bắc Kinh, nhập học từ tháng 9.2021. Cô chọn du học Trung Quốc vì thích văn hoá và các danh lam thắng cảnh tại đất nước này. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng nhập học, nữ sinh viên này chỉ có thể học trực tuyến tại nhà.
Giáo viên và bạn học rất nhiệt tình giúp đỡ nhưng vì không có môi trường học tập giao tiếp trường lớp, thư viện và điều kiện thực hành nên khiến Lìn khó tiếp thu, ghi nhớ, đôi lúc cảm thấy chán nản.
“Tôi nhận thấy bản thân vẫn còn học môn toán hơi kém, còn các môn còn lại thì mình nắm khoảng 80% kiến thức. Ban đầu, tôi có lo ngại Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng cửa nhưng thay vì suy nghĩ tiêu cực thì mình cố gắng hướng đến những điều tích cực hơn và thích nghi với hoàn cảnh”, du học sinh Lại Nhục Lìn chia sẻ.
Theo Thái Duy/TNO
Bình luận (0)