Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Học sinh ở TPHCM trở lại trường: Phụ huynh cần chú ý trẻ béo phì, bệnh nền

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyên gia truyền nhiễm cho rằng, đối tượng đáng lo ngại khi học sinh TP. HCM hay các tỉnh thành khác được trở lại trường là những trẻ có cơ địa béo phì và bệnh nền.

Theo thông tin từ UBND TPHCM, từ 13/12 học sinh các khối 1, 9, 12 sẽ được thí điểm trở lại trường trong hai tuần. Sau đó, ngành giáo dục địa phương sẽ tổ chức hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm, trước khi xem xét có tổ chức dạy học trực tiếp rộng rãi từ tháng 1/2022 hay không.

Nhiều quốc gia đã cho trẻ đi học lại

Trao đổi với PV về quyết định trên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM tán thành việc cho học sinh đi học trở lại. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, số ca mắc Covid-19 và số bệnh nhân tử vong tăng trong thời gian gần đây tại địa phương hầu hết ở nhóm lớn tuổi, bệnh nền nặng hoặc không tiêm vaccine. Việc này có thể trước đây, cơ quan chức năng thống kê chưa đầy đủ tình hình tiêm chủng, tưởng đã bao phủ hết, hoặc có người tiêm không đúng số mũi.

Học sinh ở TPHCM trở lại trường: Phụ huynh cần chú ý trẻ béo phì, bệnh nền ảnh 1

Dù là lý do gì, có thể thấy bối cảnh dịch hiện tại ở TPHCM vẫn trong tầm kiểm soát. Kế đến, trẻ em là nhóm ít bị lây nhiễm và tỷ lệ chuyển nặng, tử vong thấp. Theo các hướng dẫn trên thế giới, việc đóng cửa trường học là biện pháp cuối cùng, không phải biện pháp đầu tiên.

Do đó, chuyên gia cho rằng việc cho trẻ đi học trở lại là phù hợp, nhất là khi TPHCM đã phủ đủ 2 mũi vaccine cho hầu hết trẻ 12-17 tuổi. Nếu vẫn không cho học sinh đi học, thiệt hại sẽ rất lớn. Trước hết là cho khả năng phát triển trí não cho học sinh, giảm chất lượng học tập và nền tảng kiến thức. Ảnh hưởng này không chỉ một vài học sinh mà còn cả một thế hệ và sẽ ảnh hưởng lâu dài.

Học sinh ở TPHCM trở lại trường: Phụ huynh cần chú ý trẻ béo phì, bệnh nền ảnh 2
Chuyên gia cho rằng việc cho học sinh đi học trực tiếp trở lại là cần thiết (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

PGS Dũng chia sẻ, đã có thống kê chỉ ra, việc học online chỉ đạt được hiệu quả 30% so với học trực tiếp. "Trẻ không được học tập trực tiếp kéo dài sẽ khó khăn khi hội nhập xã hội về sau" – chuyên gia phân tích.

Cũng theo PGS Dũng, dù bối cảnh dịch ở mỗi quốc gia là khác nhau, nhưng ở một số nước châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, dù tình hình dịch có lúc rất căng thẳng cũng không đóng cửa trường học quá lâu. Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất đã cho học sinh đi học lại khoảng một năm. Ở Châu Âu, Anh và Pháp cho học sinh đi học 5-6 tháng trước, khi chưa tiêm vaccine.

Học sinh ở TPHCM trở lại trường: Phụ huynh cần chú ý trẻ béo phì, bệnh nền ảnh 3
Tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh tại TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê)

Còn tại khu vực Đông Nam Á, Singapore đã cho trẻ đi học từ ngày 25/10, dù số ca mắc Covid-19 thời điểm trên ở nước này cao gấp ba so với TPHCM hiện nay. Nhiều cha mẹ Singapore cũng mang tâm lý không muốn cho con đi học, tuy nhiên qua đánh giá tình hình, chính quyền và ngành giáo dục nước bạn vẫn nhận định đi học là cần thiết, và quyết định mở cửa lại trường học.

Ở Philippines, trường học được hoạt động trở lại muộn hơn một chút, từ ngày 15/11. Còn tại Indonesia, thủ đô Jakarta bắt đầu cho học sinh một số cấp học đến trường từ ngày 30/8, thời điểm nhiều nước láng giềng vẫn trong tình hình dịch phức tạp. Đến ngày 6/9, 39% số trường học của Indonesia đã mở cửa. Hiện, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã đề nghị Indonesia tiếp tục mở cửa các cơ sở giáo dục nhiều hơn nữa.

Chuyên gia cho rằng khi TPHCM tính chuyện đi học lại và đã có bộ tiêu chí an toàn phòng Covid-19 trong trường học, cần công bố rộng rãi cũng như tiếp tục xây dựng để phù hợp với tình hình mới, giúp phụ huynh an tâm.

Cần chú ý trẻ béo phì, bệnh nền

Còn bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, lại cho rằng, TPHCM nên cân nhắc lại thời gian mở cửa trường học rộng rãi, xem có cần vội vã thực hiện hay không.

Chuyên gia đặt ra hai vấn đề: Thứ nhất, xoay quanh số ca mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 tăng lên thời gian gần đây, bác sĩ Nam nói chủ yếu là đối tượng trên 50, mang bệnh lý nền. Ở trẻ em, ca mắc có thể nhiều nhưng ca tử rất ít. Thứ hai, đến ngày 13/12, nhiều trẻ ở TPHCM đã được tiêm vaccine đủ 2 tuần, tức là đã đến thời gian vaccine tạo kháng thể.

Tuy nhiên, việc tiêm chủng chỉ có tác dụng làm giảm tối đa các trường hợp nặng và tử vong, không thể ngăn chặn lây nhiễm. Khi trẻ đi học, tiếp xúc với nhau trong lớp học đông người, nguy cơ lây nhiễm là cao, đặc biệt với những lớp học có máy lạnh.

Bác sĩ Nam nhận định, lo lắng nhất khi học sinh trở lại trường là nhóm trẻ béo phì ở TPHCM tương đối nhiều. Mặc dù đã được tiêm vaccine nhưng nếu nhiễm bệnh, vẫn có một tỷ lệ nguy cơ trở nặng với đối tượng này. Ngoài ra, trẻ mang bệnh nền nặng, tiểu đường, ung thư… cũng cần quan tâm, dù nhóm này có tỷ lệ rất thấp.

Chuyên gia thừa nhận, lớp 9 và lớp 12 là những khối cuối cấp, cần đi học trở lại, vì học online hiệu quả rất thấp. Dù vậy, TPHCM cần có tính toán kỹ lưỡng, để làm sao thích ứng và kiểm soát được tình trạng lây nhiễm. 5K là biện pháp quan trọng nhất cần phải đảm bảo, nhất là trong môi trường giáo dục đông người dễ tiếp xúc. Các trường học cũng phải được tập huấn kỹ về quy trình xử lý chống dịch.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm kiêm Trưởng khoa Điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhận định, cuộc chiến với Covid-19 còn kéo dài, không thể cứ đóng cửa mãi trường học. TPHCM đã cơ bản phủ vaccine dày cho trẻ, và điều này cũng góp phần bảo vệ, làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho người lớn.

Dù vậy, cơ quan chức năng cần đánh giá cụ thể từng nhóm học sinh, xem nhóm nào đã được tiêm chủng mũi 2 được hai tuần hay một tháng, đã có kháng thể bảo vệ thì cho đi học trước. Nếu tỉ lệ nhiễm và tử vong vẫn còn cao, có thể xem xét lùi thời gian cho đi học rộng rãi khi tình hình đã cải thiện.

Học sinh ở TPHCM trở lại trường: Phụ huynh cần chú ý trẻ béo phì, bệnh nền ảnh 4
Bệnh nhi mắc Covid-19 cơ địa béo phì điều trị tại BV Nhi Đồng 2 (Ảnh: BVCC).

Ngoài ra, khi trẻ trở lại trường, 5K là biện pháp bắt buộc. Các trường học cần tính toán phân bổ thời gian học và sắp xếp lớp học phù hợp, sao cho có thể giãn cách tốt nhất.

Với trẻ nhỏ học bán trú, nội trú, ăn ngủ tại trường, nguy cơ tiếp xúc lẫn nhau và lây nhiễm có thể xảy ra, nhà trường phải làm sao xử lý ổn thỏa việc này. Bác sĩ Việt gợi ý, các trường học có thể chia đôi lớp học, linh động lịch học sang nhiều buổi khác nhau để giảm sự tập trung đông.

Về tình hình điều trị, bác sĩ Việt cho rằng ngoài số F0 tại chỗ, TPHCM còn gánh các ca nặng từ nhiều tỉnh thành khác chuyển lên, góp phần làm tăng số lượng bệnh nhân Covid-19.

Tại BV Nhi Đồng 2, trong khoảng 100 bệnh nhi Covid-19 đang điều trị, chỉ 10% nằm ở nhóm phải hồi sức, cấp cứu và gần như đều chưa tiêm vaccine. Do đó khi cho trẻ đi học lại, phụ huynh không cần quá lo lắng.

Theo Dân Trí

 

Bình luận (0)