Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Điểm chuẩn lớp 10 TP.HCM năm 2021: Phản ánh đúng thực tế dạy- học ở từng vùng miền

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là đánh giá được nhiều nhà quản lý giáo dục đưa ra ngay khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn lớp 10 THPT năm 2021 tại 108 trường THPT công lập trên toàn thành phố.


Điểm chuẩn lớp 10 TP.HCM năm 2021 phản ánh đúng thực tế dạy, học ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố

Điểm chuẩn lớp 10 THPT công lập năm 2021 là tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn Văn- Toán- Ngoại ngữ, cộng điểm ưu tiên (nếu có). Năm nay, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền tiếp tục là trường có điểm chuẩn cao nhất với 26,3 điểm NV1; Kế đó là Trường THPT Nguyễn Hữu Huân với mức điểm chuẩn 25,9; Đứng thứ 3 là Trường THPT Gia Định với 25,8 điểm.

Các trường THPT tại huyện Cần Giờ có mức điểm chuẩn thấp nhất, dao động từ 15 điểm-16 điểm. Trong đó, THPT Cần Thạnh, THCS- THPT Thạnh An có mức điểm chuẩn là 15 điểm.

Kế đó, khu vực huyện Bình Chánh, mức điểm chuẩn của 7 trường THPT tại đây dao động từ 15,5-18,8 điểm; huyện Nhà Bè mức điểm chuẩn 3 trường THPT từ 17-18,9; 7 trường THPT tại huyện Củ Chi có mức điểm chuẩn từ 19-21,8 điểm; huyện Hóc Môn là khu vực ngoại thành có mức điểm chuẩn cao nhất, dao động từ 20,2-25,1 điểm.

Các trường top đầu như THPT Bùi Thị Xuân, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Gia Định, Mạc Đĩnh Chi, Trung học thực hành- ĐHSP, Trần Phú, Phú Nhuận… vẫn là những trường có mức điểm chuẩn cao.

Năm nay, một số trường có mức điểm chuẩn “bật” lên so với mọi năm. Ví dụ, lần đầu tiên THPT Nguyễn Hữu Huân có điểm chuẩn cao hơn THPT Gia Định, THPT Phú Nhuận “vượt” THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Ngô Quyền “xếp trên” Bùi Thị Xuân, Lê Quý Đôn.

Thầy Phạm Phương Bình (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.Thủ Đức) phân tích, điểm chuẩn năm nay dựa trên tiêu chí xét điểm học bạ do đó có thể có chênh lệch trong đánh giá giữa các trường, chênh lệch giữa các quận huyện, dù không quá nhiều.

Bên cạnh đó, công tác đăng ký nguyện vọng và hướng nghiệp triển khai ban đầu dựa trên hình thức thi tuyển nên nhiều em học sinh “chủ quan” trong quá trình học vì ỷ lại đợi đến làm bài thi. Ngoài ra, còn có lý do nữa là học sinh căn cứ tỉ lệ nguyện vọng xét tuyển (tỉ lệ chọi), điểm chuẩn năm trước để đăng ký nên có trường hợp “né” các trường top trên do không tự tin nên dẫn đến một số trường có điểm chuẩn tăng, thậm chí “xếp trên” cả những trường top trên.

Nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Ngai nhận định, mức điểm chuẩn năm nay phản ánh đúng kết quả học tập của từng vùng miền. Ở những vùng đặc biệt khó khăn như huyện Cần Giờ, sự đầu tư cho con em học tập còn hạn chế do đó, mức điểm chuẩn chỉ dao động từ 15-16 điểm.

Trong khi đó, khu vực ngoại thành như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, mức điểm chuẩn ở nhiều trường nhỉnh cao, trong đó cao nhất là huyện Hóc Môn. Ông Ngai cho rằng, trước hết do dân số khu vực này tập trung đông nên tính cạnh tranh xét tuyển cao. Kế nữa, chất lượng dạy và học ở những trường quanh khu vực này thời gian qua đã có sự đầu tư, cải thiện nhiều, phụ huynh đã dành nhiều sự đầu tư cho con em nên mức điểm trung bình của học sinh có sự nhỉnh hơn.

“Điểm chuẩn tuyển sinh ở một số trường năm nay có sự biến động tuy nhiên không bất thường, ngược lại đã phản ánh đúng thực chất việc dạy và học ở các khu vực khác nhau trên toàn thành phố. Dù vậy, Sở GD-ĐT TP cũng cần phải có sự dự liệu trước trong tình huống tuyển sinh các năm sau nếu dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng, để quản lý việc tổ chức dạy, học và kiểm tra đánh giá, tránh tình trạng trăm hoa đua nở”, ông Ngai nói.

Yến Hoa

Bình luận (0)