Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Coi yếu tố gia đình là nền tảng trong xây dựng văn hóa cơ sở

Tạp Chí Giáo Dục

“Mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền cần lãnh đạo, chỉ đạo, vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo các chỉ đạo vào xây dựng đời sống văn hóa; phát huy vai trò chủ động sáng tạo của các chủ thể văn hóa. Bên cạnh đó, các địa phương cần thu hút các nguồn lực xã hội hóa vào phát triển; coi trọng hơn công tác gia đình, coi yếu tố gia đình là hạt nhân, nền tảng trong xây dựng văn hóa cơ sở”.


Các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 – 2020 được biểu dương tại hội nghị

Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh điều này tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” giai đoạn 2000 – 2020, do UBND TP.HCM tổ chức vừa qua.

Theo ông Võ Văn Hoan, sau 20 năm triển khai, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có bước phát triển nhất định, chất lượng các danh hiệu văn hoá được nâng cao.

Phong trao đã bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đó là: Đoàn kết giúp nhau “xóa đói giảm nghèo”; Thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; Xây dựng môi trường sạch – đẹp – an toàn; Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; Xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh.

Cùng với quá trình này, TP còn chỉ đạo thực hiện bảy phong trào lớn: Xây dựng gia đình văn hóa; Phong trào làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn  văn hóa; Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; Học tập, lao động, sáng tạo và phong trào xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến.

Ông Võ Văn Hoan khẳng định, xác định việc triển khai thực hiện và phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng gắn với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người TP.

Để phong trào ngày càng đi vào thực chất, ông Võ Văn Hoan đề nghị mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền cần lãnh đạo, chỉ đạo, vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo các chỉ đạo vào xây dựng đời sống văn hóa; phát huy vai trò chủ động sáng tạo của các chủ thể văn hóa. Bên cạnh đó, các địa phương cần thu hút các nguồn lực xã hội hóa vào phát triển; coi trọng hơn công tác gia đình, coi yếu tố gia đình là hạt nhân, nền tảng trong xây dựng văn hóa cơ sở.

“Cần xây dựng văn hóa và con người TP phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, đồng thời mang nét đặc trưng của văn hóa Nam Bộ, TP.HCM”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

“Cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể từ TP đến quận, huyện tiếp tục triển khai và xây dựng các giải pháp cụ thể nâng chất lượng của các phong trào như “Người tốt, việc tốt”, “Xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị”, phong trào “Vì an ninh tổ quốc”,… gắn với việc xây dựng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh thêm.

Theo Ban Chỉ đạo phong trào Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” TP.HCM, trong 20 năm qua đã có hơn 20,7 triệu lượt gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 23.967 lượt khu phố – ấp được công nhận danh hiệu “Khu phố – Ấp văn hóa”; 1.657 lượt phường, xã, thị trấn đạt danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn văn hóa – văn minh đô thị” và “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.

Còn phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” và các mô hình, điểm sáng văn hóa, tính đến hết năm 2019, trên địa bàn TP đã có hơn 52.000 lượt cơ quan, đơn vị và hơn 5.600 doanh nghiệp, hơn 3.800 điểm sáng văn hóa đã được công nhận các danh hiệu văn hóa.

Dịp này, 1 cá nhân, 1 hộ gia đình được nhận bằng khen từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Cùng với đó, UBND TP.HCM trao bằng khen cho 97 tập thể, 24 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000 – 2020.

N.Trinh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)