Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những đứa trẻ lấy chợ làm nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Bài 2: “Ngày sau sẽ ra sao?”

Trẻ chợ dễ bị tiêm nhiễm thói hư của xã hội

Những đứa trẻ đang ở vào độ tuổi trong trẻo nhất của đời người đã phải sớm lăn lộn kiếm sống. Ngày qua ngày, chúng sống vất vưởng trong các khu chợ ẩm thấp và bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu của xã hội. Khi ngước nhìn về tương lai, không biết bọn trẻ này “ngày sau sẽ ra sao?”…
Sống kiểu… không gia đình
Lọm ngồi co người lại trong cái lạnh sương sớm, tay run run cầm điếu thuốc rít những hơi dài khá “sành điệu”. Ai hỏi nó tên gì thì nó trả lời đúng một chữ “Lọm”. Còn khi hỏi về ba mẹ, anh chị em, quê quán nó đều không nhớ rõ. Người ta thấy nó lang thang ở khu chợ đầu mối này đã vài năm nay. Những ngày đầu, Lọm sống bằng nghề lượm mót trái cây, rau củ rồi đem bán rẻ cho khách mua hoặc mang ra các chợ nhỏ bên ngoài bán lại. Bị ăn đòn, đói lạnh, chửi mắng đã thành chuyện thường ngày đối với nó. Hôm nào nhặt nhạnh “ế” quá không đủ ăn, nó đi ngang qua các vựa hàng xin người này một quả xin người kia một củ, góp cả lại đem bán cũng đủ tiền mua bánh mì, ăn cơm. Nhưng dần dần bị các chủ vựa quen mặt, họ đuổi nó đi mỗi khi thấy nó lảng vảng tới gần các vựa củ, quả. Lọm bắt đầu chuyển sang giai đoạn… ăn cắp vặt. Nó vẫn dạo qua các vựa hàng nhưng không giơ tay xin xỏ như trước mà lén bốc đồ rồi lủi đi. Khi bị phát hiện, nó quay lại nhe răng ra cười: “Hôm qua đến giờ chưa ăn cơm, cho một cái ăn đỡ đói”. Có hôm bị rượt đánh, nó vừa chạy vừa rút đồ ăn cắp giấu trong bụng vứt ra trả lại. Có người lấy lại đồ thì đi về, nhưng cũng có người quyết rượt theo đánh đòn cho… bõ ghét. “Lấy trái cây thì phải lựa lúc người ta đang bận kiểm tra phân loại vì lúc đó ít người để ý, mà có bị phát hiện thì cũng ít khi bị đuổi theo. Khi lấy thì chỉ lấy một trái thôi, rồi lấy thêm những chỗ khác gộp lại cho nhiều, chứ lấy nhiều ở một chỗ là bị đánh liền”, Lọm đúc kết “kinh nghiệm” hành nghề ăn trộm trái cây trong quãng thời gian đầu sống ở chợ. Thấy hai bé gái nhỏ cầm bịch trái cây đi ngang qua trước mặt, Lọm ngoắc tay kêu lại: “Lấy hai trái táo ngon ngon ra tao tiếp khách”. Đứa lớn ngoan ngoãn thò tay vào bịch lấy hai trái táo ra đưa cho Lọm, đứa nhỏ với vẻ sợ sệt núp sau lưng đứa lớn. “Nhà hai đứa này lúc trước ở chợ Cầu Muối (quận 1). Gia đình nó mới chuyển về đây làm ăn. Ba mẹ nó đi bốc hàng, chở thuê nên mang theo hai đứa ra đây kiếm ăn luôn. Mới vào nên tụi nó chưa dám ăn cắp mà chỉ lượm mót ở những bãi trái cây bỏ đi thôi”, Lọm nói như có vẻ giải thích. Thành phần trẻ con tuy có cha mẹ nhưng vẫn phải lang thang đi lượm lặt kiếm sống trong chợ không phải là ít. Có thể kể đến như Dương “còm”, Tý “sún”, Cu Đen…
Sống đời chợ, những đứa trẻ thuộc dạng “lính mới” phải răm rắp nghe theo những đứa lớn hơn. Mấy đứa không cha mẹ sống nhờ vào việc lượm mót thường bị người ta dọa nạt, đánh đập. Chúng thức thâu đêm chờ những xe hàng từ khắp nơi đổ về, bới móc trong những sọt trái cây, rau quả đã bốc mùi phân hủy để tìm những thứ còn dùng được đem bán lấy tiền. Ban ngày, khi các khu chợ đã vắng người thì chúng tìm một chỗ nào đó kín gió để ngủ tạm. Thi thoảng bị đánh thức dậy bởi những người quét dọn vệ sinh, chúng lật đật ngồi dậy, lấy tay dụi dụi đôi mắt nửa nhắm nửa mở đi sang chỗ khác… ngủ tiếp.
Chuyển nghề…
Lọm chơi khá thân với Tùng. Tùng tuy bằng tuổi Lọm nhưng không giống như bạn, nó chỉ vừa kiếm sống trong chợ đầu mối này chưa đầy một năm. Lúc mới vào chợ, Tùng và Lọm vẫn thường đánh nhau vì “ma mới” không chịu để “ma cũ” chèn ép. Đánh nhau vài lần rồi đâm ra thân nhau, hai đứa cứ đi cặp kè như hình với bóng lúc nào không hay. Tùng không dọa nạt, bạt tai mấy đứa nhỏ hơn như Lọm vẫn thường làm. Nó siêng năng bới tìm trong đống trái cây hỏng, chạy đi mua những thứ lặt vặt cho các chủ vựa để có tiền “boa” chứ không chịu theo Lọm lấy cắp trái cây. Thấy Tùng thật thà nên mấy chủ vựa khi cho chiếc áo, lúc cho cái nón, đôi dép để dùng cho đỡ lạnh. Phần lớn những thứ đó nó đem chia cho Lọm và mấy đứa nhỏ hơn. Nhiều đêm hai đứa nằm co ro bên cái vựa hàng chờ xe hàng về, Lọm nghe tiếng thằng Tùng khóc rấm rứt. “Biết nó khóc nhưng không biết vì sao nó khóc. Thằng đó không biết làm sao nữa”, Lọm nói với vẻ khó hiểu. Có hôm Lọm đau quá không dậy nổi, Tùng phải chạy đi khắp nơi xin tiền mua thuốc về cho Lọm uống. Uống thuốc được vài bữa nhưng thấy Lọm vẫn “nằm nguyên một đống” nên Tùng đánh liều chạy lên ban quản lý chợ đầu mối nhờ mấy chú bảo vệ… đưa Lọm vào trạm y tế khám bệnh. Sau trận đau sống dở chết dở đó, thằng Lọm bỗng dưng thay đổi tính tình hẳn đi. Nhìn mặt nó có vẻ hiền hơn, nó không còn quát tháo mấy đứa nhỏ hơn như trước đây. Tùng bàn với nó: “Tao nghĩ kỹ rồi, đi ăn cắp như vậy lúc nhỏ thì người ta tha cho, chứ lớn lên sẽ bị công an bắt. Hay ngày mai mình hỏi thử có ai cần người làm không rồi xin vào làm”. Lọm nghe bạn nói trúng ý nên gật gù.
Mấy tháng nay Lọm theo Tùng phụ giúp các chủ vựa đẩy xe tay chất rau củ quả ra đường đứng bán, bán hết xe này lại chạy vào đẩy xe khác ra. Mỗi xe bán được chủ vựa cho chúng 20 ngàn đồng. Một ngày bán được vài xe cũng đủ cho hai đứa sống qua ngày, lâu lâu lại được mấy chủ vựa sắm cho ít đồ. Mặc dù đã “cải tà quy chính” nhưng do không ai quản lý nên chúng dễ bị nhiễm các tật xấu như hút thuốc, đánh bài, chơi game online; thậm chí còn tập tành đi la cà quán xá… Như đám cỏ dại mọc vất vưởng bên đường, cuộc sống thường nhật của những đứa trẻ không gia đình như Lọm như Tùng là những câu chửi thề quen miệng, là những mánh khóe hét giá rồi cò kè bớt một thêm hai. Thấy những đứa trẻ rao hàng lảnh lót, người đi chợ dừng lại hỏi giá, nói mắc rẻ vài câu rồi bỏ đi. Có người đứng xa nhìn chúng thở dài, rồi cũng quay đi…
HỮU TRÍ

Bình luận (0)