Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Bão” thất nghiệp ở xóm thợ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bài 3: Nỗi buồn “phố cưới”…

Nhà hàng tiệc cưới Hồng Liên cả tháng nay rất vắng vẻ

Cuối năm 2008, nền kinh tế suy thoái, nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất, kéo theo hàng loạt người lao động mất việc. Và các dịch vụ buôn bán cũng trầy trật. Riêng nghề kinh doanh tiệc cưới cho công nhân tại KCN Sóng Thần, KCN Linh Trung… vài tháng trước đây được xem là “ăn nên làm ra” bây giờ cũng rơi vào cảnh khốn đốn.
Thời hoàng kim còn đâu
Địa bàn quận Thủ Đức có KCX Linh Trung I, Linh Trung II, giáp ranh là KCN Sóng Thần (huyện Dĩ An – Bình Dương) thu hút hàng trăm ngàn lao động đến sinh sống và làm việc. Kéo theo nhiều loại hình dịch vụ ra đời, từ tiệm cơm bình dân, quán cà phê, quán nhậu…, nhưng đặc trưng nhất vẫn là những “phố cưới công nhân” mọc lên như nấm sau mưa nằm san sát nhau. Gọi là “phố cưới công nhân” bởi người đặt tiệc cưới ở đây chủ yếu là công nhân ở các KCX, KCN và một bộ phận người lao động nhập cư. “Phố cưới công nhân” nên giá cả mọi thứ từ quay phim, chụp hình, thuê áo cưới cho đến đặt bàn tiệc cũng rất “công nhân”. Và những người kinh doanh tiệc cưới ở khu vực này phất lên trông thấy. Cứ vào mỗi chiều thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, đi dọc theo khu vực “phố cưới” đoạn đường từ cầu vượt Linh Xuân đến cầu vượt Sóng Thần, người đi đám cưới sẽ bị hoa mắt không biết tấp vào đám nào bởi hai bên đường có đến mấy chục cặp cô dâu chú rể đứng san sát nhau chào khách. Hay như “phố cưới” trên đường 550 cũng rất phồn thịnh với hàng loạt nhà hàng tiệc cưới bình dân.
Thế nhưng đó chỉ là những năm về trước khi mà lượng công nhân còn nhiều, công việc ổn định. Còn bây giờ đến những khu vực này, nhà hàng nào cũng trống vắng, những chiếc bàn, ghế bị một lớp bụi phủ kín. Hỏi đến chủ nhà hàng nào cũng lắc đầu ngán ngẩm, thỉnh thoảng chỉ có một vài tân nương – tân lang đến hỏi xem bảng giá tiệc cưới rồi đi luôn. Nếu trước đây khu vực này nhộn nhịp “vu quy – tân hôn” bao nhiêu thì bây giờ cảnh trống vắng lại tỷ lệ thuận bấy nhiêu.
Chiều cuối tuần ngày 21 – 2, sau khi đảo một vòng từ cầu vượt Linh Xuân đến cầu vượt Sóng Thần, trời đã xế bóng, chúng tôi thấy gần 10 nhà hàng tiệc cưới trên đoạn đường này như Phương Đông, Hồng Liên… đều phủ kín bàn ghế không một động tĩnh gì là sắp diễn ra tiệc cưới. Quay ngược xuống dưới chân cầu vượt Sóng Thần, dọc theo đoạn đường Bình Đường 1 thuộc phường An Bình (Dĩ An, Bình Dương ), có 4 nhà hàng chuyên tổ chức tiệc cưới cũng rất vắng vẻ. Vẻ mặt đăm chiêu hướng ra mặt đường, miệng phì phà điếu thuốc với tâm trạng buồn bã, ông Tuấn chủ nhà hàng tiệc cưới bình dân Tuấn Lan lật đi lật lại từng trang giấy trong cuốn sổ của mình vẫn không hiểu nổi vì sao cả tháng nay, không có lấy một khách hàng nào đến đặt tiệc. Ông không ngờ, mới đây mấy tháng trong năm còn nhộn nhịp, lúc nào cũng có khách hàng đến đặt tiệc với số lượng lớn mà bây giờ lại vắng như vậy. “Gần cả tháng nay, hầu như không có ai đến đặt tiệc cưới, thỉnh thoảng có vài người đến hỏi, xem bảng giá rồi đi luôn. Chỉ có một đôi cô dâu chú rể đặt tiệc vào cuối tháng 2 này, nhưng cũng chỉ được 17 bàn, chẳng ăn thua gì chú ơi!” ông Tuấn than. Khuôn viên nhà hàng của ông Tuấn có 3 khu vực, từ hạng rất bình dân cho đến hạng trung bình. Đơn giá cho mỗi bàn tiệc của nhà hàng từ 600 – 1.000.000 đồng tùy theo thực đơn. Kinh doanh 6 năm trở lại đây, ông chưa thấy khi nào lại hẻo như lúc này. Cách đó khoảng 100 mét là nhà hàng tiệc cưới Hồng Vy, diện tích khuôn viên chỉ vừa kê đủ khoảng 20 bàn, nền được lót bằng gạch bông nhưng vách ngăn lại là ván ép, giá bàn tiệc chỉ từ 600 – 800 ngàn đồng. Bình dân là thế nhưng xem ra Hồng Vy cũng không thu hút được khách là mấy so với các điểm kinh doanh khác trong thời điểm này, thậm chí còn hẻo hơn. Bà chủ Hồng Vy buồn rầu than: “Ròng rã cả tháng nay không có một người đến đặt tiệc, hàng bán không được, trong khi chi phí điện, nước, người trông quán vẫn phải trả tiền. Tình trạng này kéo dài chắc tôi phải sang quán để đổi nghề quá”. Để cắt giảm chi phí trong những ngày này, ông Tuấn cũng đã cho nhiều nhân viên tạp vụ và đầu bếp nghỉ việc, khi cần mới gọi, chỉ giữ lại một người trông quán và một người ghi sổ. Tại các nhà hàng cưới công nhân ở đường Bình Đường 2, 550 tình hình cũng không có gì khá hơn.
“Phố cưới” nằm sát các dãy nhà trọ khu vực giáp ranh Thủ Đức và huyện Dĩ An đã thế, “phố cưới” trên đoạn đường cầu vượt Linh Xuân đến cầu vượt Sóng Thần cũng cùng cảnh ngộ. Khu vực này đều là những nhà hàng có giá nhích hơn đối với các nhà hàng ở trên (giá mỗi bàn tiệc 800 ngàn – 1,2 triệu). Mỗi nhà hàng có thể tổ chức được cùng lúc 4 – 5 tiệc cưới. Một nhân viên của nhà hàng H.L cho biết: “Không riêng gì H.L, mà ngay cả các nhà hàng bên cạnh H.L cả tháng nay không có một chú rể, cô dâu nào đến “viếng”, chúng tôi đành phải chờ chứ biết làm sao”. Để “kích cầu” nhiều nhà hàng đã tổ chức khuyến mãi như đặt 15 bàn trở lên sẽ được miễn phí chương trình văn nghệ, MC… nhưng cũng không mấy khả quan. Anh Tùng chạy xe ôm ngay trước cửa nhà hàng H.L giãi bày: “Lâu lắm rồi, khu vực này mới vắng lặng đến thế, lúc trước tôi chở khách đi đám về cũng được kha khá, nhưng bây giờ thì không còn”. Và xem ra cảnh các “phố cưới” công nhân sẽ còn vắng lặng dài dài.
Chụp hình, làm đầu cũng… “đói”
Nằm xen kẽ với những nhà hàng tiệc cưới này là các tiệm chụp hình cưới, trang điểm cô dâu, cho thuê áo cưới đều lâm vào cảnh… “đói khách”. Anh Nguyễn Văn Bình, chuyên chụp hình cưới ở khu vực này được 6 năm chua chát nói: “Đầu năm đến giờ tôi mới chỉ chụp được một đám đãi 20 bàn, chụp có 30 kiểu thôi. Theo nghề thì phải làm chứ tính ra 30 kiểu ảnh chẳng được mấy đồng chú ạ. Cả tháng nay chụp chưa được một album ảnh nên không biết làm sao đây. Còn đi chụp ngoại cảnh thì hiếm lắm, thi thoảng mới có người gọi”. Khổ nỗi nhà anh Bình còn 3 miệng ăn, vợ anh bán đồ ăn sáng ở chợ Linh Xuân cũng bị ế ẩm, 2 đứa con đang độ tuổi ăn tuổi học, tiền chi tiêu phụ thuộc chính vào anh.
Hàng loạt tiệm trang điểm cô dâu dọc 2 bên quốc lộ 1A cũng vắng bóng người, nhân viên trong quán chỉ biết ngồi nhìn nhau mà “tám”. Tiệm trang điểm, cho thuê áo cưới Mỹ Dung (đoạn gần cầu vượt Sóng Thần) trước kia ngày nào cũng có người đến thuê áo, trang điểm, bây giờ không bằng một phần của năm ngoái. Chị Dung chủ tiệm ta thán: “Đúng là cả tháng nay không làm ăn được, chỉ có một vài khách đến làm tóc, chẳng thấy một bóng cô dâu nào cả, mấy bộ đầm, áo vét cũng không có người ngó tới”.
Không có cô dâu – chú rể, không có đám cưới, nhà hàng không có việc, lại xuất hiện thêm một bộ phận nhân viên tạp vụ, bồi bàn thất nghiệp. Chưa nói đến mấy anh chụp hình, chị trang điểm mà ngay cả mấy bác xe ôm trước nhà hàng cũng chỉ biết ngồi bó gối nhìn nhau mong cho qua “vận hạn”. Và bây giờ họ chỉ biết trông chờ “thượng đế” của họ là những cặp cô dâu chú rể xuất hiện.
Nguyên Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)