Lễ tưởng niệm hơn 4.000 tù binh bị địch sát hại, thảm sát tại nhà tù Phú Quốc – một địa ngục trần gian thời Mỹ – Ngụy trong thời gian từ 1967 – 1973, là dịp để bày tỏ tình cảm yêu thương, cùng tri ân tưởng nhớ cán bộ, chiến sĩ tù binh cách mạng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 5 Lê Tấn Tài chia sẻ tại tọa đàm
Sáng 6-5, Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 5 phối hợp Ban liên lạc cựu tù binh Việt Nam/Phân khu B8, Ban Chỉ huy Quân sự và Quận Đoàn 5 tổ chức lễ tưởng niệm tù binh bị địch sát hại tại trại giam Phú Quốc và Tọa đàm “Tù binh Phú Quốc – Bất khuất, kiên cường và sống cuộc đời đáng sống”.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 5 Lê Tấn Tài cho biết, việc tổ chức lễ tưởng niệm hơn 4.000 tù binh bị địch sát hại, thảm sát tại nhà tù Phú Quốc – một địa ngục trần gian thời Mỹ – Ngụy trong thời gian từ 1967 – 1973, là dịp để bày tỏ tình cảm yêu thương, cùng tri ân tưởng nhớ cán bộ, chiến sĩ tù binh cách mạng; đồng thời có những hành động thiết thực để hàn gắn những vết thương năm xưa, xây đắp cuộc sống để mọi người đều được sống trong yên vui, hạnh phúc.
Các đồng chí cựu tù binh Phú Quốc đã hy sinh, có người mất đi một phần thân thể của mình nơi chiến trường, thậm chí có nhiều chiến sĩ cách mạng mãi đến hôm nay vẫn mang trong mình di chứng của chiến tranh đang hành hạ bởi những đòn roi tra tấn, đánh đập dã man của kẻ thù, trong đó có nơi gọi là “địa ngục trần gian”.
Cựu tù binh Phú Quốc chia sẻ những câu chuyện tra tấn năm xưa tại trại giam Phú Quốc
Khi đối mặt với kẻ thù, những cán bộ chiến sĩ kiên trung ấy vẫn giữ vững khí tiết trong người cộng sản cách mạng khi sa vào tay địch. Các đồng chí đã biến nhà tù thành một trường học cách mạng để trui rèn và tiếp tục đấu tranh với kẻ thù, đó như là một chiến trường thứ hai. “Thế hệ hôm nay và mai sau phải luôn ghi nhớ, trân trọng giá trị thống nhất, độc lập”, ông Lê Tấn Tài nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng trao đổi nhắc nhở về giai đoạn đấu tranh hào hùng của cựu tù binh Phú Quốc, nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn những gian khổ của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày, những thủ đoạn tàn ác, dã man của kẻ thù; với tinh thần hòa hợp nhưng không quên quá khứ bi hùng để có hôm nay, biết giữ gìn sự quý giá của hòa bình hôm nay.
Trưởng ban liên lạc tù binh Phân khu B8 Nguyễn Minh Hoàng cho biết, Ban liên lạc tù binh chống Mỹ Việt Nam và Ban liên lạc tù binh chống Mỹ Phân khu B8 đã tổ chức lễ tưởng niệm tù binh bị địch sát hại tại trại giam Phú Quốc hàng năm vào ngày 6-5.
Bên cạnh đó, 30 năm qua, Ban Liên lạc tù binh phân khu B8 đã vận động quyên góp tiền của, công sức của cựu tù binh phân khu B8 để hỗ trợ vốn cho anh em còn khó khăn, xây dựng nhà tình nghĩa cho các đồng chí không có nhà ở, đã xây dựng được 27 căn nhà tình nghĩa ở TP.HCM, Long An, Bình Thuận, Sóc Trăng,…
Các đại biểu tưởng niệm tù binh bị địch sát hại tại trại giam Phú Quốc
Thiếu tá Nguyễn Văn Bình, Trợ lý cán bộ, Bí thư Chi đoàn Ban Chỉ huy Quân sự Quận 5, bày tỏ xúc động trước tấm gương hy sinh vô bờ bến của các anh hùng liệt sĩ. Các thế hệ ngày nay và mai sau mãi mãi ghi nhớ và tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng bất khuất, kiên cường chiến đấu không quản ngại hy sinh gian khổ của các thế hệ đi trước, để tạo thành sức mạnh vô hạn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, TP.HCM và quận 5 nói riêng ngày càng phát triển nhanh, vững mạnh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc là trại giam tù binh có quy mô lớn nhất ở miền Nam Việt Nam, có 12 khu, chia làm 44 phân khu giam. Trong thời gian 7 năm, từ 1967 đến 1973, tù binh bị giam đông nhất hơn 40.000 người; trong đó hơn 4.000 tù binh bị giết hại. Tù binh chống Mỹ bị địch giam cầm ở đảo Phú Quốc từ năm 1967 đến năm 1973, thời gian 7 năm. Chúng dùng đủ mọi hình thức tra tấn, sát hại hơn 4.000 tù binh.
Ngày 6-5-1972, trong vài phút đồng hồ, địch đàn áp đẫm máu tù binh Phân khu B8 – Phú Quốc, bắn đạn nhọn vào trại giam. Đa số tù binh của cả nước góp ý kiến Ban liên lạc tù binh chống Mỹ nên lấy ngày 6-5 hàng năm làm lễ tưởng niệm chung cho tù binh Phú Quốc và cả nước.
N.Trinh
Bình luận (0)