Kỳ cuối: Hệ lụy từ những “xóm tạm cư”
Cảnh nhếch nhác ở “xóm tạm cư” |
Những “xóm tạm cư” khuất sau ánh đèn đô thị đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như an ninh trật tự trên địa bàn.
Ô nhiễm môi trường
Môi trường ở khu Nam Sài Gòn từ hơn một năm nay đã trở nên ô nhiễm nghiêm trọng khi ở đây hình thành “đại công trường” kéo theo hàng loạt “xóm tạm cư” mọc lên. Hiện tại, cả khu có trên 30 ngôi nhà tạm với trên 100 nhân khẩu. Phần lớn cư dân ở đây là công nhân xây dựng của các công trình gần đó.
Dọc theo con đường dẫn về khu Nam xuất hiện nhiều bãi rác gây ô nhiễm môi trường. Cả một bãi đất trống trước công trình xây dựng nhà Phú Hoàng Anh (quận 7) vào ngày nắng, mùi hôi thối bốc lên từ các bãi rác, còn ngày mưa nước ngập, rác theo nước tràn lên cả mặt đường. Bà Dương Thị Ngọc, người dân địa phương bức xúc, nói: “Từ khi các dãy nhà tự phát mọc lên, môi trường sống trở nên nhếch nhác, ô nhiễm, chưa kể nhiều đêm công nhân tổ chức nhậu nhẹt gây mất an ninh trên địa bàn”.
Một cán bộ phường Tân Thuận Tây (quận 7) cho biết: “Hiện nay, các chủ thầu xây dựng đã đứng ra đăng ký tạm trú cho công nhân xây dựng đúng theo quy định của pháp luật, tuy nhiên vẫn có nhiều công nhân, chủ thầu cố tình phớt lờ, không đăng ký tạm trú gây khó khăn trong công tác quản lý nhân khẩu”.
Không chỉ có dân nhập cư, người dân địa phương nghèo, không có điều kiện xây dựng nhà cũng đã thành lập nhiều khu nhà tự phát. Những ngôi nhà tự phát xây dựng bằng vật liệu rẻ tiền, sơ sài lại cho người lao động thuê lại với giá rẻ. Với kiểu sống nửa quê, nửa phố, ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường của cư dân tạm cư rất thấp nên bộ mặt đô thị vùng ven trở nên nhếch nhác. Hàng chục căn nhà tự phát ở khu Nam đều không có nhà vệ sinh, việc “giải quyết”, tắm giặt thường ở ngoài kênh rạch, khu đất trống.
Ở tổ 33, ấp 8, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân là một ví dụ điển hình về cảnh cãi cọ, đánh nhau thường ngày, nhất là khi màn đêm buông xuống. Tệ hại hơn, ở những “xóm tạm cư” là nơi phát sinh tệ nạn xã hội.
Nỗi lo an ninh
Trong thời gian qua, các xóm tạm cư ở vùng ven TP.HCM là nơi lẩn trốn khá an toàn của tội phạm từ các tỉnh, thành. Nhiều tội phạm như giết người, cướp của lần lượt được cơ quan điều tra phát hiện, bắt giữ khi đang ẩn náu ở vùng ven. “Xóm tạm cư” còn tồn tại nhiều tệ nạn xã hội mà khi đi sâu vào bên trong mới có thể nhận thấy được. Những sòng bài với các con bạc đủ mọi thành phần già, trẻ, lớn, bé. Sòng bài tứ sắc, tiến lên và những “tổ bàn đề” vẫn âm thầm diễn ra. “Xóm tạm cư” nằm trên đường Phạm Hùng (Chánh Hưng cũ) thuộc địa bàn quận 8 từ nhiều năm nay trở thành một điểm nóng về tệ nạn xã hội. Ngay trung tâm xóm, một trường gà với quy mô lớn thu hút hàng trăm con bạc chuyên đá gà cá độ từ quận 4, quận 7, quận 1 sang hoạt động rôm rả từ sáng sớm đến chiều tối. Mặc dù chính quyền địa phương rất nỗ lực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, xóa nhiều tụ điểm cờ bạc nhưng sau những đợt truy quét thì đâu lại vào đấy. Không như những xóm tạm cư khác, xóm tạm cư này phần lớn là người địa phương xây dựng nhà trên các khu đất quy hoạch treo. Điều đặc biệt là phần lớn cư dân ở đây đều làm thuê vào ban đêm với công việc bốc vác, vận chuyển hàng ở chợ. Còn phụ nữ cũng thế, họ hành nghề bán trứng vịt lộn, bắp nấu cũng vào ban đêm nên ban ngày không biết làm gì, rất dễ sa vào tệ nạn như nhậu nhẹt, đánh bài và lô đề. Hơn nữa, với suy nghĩ “không còn gì để mất”, cư dân xóm tạm cư không màng đến tương lai của mình, làm có tiền ngày nào tiêu xài ngày ấy, thế là khi có tiền thì thoải mái ăn nhậu, cờ bạc.
Cư dân tạm cư khi sinh con ra không thèm làm giấy khai sinh nên trẻ em ở đây rất ít em được đến trường. Với cuộc sống rày đây mai đó, không ít cư dân mới đến ở chưa bao lâu rồi lại khăn gói ra đi vì nhiều lý do như thay đổi công việc, nơi làm việc. Nhưng nguyên nhân chính khiến họ phải ra đi là gây án và nợ nần quá nhiều phải lẩn trốn để thoát thân. Nhiều hộ gia đình là dân địa phương chính gốc nhưng từ khi tại nơi mình ở hình thành “xóm tạm cư” cũng phải ra đi tìm một nơi an cư mới vì sợ con cái mình bị ảnh hưởng tiêu cực. Ông Nguyễn Bá Chí, nhà ở Bình Chánh nói: “Trước đây tôi ở ấp 8, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Thấy cảnh nhậu nhẹt, cờ bạc diễn ra rôm rả từ đầu đến cuối xóm ai mà không lo. Khổ nỗi, tôi có hai thằng con trai học đến hết lớp 10, 11 thì không chịu đi học nữa, chỉ sợ chúng ở nhà chơi bời lêu lổng rồi kết thân với thanh thiếu niên xấu ở xóm tạm cư sẽ hư thân nên tôi đã chuyển về Bình Chánh sinh sống”.
Hệ lụy từ những “xóm tạm cư” đang ngày càng làm xấu đi bộ mặt đô thị vốn trong lành và an toàn của vùng ven. Đã đến lúc các cơ quan chức năng làm điều gì đó trước khi quá muộn.
Tuy An
Bình luận (0)