Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP.HCM: Báo động tình trạng xuống cấp các di tích

Tạp Chí Giáo Dục

Bài cuối: Lời khẩn cầu từ các di tích

Nếu không được quan tâm, những DT có giá trị như chùa Giác Viên này sẽ có nguy cơ biến mất. Ảnh: V.M

Theo thống kê của Phòng Quản lý di sản thuộc Sở VH-TT-DL TP.HCM, toàn TP.HCM có 101 di tích (DT), trong đó 54 DT được xếp hạng DT cấp quốc gia, số còn lại là cấp TP và hơn 240 công trình, địa điểm cần được nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị xếp hạng DT. Thế nhưng hiện nay, nhiều di tích cấp quốc gia, cấp TP đang trong tình trạng kêu cứu…
Làm nửa vời
Những năm gần đây, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc giữ gìn, chống xuống cấp các DT. Nhờ vậy, diện mạo một số DT có phần khởi sắc hơn, mang lại hiệu quả văn hóa – xã hội – du lịch như: địa đạo Củ Chi, Hội trường Thống Nhất (quận 1), chùa Giác Lâm (Tân Bình); lễ hội Nghinh Ông tại khu vực Lăng Ông Thủy Tướng (Cần Giờ); lễ Kỳ yên tại đình Phú Nhuận, Chí Hòa (quận 10)…
Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục DT cấp quốc gia, cấp TP cần trùng tu – tôn tạo, đặc biệt đối với các DT bị lấn chiếm, xây dựng trái phép và DT đã được khai thác nhưng môi trường xã hội vẫn lộn xộn… Thực tế cho thấy, từ năm 2000 đến nay, TP.HCM chỉ “rót” ngân sách để thực hiện tu sửa các DT như: Ngã Ba Giòng (Hóc Môn), địa đạo Bến Dược (Củ Chi), căn cứ Rừng Sác (Cần Giờ) và khu DT dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc (Bình Chánh), khu tưởng niệm các Vua Hùng – công viên lịch sử – văn hóa dân tộc (Q.9). Còn các dự án được khoanh vùng để trùng tu – tôn tạo như: chùa Phụng Sơn (đường 3/2, Q.11) với kinh phí hơn 100 tỷ đồng; chùa Giác Viên (Q.11), lăng Ông Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh)… đã có kế hoạch từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn còn vướng khâu giải tỏa hoặc chưa giải ngân được… Trước thực trạng chung này, một số ban quản lý các DT như: Hội quán Tuệ Thành, Nghĩa An, Lê Châu (Q.5); tịnh xá Ngọc Phương (Gò Vấp), lăng Ông Bà Chiểu (Bình Thạnh) đã tự tìm nguồn kinh phí để đền bù, hỗ trợ giải tỏa các hộ dân trong khu vực DT hay trùng tu DT. Mô hình xã hội hóa này cũng được các ban, ngành chức năng TP khuyến khích đối với Ban quản lý, Ban quản trị các DT còn lại. 
Ngoài ra, một số DT bị xâm hại do công tác quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội!”. Nhiều DT lịch sử-văn hóa cách mạng còn thiếu hẳn những công trình tôn tạo mang tính mỹ thuật như: tượng đài, phù điêu, văn bia… cụ thể như DT dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc (Bình Chánh) đã được đầu tư xây dựng hoành tráng, nhưng lại quá chú trọng xây mới đã vô tình làm “bê tông hóa” DT, một số khác đầu tư nhỏ giọt nên nội dung nghèo nàn… Một vấn đề bất cập khác trong công tác trùng tu – tôn tạo chính là khi thực hiện không giữ đúng nguyên bản mà đã làm “mới hóa, trẻ hóa” các DT. Do thiếu sự quản lý, chỉ đạo chặt chẽ và ít được các nhà chuyên môn tư vấn nên một số DT thuộc sở hữu tư nhân được trùng tu theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, vô tình phá vỡ những gì vốn có và cần gìn giữ…
Chưa có “lời giải”
Giữa năm 2004, UBND TP.HCM ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án tu bổ, phục hồi DT nhưng đến nay vẫn chưa có sự chuyển biến. Nhiều dự án trùng tu – tôn tạo kinh phí lên tới hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng mỗi khu, nhưng cũng chưa đâu vào đâu! Phần lớn vẫn còn “treo” vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong số đó có DT cấp quốc gia như: chùa Phụng Sơn (đường 3/2, Q.11) còn 132 hộ dân nằm trong khu vực II (10.725m2) chưa được giải tỏa, kinh phí đền bù 110 tỷ đồng; Lò gốm cổ Hưng Lợi (P.16, Q.8) có diện tích khu vực II là 40.000m2 cũng vướng phải hộ dân lấn chiếm và được cho ở từ trước ngày giải phóng; chùa Giác Viên (P.3, Q.11) đang được điều chỉnh mở rộng khu vực bảo vệ nhưng tình hình còn nhiều phức tạp… Đặc biệt hơn là DT cấp quốc gia Trụ sở phái đoàn liên lạc của Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cạnh Phân ban Quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến tại Sài Gòn (1955 – 1958), số 87A Trần Kế Xương (P.7, Q.Phú Nhuận, diện tích khu vực I, II là 7.485m2) đã bị đơn vị quản lý DT này cho một công ty sử dụng làm trụ sở.
Trong nhiều DT tại TP.HCM, đình An Phú (Q.2) là rơi vào tình trạng “bi đát” nhất bởi do nhiều năm sử dụng đến nay đã quá “date” đình có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nền đình thấp do nhiều công trình xây dựng nâng nền làm nước chảy lênh láng trong điện thờ. Trước tình hình đó vào tháng 11-2008, UBND quận 2 đã có báo cáo khẩn (số 345/BC-UBND) về tình trạng của đình gửi TP. Tuy nhiên tình hình cũng chưa có biến chuyển là bao. Mới đây nhất theo Quyết định 541/QĐ-UBND, tháng 1-2009 thì quận được phép sửa chữa chống ngập với kinh phí 258 triệu đồng. Nhưng khi khảo sát để viết bài này chúng tôi vẫn chưa thấy nhúc nhích gì.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý Nhà nước về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, phải tạo được hành lang pháp lý trong sử dụng, quản lý; kịp thời giải tỏa tình trạng lấn chiếm nhằm lập lại trật tự kỷ cương tại những DT bị xâm hại. Cho mọi người ý thức và hiểu được giá trị của DT, cũng như tầm quan trọng và vai trò của nó trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước. Nếu không làm thay đổi nhận thức xã hội về giá trị và tài sản văn hóa, thì chủ trương chính sách có phù hợp đến đâu cũng khó trở thành hiện thực. Trong khi đó không ít nơi có điều kiện nhưng ít “mặn mà” với DT vì cho rằng đã là DT lịch sử – văn hóa được xếp hạng thì Nhà nước phải có trách nhiệm bảo tồn. Và vì nhiều lý do khác những giá trị văn hóa mà DT mang lại có nguy cơ biến mất.
Văn Mạnh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)