LTS: Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được khống chế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ thì cơ hội và thách thức nào cho các bạn trẻ ở TP.HCM khởi nghiệp để cùng góp sức mình xây dựng TP thông minh? Đó là nỗi trăn trở của ThS. Lê Nhật Quang – Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại hoc Quốc gia TP.HCM.
ThS. Lê Nhật Quang
1. Theo báo cáo dự báo của Nikkei và IMF thì kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 2,6% trở lên trong năm 2020, và đương nhiên hệ sinh thái khởi nghiệp cũng ảnh hưởng tương ứng. Điều này đã thể hiện rõ qua các con số của Tổng cục Thống kê 10 tháng đầu năm. Cả nước có 111.160 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2019. Quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường đang có xu hướng tăng, vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 14,3 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019. Và nếu nhìn theo chỉ số sáng tạo toàn cầu 2020 (do Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế – World Intellectual Property Organization công bố) thì Việt Nam đứng vị trí thứ 42 với 37,12 điểm. Và đứng thứ nhất đối với cụm các nước có thu nhập trung bình thấp.
Những ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là các hoạt động kết nối, giao thương, hợp tác với quốc tế. Các dự án khởi nghiệp liên quan đến những ngành dịch vụ ăn uống, du lịch, đào tạo, xuất nhập khẩu theo cách làm truyền thống. Đối với các sản phẩm/dịch vụ khởi nghiệp đã ứng dụng công nghệ, đặc biệt là CNTT, truyền thông vào mô hình kinh doanh, thì lại có sự tăng trưởng vượt bậc. Đó là các sản phẩm khởi nghiệp trong lĩnh vực EdTech, FinTech, thương mại điện tử, mạng xã hội và các nền tảng kết nối online, điều tăng trưởng nhanh và mạnh. Nói tóm lại, nếu đúng thuật ngữ “startup” (khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) thì đại dịch vừa rồi lại là thời cơ cho các dự án phát triển. Vì vậy, định nghĩa về khởi nghiệp sẽ không có gì thay đổi.
Sản phẩm khởi nghiệp từ bã mía của nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) xuất sắc giành giải ba trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kết hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi nhiều ngành nghề trong xã hội, việc khởi nghiệp của người trẻ hiện nay cũng gặp nhiều thách thức.
Nhìn từ thực tế, dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã phản ánh đúng với bản chất của thị trường, đó là tính hỗn loạn, thay đổi nhanh, bất định và khó dự đoán. Chính tính chất này sẽ làm thay đổi nhiều ngành nghề, cấu trúc kinh tế – xã hội. Những ngành nghề, những mô hình kinh doanh ngày hôm nay sẽ bị biến mất vĩnh viễn trong 5-10 năm nữa và thay vào đó là những ngành nghề mới, những mô hình kinh doanh mới. Vì vậy, người trẻ, hoặc những ai muốn khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thì cần nắm rõ các xu hướng công nghệ, xu hướng vận hành của nền kinh tế, và sáng tạo ra các mô hình kinh doanh mới, dựa vào các loại hình đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ. Cụ thể ở Việt Nam, người trẻ có thể tham khảo thêm một số lĩnh vực ưu tiên được đề cập trong Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16-12-2020 về việc Ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghệ số, vật lý, sinh học, năng lượng và môi trường.
2. TP.HCM vừa chính thức thành lập TP.Thủ Đức với khát vọng xây dựng TP thông minh. Theo đó, TP.Thủ Đức được định hướng trở thành TP sáng tạo, tương tác cao. Với những hoạt động đổi mới sáng tạo, trao đổi tri thức, tương tác thông minh diễn ra với mật độ cao. Nơi đây là nơi tập trung nguồn lực về tri thức, công nghệ và thị trường kết nối quốc tế. Vì vậy, sẽ là cơ hội lớn để người trẻ có thể góp công sức của mình vào đó thông qua các hoạt động kinh tế – xã hội, mà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một phần quan trọng. Đối với các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các nhà sáng lập, sẽ có nhiều cơ hội và “đất dụng võ” khi ở đây tạo những môi trường để các bạn có thể sản xuất, thử nghiệm và triển khai thử các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo. Ở đây cũng đã sẵn sàng với các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp như Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM (IEC), Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) nằm trong các môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, như hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG-HCM (ITP), Khu công nghệ cao (SHTP).
Ngoài năng lực tổng hợp và phân tích để hiểu sâu về môi trường vĩ mô, các nhà khởi nghiệp cần có kiến thức và kỹ năng cụ thể của nhà sáng lập. Theo tôi, nó là sự tổng hòa của các kỹ năng thế kỷ 21, 16 kỹ năng do Diễn đàn kinh tế thế giới – World Economic Forum (2015) đề xuất. Sau đó là cách thức tư duy để triển khai, nó gói gọn trong khái niệm “nghĩ lớn, làm nhỏ và phải học nhanh”. Cuối cùng, điều quan trọng nhất cho những nhà sáng lập là phải xây dựng một thái độ học tập suốt đời, không ngừng nâng cấp chính mình để đáp ứng được sự thay đổi của môi trường. |
Dự án khởi nghiệp và nhà sáng lập cần một môi trường hỗ trợ thật sự, để giúp cho dự án phát triển. Hay nói nôm na là phải cần một hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đầy đủ, hiện hữu kể cả vật lý và kết nối, nơi hội tụ các yếu tố và nguồn lực hỗ trợ. Các dự án khởi nghiệp cần gia nhập vào các hệ sinh thái khởi nghiệp, để gia tăng xác suất thành công nhờ có được nguồn lực phát triển. Tại TP.HCM rất thuận lợi là có nhiều cụm hệ sinh thái khởi nghiệp hỗ trợ cho các dự án. Cụ thể tại TP.Thủ Đức, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ITP có diện tích 19ha, nơi đây hội tụ được các yếu tố cơ bản để hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Với Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM là nơi thực hiện chuyên biệt các dịch vụ, chương trình hỗ trợ tích hợp. Từ việc đưa các ý tưởng của sinh viên, nhà khoa học, cộng đồng trở thành các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đến việc kết nối và đầu tư. Nơi đây tập trung mật độ cao hơn 50 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực Edutech, Fintech, Medtech, AriTech, AI, Blockchain… và các trung tâm sáng tạo của các tập đoàn lớn như DKSH, Specialized, Lotte, AIC với doanh thu hàng tỉ đô/năm…
ThS. Lê Nhật Quang
Bình luận (0)