Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhiều đề xuất phát triển vùng ĐBSCL

Tạp Chí Giáo Dục

 

Ngày 20-11, Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước, và các địa phương khu vực ĐBSCL tổ chức hội thảo tham vấn về Định hướng phát triển ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn  đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương chủ trì


Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương phát biểu

Được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thuỷ sản, cây ăn quả của cả nước, nhưng vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức, bao gồm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng và những thảm hoạ thiên tai khác gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, sạc lở bờ sông, ngập lụt tại các đô thị, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống người dân.

Để tháo gỡ những vấn đề trên, giải pháp được đa số các cơ quan, đơn vị thống nhất là phải giải quyết trên quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực; xử lý đồng bộ và có sự phối hợp, liên kết giữa các ngành, các địa phương trên một tầm nhìn dài hạn. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, các địa phương trong vùng xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với BĐKH theo phương pháp tích hợp đa ngành mà Luật Quy hoạch qui định. Đến nay quy hoạch đã hoàn thành và đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương.


Đại diện Liên danh tư vấn Royal Haskoning & GIZ trình bày phương án Quy hoạch ĐBSCL

Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản thống nhất với 5 quan điểm phát triển của dự thảo quy hoạch gồm: Phát triển bền vững; Biến thách thức thành cơ hội; Phát triển tập trung; Thực hiện liên kết vùng; Tập trung vào phát triển hạ tầng. Về phía các địa phương, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố đều có những kiến nghị bổ sung vào quy hoạch, trong đó tỉnh An Giang đề xuất bổ sung 9 dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, cần thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Tỉnh Cà Mau đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù phát triển vùng ĐBSCL; Xem xét cho các tỉnh được áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH. Tỉnh Sóc Trăng kiến nghị bổ sung Cảng biển nước sâu tại Trần Đề vào quy hoạch nhằm định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỉnh Trà Vinh đề nghị Bộ KH-ĐT nghiên cứu xác định rõ đường ranh giới giữa vùng nước ngọt và vùng nước mặn, và giao từng tỉnh được định hướng quy hoạch để các địa phương chủ động trong kế hoạch sử dụng đất phục vụ phát triển. Tỉnh Đồng Tháp kiến nghị điều chỉnh tăng kế hoạch phát triển điện năng lượng mặt trời tại vùng Đồng Tháp Mười. TP Cần Thơ kiến nghị ưu tiên bổ sung nguồn vốn ODA để phát triển hạ tầng giao thông, giữa TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ, và giữa các tỉnh trong vùng.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết: Những ý kiến của các địa phương và các chuyên gia sẽ là chất liệu quan trọng để giúp Bộ KH-ĐT hoàn thiện Quy hoạch, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 12-2020.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)