Môn toán cùng với môn tiếng Việt ở cấp tiểu học (sau đó là môn ngữ văn ở cấp THCS và THPT) là hai môn học gắn bó dài nhất với cuộc đời mỗi học sinh, từ lớp 1 đến lớp 12. Vậy học toán có ích gì mà các nhà giáo dục lại yêu cầu học sinh học với thời lượng nhiều như thế?
Học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) học toán ngoài không gian lớp học (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Theo tôi, đó là do nó có các ích lợi sau: Thứ nhất, rèn luyện bộ não: Trong cuộc sống, chúng ta có thể không trở thành một vận động viên thể thao nhưng chúng ta vẫn thường xuyên tập thể dục mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe. Chúng ta có thể không cần trở thành nhà toán học hay giáo viên dạy toán nhưng vẫn nên học toán để “tập thể dục” cho bộ não của mình. Hằng ngày, chúng ta gặp rất nhiều tình huống trong cuộc sống, có những tình huống hoàn toàn mới đòi hỏi bộ não cần phải xử lý. Để xử lý được tình huống đòi hỏi bộ não phải “nhớ”, “tìm tòi”, “liên tưởng”… với những tình huống quen thuộc đã gặp. Nếu bộ não thường xuyên được rèn luyện thì “phản xạ” của bộ não sẽ nhanh hơn, kết quả đạt được tốt hơn. Việc giải các bài toán (tình huống giả định) chính là ta đang rèn luyện cho bộ não giải quyết tình huống. Độ phức tạp của bài toán (biện luận, chia thành nhiều trường hợp…) chính là độ phức tạp của tình huống đòi hỏi bộ não phải xử lý. Do đó, cái còn lại sau những năm tháng vất vả học toán không phải chỉ là những công thức, quy tắc… mà quan trọng còn là cách suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề, khả năng toán học hóa các tình huống của cuộc sống. Thứ hai, tạo cảm xúc. Trong đời mỗi học sinh, chắc có hơn một lần “reo lên” khi tự mình giải được bài toán khó, tìm thêm được cách giải khác cho bài toán. Lúc đó cảm xúc của chúng ta thật vui sướng và lâng lâng. Đôi khi đó còn là một kỷ niệm đẹp, một bước ngoặt trong cuộc đời. Nhà toán học người Pháp Xi-mông Poát-xông (1781-1840), lúc nhỏ là một học sinh rất sợ toán. Sau, vì giải được bài toán “Chia sữa”, ông trở nên say mê học toán, nghiên cứu toán và đã trở thành một nhà toán học lỗi lạc. Nhà toán học Vla-đi-mia Ắc-nôn (1937-2010), một trong những nhà toán học vĩ đại nhất của nước Nga thế kỷ XX, kể lại rằng lúc còn học ở tiểu học, ông được thầy giáo cho giải bài toán về chuyển động của hai bà lão. Ắc-nôn còn nhớ: “Suy nghĩ tìm cách giải bài toán, lần đầu tiên tôi cảm nhận được niềm vui sáng tạo. Và chính ước vọng có được niềm vui như vậy đã giúp tôi trở thành nhà toán học”. Thứ ba, phát triển phẩm chất, năng lực: Mỗi khi bạn đã có phương pháp học toán tốt thì bạn sẽ không chấp nhận việc lập luận hời hợt, tư duy lộn xộn. Học toán mang lại cho bạn những phẩm chất, năng lực như suy nghĩ mạch lạc; làm chủ những ý tưởng chính xác và phức tạp; xây dựng những lý lẽ logic và chỉ ra những lý lẽ phi logic; hệ thống một vấn đề bằng những lý lẽ chính xác, nhận dạng được những vấn đề then chốt; trình bày một giải pháp rõ ràng, đưa ra những giả định rõ ràng; linh hoạt và tiếp cận cùng một vấn đề bằng nhiều quan điểm khác nhau; đối phó với vấn đề một cách tự tin, ngay cả khi chưa có giải pháp rõ ràng. Từ các lợi ích trên, có thể khẳng định rằng “học toán nhiều là không phí”, thậm chí rất nhiều người còn học toán đến hết đời với một niềm yêu thích. Trước khi ngừng thở, Xi-mông Poát-xông đã nói câu bất hủ: “Nếu được sống thêm cuộc đời nữa, tôi sẽ lại làm toán!”.
Có phải học sinh Việt Nam giải toán quá nhiều? Theo tìm hiểu của tôi, hiện tượng này là có nhưng cá biệt. Nhiều phụ huynh vì quá kỳ vọng vào con nên đã “ép” con học toán quá nhiều. Học ở trường, gửi học ở nhà thầy cô, học ca 1, rồi ca 2, ca 3… Thậm chí có nhiều phụ huynh đưa con ở độ tuổi mẫu giáo đi học “toán siêu tốc” để có thể tính nhẩm trên bàn tay các phép cộng, trừ tới 2 chữ số. Nhiều trường học vì thành tích có học sinh giỏi toán nên dồn học sinh vào học toán quá nhiều dẫn đến quá tải và phản giáo dục. Trong chương trình giáo dục quốc dân, môn toán giữ một vai trò quan trọng. Môn toán được coi là môn học công cụ, cung cấp các tri thức để người học có thể học tập các môn học khác. Trong phạm vi môn học của mình, môn toán trang bị các tri thức toán học, tri thức phương pháp được coi là cách thức học tập, nghiên cứu toán học, nghiên cứu sự vật hiện tượng, nghiên cứu thế giới quan. Thông qua học toán, người học được hình thành, rèn luyện và phát triển tư duy. Thực tế, có nhiều người ít dùng trực tiếp kiến thức toán học vào thực tiễn cuộc sống, nhưng không ai phủ nhận rằng, những người học toán tốt thường có tư duy tốt. Vì vậy, người ta dùng các bài kiểm tra toán dưới nhiều hình thức khác nhau, dùng thành tích học tập môn toán là một thước đo trong nhiều kỳ thi, kỳ tuyển dụng. Có những thực tế trên là do các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, môn toán có vai trò quan trọng trong phát triển tư duy người học. Trong khi, thế giới ngày càng coi trọng giáo dục để rèn luyện tư duy. Tư duy cũng có thể coi là giá trị, là phương tiện và là mục tiêu của giáo dục hiện đại. Trên thế giới hiện có hai khuynh hướng giáo dục toán học: Thứ nhất, coi toán học là công cụ để tiếp thu tri thức, nghiên cứu các khoa học khác. Theo khuynh hướng này, môn toán chỉ dạy cho học sinh một số lượng kiến thức vừa đủ để học những kiến thức phổ thông, không coi trọng dạy nguồn gốc cũng như phương pháp nghiên cứu toán học. Thứ hai, coi toán học mà đối tượng và phương pháp nghiên cứu của nó là điển hình để kích thích hứng thú, khơi dậy niềm say mê khám phá, qua đó truyền đạt phương pháp học tập, nghiên cứu, rèn luyện và phát triển tư duy người học. Do đó, trong dạy học môn toán, người ta cố gắng thông qua dạy tri thức toán học để dạy cách phát hiện và giải quyết vấn đề, dạy cách suy nghĩ, rèn luyện nhân cách.
Ở Việt Nam, khuynh hướng thứ hai rất được coi trọng. Các nhà nghiên cứu và các nhà giáo dục đều cho rằng, cái còn lại sau những năm tháng vất vả học toán không phải chỉ là những công thức, quy tắc… mà còn là cách suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề, khả năng toán học hóa các tình huống của cuộc sống. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của dạy học môn toán trong trường phổ thông là rèn luyện và phát triển tư duy cho học sinh. Chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh sẽ mang lại những giá trị bền vững hơn cả những kiến thức mà học sinh còn nhớ được sau này.
Phan Duy Nghĩa
(Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh)
Bình luận (0)