Kỳ 2: “Bán” món ăn tinh thần
Nụ cười lạc quan của ông Chí |
Rời nhà in, chúng tôi lại xuống đường cùng những người đồng hành đưa thông tin đến bạn đọc. Những cảnh đời xuôi ngược mưu sinh bằng nghề “bán” chữ của người khác với ước mơ vô cùng giản dị.
“Bán” chữ của người khác hay “bán” món ăn tinh thần là những cụm từ được dân bán báo đặt cho mình để thay thế cụm từ bán báo mà lâu nay không ít người cho rằng đó là cái nghề “mạt hạng” của xã hội.
Nhà có nhiều thế hệ bán báo
Ở cái tuổi 77, mỗi ngày ông Mạc Châu Chí phải dậy từ 4 giờ sáng để đạp xe từ quận 5 sang đường Khánh Hội quận 4 để bán báo. Ngày làm việc của ông kết thúc vào khoảng 10 giờ sáng với thu nhập không quá 30 ngàn đồng/ ngày. Ông Chí là người Hoa, cân nặng không quá 40kg. Có thể nói, ông là người khá đặc biệt, bán báo mà một chữ tiếng Việt bẻ đôi cũng không biết. Nhìn riết rồi cũng quen mắt, một tờ báo hay một tạp chí có mặt trên thị trường là ông “thuộc lòng”. Ông bảo, lúc đầu mới vào nghề, không có cách nào khác để phân biệt ngoài việc sắp xếp thứ tự các loại báo và cứ theo đó mà lấy khi khách hỏi. Về sau nhìn logo của mỗi tờ báo để phân biệt. Khi quen rồi chỉ cần nhìn cách trình bày trang bìa là biết tờ báo nào. Gia đình khó khăn, không muốn con cháu phải vất vả thêm vì mình nên ông phải đội nắng, dầm mưa để kiếm sống. Ông Chí tâm sự: “Những hôm đẹp trời thì không nói gì, khổ nhất là trời mưa. Mưa, bán ế, không có tiền trang trải lại mang thêm bệnh”.
Thu nhập từ việc “bán” chữ chỉ chừng ấy nhưng ông còn phải nuôi vợ già đau yếu. Cuộc sống khó khăn, ăn uống kham khổ nên cơ thể ông ốm yếu, gân guốc, gò má xương xẩu. Còn cái miệng thì móm sọm nhưng được cái hay cười, nói tiếng Việt lơ lớ rất duyên. Đây cũng là những ưu điểm để ông có những người khách “chung tình” hơn 5 năm nay.
Kệ báo nhỏ, số báo và tạp chí đặt trên ấy có trị giá không quá 200 ngàn đồng. Không có điểm tựa cho kệ báo, nhiều lần gió mạnh hất tung kệ, hơn nữa tuổi thọ của các kệ gỗ không cao nên ông thay thế bằng một chiếc kệ sắt. Chiếc kệ nặng gần bằng số kg và chiều cao thì quá nửa đầu của ông.
Trong gia đình, không chỉ mình ông Chí đi “bán” chữ mà cả con trai, con dâu và cháu nội cũng đi bán. Vợ chồng anh Mạc Văn Lộc (con trai ông Chí) và chị Phạm Yến Hồng đến với nghề bán báo trên 10 năm nay. Cái ăn của gia đình và cái chữ của 4 con đều từ nghề bán báo. Con trai lớn của anh chị ngày học một buổi, buổi còn lại cũng ra trông coi sạp báo.
Và ước mơ
Có nhiều khái niệm về hạnh phúc. Mỗi người có một công việc để mưu sinh cũng là một khái niệm của hạnh phúc. Ông Chí cũng thế. Với ông, bán báo còn là một niềm vui để an ủi tuổi già. Ông Chí nói: “Hôm nào ốm không đi bán nổi là trong người bứt rứt. Nhớ con đường ồn ào xe cộ. Nhớ cái cười của khách, quên sao được cái nguýt ngắn nguýt dài của một vài cô công chức khó tính khi mình thối tiền chậm…”.
Mỗi tờ báo bán được thu lãi cao nhất là 500 ngàn đồng. Hôm nào bán đắt cả vợ chồng và con anh Lộc cộng lại cũng gần được 200 ngàn đồng tiền lời. “Làm ngày nào ăn ngày đó, phải chi tiêu dè sẻn lắm mới có tiền cho tụi nhỏ đi học. Mùa mưa này thường phải vay mượn đóng học phí cho con. Mình khổ mấy cũng chịu được. Dốc sức cho con có cái chữ để sau này tự nuôi sống bản thân, không phải ra đường kiếm sống như mình bây giờ, khổ lắm”.
Không khá hơn, chị Dung bán báo ở vỉa hè gần ngã tư đường Nguyễn Thông – Lý Chính Thắng, quận 3 cũng trầy trật mưu sinh với nghề. Người con gái gốc Huế theo gia đình vào Bình Dương sinh sống. Cái nghèo cứ bám víu, chị quyết định lên thành phố mưu sinh để lo cho đàn em ăn học. Trang – đứa em gái của chị là cựu sinh viên ngành công nghệ sinh học, ĐH KHTN TP.HCM. Được như vậy cũng nhờ vào tiền lãi bán báo của chị. Chị Dung có thâm niên gần 20 năm bán báo. Trước đây chị bán báo dạo ở khu vực quận 3, quận 1. “Sài Gòn vào mùa mưa, khách vắng, nhiều hôm phải ôm báo về bán ve chai”, chị Dung nói giọng trầm buồn.
Lập gia đình, cái ăn và cái chữ của hai con cũng trông chờ vào đồng tiền lãi bữa có bữa không của chị. Chị Dung kể với giọng ấm ức: “Hôm nọ có ông khách ghé vào, tự ý lục lọi tìm tờ báo ông cần nhưng không có rồi lại buông một câu rất khó nghe: Sạp báo nghèo đến thế à, tờ báo đó mà cũng không có. Về nhà làm osin cho tôi, thu nhập cao hơn bán báo đấy”. Chị Dung tiếp: “Với tui làm nghề chi cũng được, miễn răng lòng không thẹn với trời đất, không vi phạm pháp luật”.
Với người đời, khi hỏi về ước mơ, người thì mơ nhà biệt thự, xe hơi. Còn với ông Chí, hỏi đến ông cười tít mắt, nói: “Trông tòa soạn cho mình một chiếc áo mưa và một tấm bạt để che kệ báo. Không tiền mua áo, dầm mưa cũng bệnh. Không có bạt tốt che, báo ướt mình cũng bệnh. Có nó mới có sức khỏe”.
Tuy An – Công Luận
Kỳ tới: Dịch vụ đổi báo
Bạn có thể bỏ tiền mua một tờ báo nhưng đọc được nhiều tờ thông qua dịch vụ đổi báo. Dịch vụ này mới rộ lên ở các quán cà phê vỉa hè. Đây cũng là chiêu thu hút khách của đội quân bán báo dạo…
Bình luận (0)