Điểm chuẩn trúng tuyển bậc đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng so với năm ngoái, có ngành thí sinh phải trên 9 điểm/môn mới trúng tuyển. Vì sao điểm này tăng cao, phải chăng tăng đều ở các ngành và các trường?
Sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Khối ngành sức khỏe là một trong những ngành có điểm chuẩn cao đều. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Chỉ tăng cao ở ngành “nóng”
Hết hôm qua (5.10), các trường ĐH xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay đã hoàn tất việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Nếu chỉ nhìn vào điểm chuẩn các ngành dẫn đầu ở từng trường, nhiều người cảm thấy hơi sốc khi thí sinh (TS) phải đạt 9 – 10 điểm/môn mới trúng tuyển.
Nếu các năm trước, điểm chuẩn trung bình 9 điểm/môn chỉ rơi vào ngành “nóng” nhất là y khoa thì năm nay đây là điểm chuẩn của hàng loạt ngành khác: công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật phần mềm, khoa học máy tính, ngôn ngữ Anh… Cá biệt, để trúng tuyển ngành Hàn Quốc học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội bằng khối C, TS phải đạt 3 điểm 10.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, điểm chuẩn này chỉ tăng đột biến ở những ngành nhiều TS quan tâm. Ngay trong từng trường cũng có sự phân hóa mạnh mẽ, ngành có điểm chuẩn cao nhất và thấp nhất cách nhau hơn 10 điểm. Vì thế có nhiều ngành TS chỉ cần đạt 5 – 6 điểm/môn vẫn trúng tuyển. Thạc sĩ Trần Phán Lịnh, Tổ trưởng tổ công tác tuyển sinh Trường ĐH Hùng Vương, cũng xác nhận tình trạng điểm chuẩn tăng cao ở các trường trong năm nay nhưng chủ yếu ở một vài ngành, đặc biệt là các ngành thuộc nhóm sức khỏe , và các ngành “hot” ở những trường top trên.
Chẳng hạn, Trường ĐH Quốc tế điểm ngành cao nhất 27, ngành thấp nhất 18. Trường ĐH Y dược TP.HCM ngành thấp nhất 19 trong khi ngành cao nhất 28,45 điểm. Một số trường như Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM mức lệch trên 10 điểm…
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định: “Thực sự điểm chuẩn chỉ cao ở một số ngành tại một số trường, không phải tất cả đều cao. Quan sát rộng có thể thấy nhiều ngành điểm chuẩn có tăng nhưng chỉ ở mức vừa phải”.
Phân tích nguyên nhân, tiến sĩ Nghĩa nêu 3 lý do: “Phổ điểm thi năm nay cao hơn hẳn các năm trước. TS vẫn tập trung đăng ký vào những ngành, trường vốn thu hút nhiều TS quan tâm. Trong khi đó, năm nay các trường phân bổ chỉ tiêu cho nhiều phương thức khác nhau”.
Chỉ tiêu thấp, cạnh tranh cao
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho rằng không có gì quá ngạc nhiên trước tình hình điểm chuẩn năm nay. Ông Hạ phân tích: “Điểm chuẩn các ngành của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm 2017 được xem là tiệm cận với điểm chuẩn năm nay. Trong khi đó, đề thi năm 2017 cũng được đánh giá dễ thở, khi đó điểm thi cao hơn và điểm chuẩn tăng theo là điều bình thường”.
Một nguyên nhân được ông Hạ nêu ra, cũng là cảnh báo của các chuyên gia tuyển sinh đã phân tích trước đó trong bối cảnh các trường ĐH sử dụng đa phương thức tuyển sinh trong năm nay. “Đặc biệt ở những trường nhiều TS quan tâm, chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét điểm thi giảm xuống, mức độ cạnh tranh lớn hơn, điểm chuẩn phải tăng lên”, ông Hạ phân tích.
Thực tế tuyển sinh năm nay cho thấy, chưa năm nào các trường ĐH sử dụng cùng lúc nhiều phương thức tuyển như năm nay. Ngay cả những trường lớn, chỉ tiêu còn lại cho xét điểm thi tốt nghiệp năm nay chiếm chưa tới 50%. Chẳng hạn, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 chỉ còn 40% xét điểm thi, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM còn khoảng 40% chỉ tiêu. Ngay theo lý giải của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), sở dĩ điểm chuẩn ngành Hàn Quốc học lên tới 30 điểm vì trong 50 chỉ tiêu tuyển sinh năm nay, trường đã tuyển thẳng 30 chỉ tiêu trước đó.
Lượng thí sinh ảo rất lớn
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng việc điểm chuẩn tăng cao đã được nhiều chuyên gia giáo dục dự báo trước đó khi điểm thi THPT 2020 có đề thi khá dễ thở và phổ điểm thi đã tăng 2 – 3 điểm so với trước đây. Điểm chuẩn tăng cao khiến nhiều TS hụt hẫng khi tuột mất cơ hội vào ngành học mình mong muốn ngay trong đợt tuyển sinh đầu tiên.
Theo thạc sĩ Thái, năm nay với tình hình dịch Covid-19 kéo dài khiến kế hoạch đào tạo, thi tốt nghiệp, việc học của TS đều bị xáo động. TS cũng có nhiều thời gian hơn trong việc tham gia xét tuyển cũng như có quyền được xét tuyển bằng nhiều hình thức nên lượng TS ảo ở các trường rất lớn.
“Khi tham gia công tác lọc ảo, chúng tôi thấy rất rõ thực tế nên việc dự báo số lượng TS nhập học bây giờ là rất khó”, ông Thái nói.
Theo Hà Ánh – Nguyễn Loan/TNO
Bình luận (0)